Vận động bầu cử qua mạng xã hội: Khuyến khích nhưng phải đảm bảo công bằng

Chuyên gia cho rằng việc các ứng viên ĐBQH, ĐB HĐND vận động bầu cử qua mạng xã hội là tín hiệu tốt, nên khuyến khích, nhưng cần đảm bảo tính công bằng.

Ngày 23/5, cử tri cả nước sẽ đi bầu cử để chọn ra 500 đại biểu Quốc hội cũng như bầu ra đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. Thời điểm hiện tại, quá trình vận động bầu cử của các ứng viên đang diễn ra và đây sẽ là yếu tố quan trọng quyết định lá phiếu của các cử tri.

PV VTC News có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Viết Chức, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) về vấn đề vận động bầu cử của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ông Nguyễn Viết Chức, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội).

Ông Nguyễn Viết Chức, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội).

- Việc vận động bầu cử của các ứng viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân được thực hiện thế nào, thưa ông?

Trước ngày bầu cử, các ứng viên có thời gian để vận động bầu cử. Vận động ở nước ta không phải là hình thức tranh cử như ở những nước khác.

Nguyên tắc khi vận động bầu cử là công bằng, đúng pháp luật, công khai, minh bạch.

Ông Nguyễn Viết Chức

Vận động bầu cử ở đây là rất công bằng, bình đẳng giữa các ứng cử viên, không có chuyện ứng viên này được hơn ứng viên kia, không có quân xanh, quân đỏ trong vận động bầu cử.

Khi vận động, mỗi ứng viên phải nói lên được chương trình hành động của mình, khẳng định có đầy đủ thời gian, thể hiện mình có năng lực phẩm chất, đạo đức để đại diện ý chí, nguyện vọng cho cử tri.

Chương trình hành động phải nói rõ mình ứng cử vì điều gì, mình là ai, có thể làm được những việc gì và ý định sẽ làm việc gì khi trúng cử? Ứng cử viên thấy như thế nào, có điều gì thì trình bày trước cử tri. Từ đó, cử tri sẽ đánh giá và bầu cho những người họ cho là xứng đáng.

Nguyên tắc khi vận động bầu cử là công bằng, đúng pháp luật, công khai, minh bạch.

- Vận động bầu cử ở nước ta được thực hiện theo hình thức nào, thưa ông?

Vận động bầu cử không phải việc các cá nhân tự đứng ra tổ chức mà do Mặt trận Tổ quốc các cấp đứng ra phối hợp cùng các cơ quan, đoàn thể để tổ chức trực tiếp tại nơi các ứng cử viên ứng cử.

Các ứng cử viên được ứng cử tại đơn vị bầu cử nào sẽ tiếp xúc cử tri trực tiếp ở các đơn vị đó chứ không phải đi tất cả các đơn vị. Ai ứng cử ở đơn vị bầu cử nào được phân vào đơn vị nào thì tiếp xúc cử tri với đơn vị cấp bầu cử đó.

Khi tiếp xúc cử tri, mỗi ứng viên được trình bày chương trình hành động của mình để cử tri nắm được. Quá trình tiếp xúc cũng quy định rất chi tiết, tỉ mỉ, mỗi người chỉ được một thời gian nhất định và thời gian giữa các ứng viên là như nhau.

Ngoài tiếp xúc cử tri thì có quy định về vận động thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, ví dụ như báo, đài của các cơ quan nhà nước.

Việc vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, không phải anh có người quen ở báo đài thì được tranh thủ vận động tuyên truyền cho cá nhân liên tục trên đó.

Vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng được quy định phải đảm bảo tính công bằng.

- Hiện nay, có nhiều ứng viên đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân sử dụng mạng xã hội để giới thiệu về bản thân và chương trình hành động của mình. Luật có cho phép hình thức vận động bầu cử này?

Pháp luật chưa có quy định cụ thể về điều này, nhưng trong bối cảnh hiện nay, mạng internet phát triển rất mạnh thì cá nhân có thể sử dụng mạng xã hội để vận động bầu cử.

Tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải tranh thủ tuyệt đối sức mạnh của mạng xã hội. Mạng xã hội có tính tích cực rất lớn. Môi trường mạng là một điều kiện kỹ thuật rất tốt để truyền tải thông tin đến được nhiều người, ta phải phát huy tính tích cực của nó.

Tất nhiên nó cũng có tiêu cực. Việc gì suy cho cùng cũng có mặt tích cực và tiêu cực, không có gì tích cực tuyệt đối và cũng không có gì tiêu cực tuyệt đối cả. Nhưng vì thế mà kết luận mạng xã hội không tốt là không đúng.

- Nhiều người hoan nghênh, coi việc vận động bầu cử qua mạng xã hội là tín hiệu tốt và nên khuyến khích?

Tôi nghĩ đất nước đang xây dựng xã hội số, một nền kinh tế số, thì đương nhiên việc các đại biểu sử dụng mạng là tốt, cần phải khuyến khích, thậm chí các đại biểu nào chưa biết sử dụng mạng thì cũng cần vận động để dùng mạng cho tốt.

Tuy nhiên hiện tại chưa có quy định cụ thể thì mỗi người phải biết tự mình điều chỉnh, tiết chế để sao cho người dân không hiểu nhầm rằng có một sự vận động bầu cử không lành mạnh ở đây.

Hiện nay, vài chục triệu người Việt Nam sử dụng mạng xã hội, hầu như ai cũng có thể kết nối internet thì thời gian họ lên mạng để tiếp xúc, tìm hiểu thông tin về các đại biểu có khi nhiều hơn việc họ nghe trên các phương tiện thông tin hoặc đến các điểm niêm yết danh sách để tìm hiểu thông tin về các ứng viên.

Cho nên tôi nghĩ đã đến lúc phải có quy định rất cụ thể, chi tiết về việc này để tránh việc một người nào đó rất tích cực, làm việc rất nghiêm túc nhưng thông qua hệ thống mạng nhiều người biết đến thì lại bị hiểu nhầm thành việc khác thì sẽ bất lợi.

Tôi tin rồi đây Quốc hội sẽ bổ sung những quy định một cách rõ ràng và chi tiết hơn việc sử dụng mạng trong vận động bầu cử.

- Tuy vậy, có lo ngại tình trạng mất công bằng giữa các ứng viên hay không khi không phải ứng viên nào cũng có thể dùng mạng xã hội và khi đó những người có tiếng nói trên mạng xã hội sẽ có lợi thế, thưa ông?

Phải lưu ý đến vấn đề đảm bảo bình đẳng giữa các ứng cử viên như tôi đã nói, không phải ai cũng có lợi thế dùng mạng xã hội.

Cần có quy định rất kỹ lưỡng về việc này, để tránh việc có người có thời gian, có trình độ trong sử dụng mạng, kết nối mạng từ lâu bây giờ lại được vận động bầu cử trên mạng thì chắc chắn sẽ hơn những người chưa có kết nối mạng.

Tôi muốn kiến nghị Quốc hội cần sớm xem xét để đưa quy định chi tiết việc sử dụng mạng xã hội để quảng bá, vận động bầu cử.

Ông Nguyễn Viết Chức

Trước đây quy định không nhắc đến việc này nhưng quy định nhấn mạnh việc bình đẳng và công bằng thì mọi ứng viên phải tự điều chỉnh làm sao cho công bằng và bình đẳng.

Tất nhiên không một pháp luật nào có thể theo kịp được cuộc sống, bao giờ cuộc sống cũng rộng hơn, mênh mông hơn đối với pháp luật. Pháp luật dù có tốt lắm thì rồi cũng vẫn phải điều chỉnh, nếu pháp luật còn chậm thì càng phải “chạy” thật nhanh, điều chỉnh thật nhanh để bao quát hết các vấn đề của cuộc sống.

Cuộc sống bao giờ cũng nảy sinh những vấn đề hàng ngày, hàng giờ, nhất là cuộc sống hiện đại bây giờ rất năng động. Trước đây thì ai biết có hệ thống mạng internet, bây giờ có hệ thống mạng tuy là “ảo” nhưng lại không hề ảo, có tác động rất thực và rất mạnh.

Nhân đây tôi muốn kiến nghị Quốc hội cần sớm xem xét để đưa quy định chi tiết việc sử dụng mạng xã hội để quảng bá, vận động bầu cử.

Và không phải chỉ có việc bầu cử này mà còn hàng loạt những việc khác, rồi đây khi chúng ta phát triển mạnh xã hội số, kinh tế số thì sẽ còn nhiều vấn đề phải quy định bằng luật pháp, vấn đề sử dụng mạng và mạng xã hội.

- Thực tế cho thấy việc vận động bầu cử theo cách nào thì cũng chỉ là hình thức, cốt lõi vẫn phải là nội dung, là chương trình hành động của ứng viên, đó mới là điều thuyết phục cử tri, thưa ông?

Hoàn toàn chính xác, nói như vậy chứ anh thông tin nhiều nhưng thông tin đó không có giá trị, không mang lại niềm tin cho cử tri thì thông tin ấy chưa chắc đã mang lại hiệu quả gì, nhất là việc anh tung lên mạng nhưng chỉ là để đánh bóng tên tuổi thì không phải là tốt.

Ở đây có một kinh nghiệm khi chúng tôi từng đi tiếp xúc cử tri đó là mình có thế nào thì hãy nói thực như thế, mình muốn gì hãy nói thực là thế.

Và nếu mong muốn của mình, năng lực của mình phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của dân, đại diện cho ý chí nguyện vọng của người dân, bảo vệ quyền lợi của người dân, người dân nghe họ thấy rằng mình có năng lực, có khả năng thể hiện ý chí nguyện vọng của họ thì họ sẽ bầu.

Người dân bây giờ rất “tinh”, trình độ đã rất cao rồi, nếu anh đánh bóng quá thì người ta cũng để ý, cũng nghi ngại và sẽ phản tác dụng.

“Nói văn hoa chẳng qua sự thật”, sự thật anh là thế nào và sự thật anh là người có khả năng gì để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới thì cử tri sẽ bầu cho anh. Đó là điểm mấu chốt để thuyết phục cử tri

- Như vậy, chương trình hành động của các ứng viên cần yếu tố gì để tạo ấn tượng cho cử tri, thưa ông?

Chương trình hành động là của riêng mỗi người, với mỗi người sẽ khác nhau nhưng rõ ràng chương trình hành động ấy phải sát với chức năng nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội, người đại biểu Hội đồng nhân dân, phải bám sát tình hình của đất nước, tình hình của các địa phương, bám sát yêu cầu phát triển trong thời đại mới. Nhất là trong bối cảnh ta vừa kết thúc Đại hội Đảng tốt đẹp và đặt ra khát vọng rất lớn trở thành nước phát triển có thu nhập cao trong những năm tới.

Nếu anh bắt nhịp được nhịp đập của cuộc sống, yêu cầu của cuộc sống thì chương trình hành động của anh sẽ có ấn tượng, còn nếu chương trình hành động chỉ là gì đó chung chung, giáo điều thì chắc chắn sẽ không có ấn tượng gì hết.

Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào từng đại biểu, từng ứng cử viên với hàng nghìn chương trình khác nhau.

- Xin cảm ơn ông!

Xuân Trường (thực hiện)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/van-dong-bau-cu-qua-mang-xa-hoi-khuyen-khich-nhung-phai-dam-bao-cong-bang-ar612430.html