Vân Đồn: Phát triển nông sản thế mạnh

Thời gian qua, huyện Vân Đồn đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng các mô hình hợp lý theo hướng sản xuất hàng hóa, khuyến khích người dân phát triển sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Nghề nuôi cá biển mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân huyện Vân Đồn. Trong ảnh: Mô hình nuôi cá giò tại thị trấn Cái Rồng.

Nghề nuôi cá biển mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân huyện Vân Đồn. Trong ảnh: Mô hình nuôi cá giò tại thị trấn Cái Rồng.

Theo ông Từ Tú Dương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn: Để làm nền tảng phát triển ngành Nông nghiệp trên địa bàn theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả, thời gian qua, huyện Vân Đồn đã tập trung phát triển các vùng sản xuất tập trung gắn với lợi thế tự nhiên. Trong đó, các vùng trồng trọt tập trung như: Trồng cam tại các xã Bản Sen, Vạn Yên, nhân rộng diện tích sản xuất tại Đài Xuyên, Đoàn Kết, Bình Dân với tổng diện tích 450-500ha; trồng đào tập trung ở xã Hạ Long, nhân rộng diện tích sản xuất tại Đài Xuyên, Đoàn Kết, Bình Dân, Vạn Yên, phấn đấu mở rộng diện tích hằng năm từ 10-15ha; vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên 3.000ha ở các xã Quan Lạn, Minh Châu, Thắng Lợi, Bản Sen, Hạ Long.

Phát huy lợi thế vùng biển đảo, những năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện ngày càng được người dân đầu tư bài bản, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện toàn huyện có trên 3.300ha nuôi trồng thủy sản, với 1.250 hộ, doanh nghiệp tham gia nuôi. Trong đó, phần lớn diện tích là nuôi các loại nhuyễn thể (2.400ha) như ngao, hàu, tập trung nhiều tại các xã: Bản Sen, Hạ Long, Thắng Lợi, Đông Xá, Ngọc Vừng, Quan Lạn. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có khoảng 4.700 ô lồng nuôi cá biển, chủ yếu nuôi các loại cá song, hồng, giò, tại các xã: Bản Sen, Hạ Long, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Đông Xá và thị trấn Cái Rồng; nuôi tôm duy trì ổn định với 150ha.

Để nâng cao sản lượng nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn huyện đã tập trung chuyển hình thức nuôi quảng canh, chủ yếu dựa vào điều kiện và nguồn thức ăn tự nhiên sang bán thâm canh với các yếu tố kỹ thuật như cải tạo khu vực nuôi, quản lý quá trình nuôi được quan tâm, áp dụng. Có thể kể đến như nuôi dây treo, khay treo, lồng treo áp dụng với hàu, tu hài, ngao hoa. Hay nuôi lồng thả đáy, đây là hình thức nuôi khá phổ biến đối với tu hài và một số loài ngao có giá trị kinh tế cao. Mô hình này đang phát triển mạnh ở hầu hết các xã đảo, ven biển của Vân Đồn.

Nhờ phát huy tiềm năng, thế mạnh trong đánh bắt, nuôi trồng, lượng thủy sản của huyện có xu hướng tăng qua các năm. Hiện Vân Đồn được đánh giá là trung tâm nuôi hàu Thái Bình Dương lớn nhất toàn quốc, với sản lượng khoảng 400.000 tấn/năm. Năm 2020, tổng sản lượng thủy sản toàn huyện đạt trên 53.000 tấn, tăng 12% so với năm 2019, trong đó riêng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 40.534 tấn, tăng trên 20% so với năm 2019...

Cùng với nuôi trồng thủy sản, đến nay nhiều hộ dân trên địa bàn đã tập trung trồng các loại cây chủ lực, tạo nguồn thu nhập chính trong gia đình, từng bước giảm nghèo vươn lên làm giàu. Gia đình ông Lê Xuân Lộc, thôn 5, xã Hạ Long, hiện có trên 1.000 gốc đào. Ông Lộc cho biết: Từ đầu năm 2013, huyện triển khai dự án áp dụng kỹ thuật trồng cây đào bằng ghép nhánh từ cây đào gốc Vân Đồn thay thế cho cách trồng đào truyền thống trước đây gia đình tôi đã thực hiện theo. Nhờ áp dụng kỹ thuật mới cho toàn bộ diện tích trồng đào của gia đình, tốc độ sinh trưởng, chất lượng cây tốt hơn. Qua đó, cho giá trị kinh tế cao vào các vụ đào Tết.

Bên cạnh cây đào, cây cam cũng đang là một giống cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn huyện. Điển hình như xã Vạn Yên, trên địa bàn xã hiện có hơn 100 hộ gia đình trồng cam, với tổng diện tích khoảng 183ha. Nhằm duy trì, thúc đẩy phát triển bền vững cây cam, đến nay các hộ gia đình đã xây dựng đề án trồng cây cam bản địa theo hướng VietGAP. Nguồn nước tưới được tận dụng từ những khe nước trong rừng chảy ra; phân bón hữu cơ, bón lót 4 lần/năm và gần như không dùng thuốc trừ sâu, nên cam sạch, ngon, ngọt. Năm 2016, cam Vạn Yên được UBND tỉnh công nhận, cấp chứng nhận sản phẩm OCOP. Hiện nay, trung bình mỗi năm sản lượng cam Vạn Yên đạt khoảng 200 tấn, giá dao động từ 32.000-35.000 đồng/kg tùy theo chủng loại, chất lượng. Do mỗi năm chỉ có một vụ và thu hoạch vào dịp cuối năm, nên cam Vạn Yên thường chỉ tiêu thụ tại thị trường nội tỉnh và một số tỉnh, thành lân cận. Vào mùa thu hoạch, thương lái đến tận vườn thu mua. Mỗi năm, trung bình một hộ gia đình trồng cam Vạn Yên thu nhập từ 100-200 triệu đồng.

Có thể thấy, những kết quả bước đầu về phát triển vùng sản xuất tập trung trên địa bàn huyện Vân Đồn tạo bước đột phá trong nông nghiệp của huyện, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần cải thiện đời sống của nông dân theo hướng làm giàu bền vững.

Nguyễn Thanh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202101/van-don-phat-trien-nong-san-the-manh-2517805/