Vận đen của Elon Musk

(TBKTSG0 - Khi tỉ phú Elon Musk thừa nhận hồi tháng trước rằng, năm nay là năm 'khó khăn và đau đớn nhất' trong sự nghiệp, có lẽ ông cũng chưa dám hình dung tới khả năng sẽ bị mất chức Chủ tịch Công ty Xe điện Tesla - 'đứa con tinh thần' tâm huyết nhất của ông.

Bên trong nhà máy sản xuất ô tô điện Tesla ở Fremont, California.

Minh bạch hay lừa đảo?

Hôm thứ Bảy vừa qua, Elon Musk đã buộc phải từ chức Chủ tịch Tesla (trong ba năm) và phải trả một khoản tiền phạt 20 triệu đô la Mỹ, sau khi đạt thỏa thuận dàn xếp pháp lý với Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC).

Mọi việc bắt nguồn từ buổi sáng “định mệnh” hôm 7-8. Musk kể với New York Times (NYT), sáng đó ông thức dậy tại nhà, bên bạn gái, ca sĩ nổi tiếng Grimes. Ông phải đi làm sớm và tự lái chiếc xe điện Tesla Model S tới sân bay. Trên đường đi, Musk đăng một dòng trên Twitter với nội dung: “Tôi đang cân nhắc việc tư nhân hóa Tesla với giá 420 đô la/cổ phiếu. Đã có nguồn tiền đảm bảo (cho việc đó).

Thông tin này ngay lập tức gây chấn động thị trường. Chỉ hơn 1 tiếng sau, cổ phiếu của Tesla đã tăng 7%. Sàn chứng khoán NASDAQ buộc phải tạm dừng và khi giao dịch tiếp tục diễn ra, giá cổ phiếu Tesla tiếp tục tăng tổng cộng 11%.

Elon Musk cho rằng, những dòng chữ mà ông đăng tải là nỗ lực “minh bạch hóa” và “vì lợi ích các nhà đầu tư”, nhưng SEC kết luận rằng, đây là một tuyên bố “sai sự thật và gây hiểu nhầm”.

“Sự thật là Musk thậm chí đã không thảo luận các điều khoản quan trọng, bao gồm giá cả, với bất kỳ đối tác cung cấp tài chính nào”, SEC cho biết. Thậm chí, Steven Peikin, quan chức của SEC được hãng tin Bloomberg dẫn lời còn cho rằng, Musk đăng tin như vậy để gây ấn tượng với... bạn gái.

Tuần trước, SEC đã khởi kiện Elon Musk ra tòa với cáo buộc gian lận chứng khoán. Musk lúc đầu phản bác đơn kiện của SEC, gọi đây là “động thái bất công”. Theo hãng tin CNBC, SEC đã đề nghị dàn xếp pháp lý trước khi khởi kiện và theo thỏa thuận ban đầu, Musk sẽ phải trả một khoản tiền phạt 10 triệu đô la và rời ghế Chủ tịch Telsa trong vòng hai năm. Song Musk không đồng ý vì “muốn sống thật với chính mình”. Tuy nhiên chỉ vài giờ sau đó, ông bất ngờ chấp thuận dàn xếp. Không rõ tại sao Musk lại đổi ý nhanh như vậy. Khi đó, cổ phiếu của Tesla đã giảm gần 14%.

Theo thỏa thuận đạt được hôm thứ Bảy, tỉ phú Musk sẽ phải nộp phạt 20 triệu đô la và phải từ chức Chủ tịch trong ba năm. Tuy nhiên, ông vẫn giữ được ghế Giám đốc điều hành (CEO) và thành viên hội đồng quản trị. Trong thỏa thuận, Musk không thừa nhận hay bác bỏ cáo buộc về việc ông đã khiến các nhà đầu tư hiểu lầm.

Jay Clayton, Chủ tịch SEC, cho biết, vụ việc của Musk và Tesla gửi đi thông điệp rằng: “Khi các công ty và người trong công ty (niêm yết) đưa ra tuyên bố, họ phải hành động có trách nhiệm, bao gồm cả nỗ lực để đảm bảo các tuyên bố không sai hoặc gây hiểu nhầm”.

Trả lời phỏng vấn NYT, Musk giải thích ông đưa ra con số 420 dựa trên mức lãi 20% của giá cổ phiếu vừa được giao dịch ở thời điểm đó. Số này khoảng 419 đô la nhưng ông làm tròn thành 420. Ở Mỹ, con số 420 là biểu tượng của văn hóa cần sa. Mà Elon Musk thì vừa bị chỉ trích vì hút cần sa trong khi trả lời phỏng vấn trên truyền hình Mỹ.

“Những kẻ bán khống”

6 giờ 30 sáng 18-8, ba robot trong bộ phận sơn tại nhà máy sản xuất ô tô điện Tesla ở Fremont, California, gặp trục trặc. Vụ việc khiến dây chuyền sản xuất xe Tesla Model 3 phải ngừng hoạt động.

Musk lập tức đến nhà máy làm việc và giải quyết vấn đề, nhưng đưa ra một kết luận đáng lo ngại: robot bị nhiễm mã độc do hành vi phá hoại công nghiệp. Và mặc dù không đưa ra bất kỳ cáo buộc cụ thể nào, song các lãnh đạo công ty nghĩ rằng họ biết thủ phạm. Đó là nhân viên giả mạo nào đó làm việc theo lệnh của “những kẻ bán khống chứng khoán”.

Họ là ai? Là những nhà đầu tư “vay” chứng khoán và đặt lệnh bán khi không có chứng khoán trong tài khoản. Khi thực hiện giao dịch này, họ mong giá sẽ giảm trong tương lai và mua lại để trả số chứng khoán đã vay. Trong giao dịch trên, nếu giá cổ phiếu tăng thì nhà đầu tư sẽ lỗ. Vì vậy, họ luôn đặt cược vào việc chứng khoán giảm giá.

Tesla là một trong những cổ phiếu được bán khống nhiều nhất, và Elon Musk rất căm “những kẻ bản khống”. Ông cho rằng họ luôn lan truyền thông tin sai lệch về công ty và gây ra những hành động phá hoại để cầu cho cổ phiếu giảm giá.

Theo NYT, tổng giá trị lượng cổ phiếu Tesla mà nhà đầu tư đi vay lên đến 9,03 tỉ đô la Mỹ, cao hơn 1,6 tỉ đô la so với cổ phiếu xếp thứ hai là Amazon. Trước đó hồi tháng 6, chỉ trong một phiên giao dịch, những người bán khống đã bị mất hơn 1 tỉ đô la khi cổ phiếu của Tesla tăng mạnh nhất trong hơn hai năm trở lại đây. Kể từ năm 2016 đến trước cuộc khủng hoảng tuần vừa qua, những người muốn cổ phiếu Tesla tụt dốc đã mất gần 5 tỉ đô la Mỹ.

Có một vài ý kiến tỏ ý nghi ngờ rằng, những thông điệp mà Musk đăng tải trên Twitter về tư nhân hóa Tesla là để “điều trị” những kẻ bán khống. Hồi tháng 5, ông bất ngờ bỏ ra gần 10 triệu đô la, mua 33.000 cổ phiếu theo giá thị trường để thúc đẩy cổ phiếu tăng giá.

Cũng chính vì căm ghét những người kẻ bán khống mà Musk tự đặt mình vào áp lực. Khi công bố mẫu Model 3 năm 2016, ông ca ngợi đây là chìa khóa tương lai của Tesla và dự đoán sản lượng hàng tháng là 20.000 chiếc. Nhưng trong ba tháng cuối năm 2017, chỉ có 2.425 xe được xuất xưởng.

Sự chậm trễ này khiến ông mất ăn mất ngủ trong thời gian qua. Ông cho biết đã phải làm việc 120 tiếng/tuần, không ra khỏi nhà máy trong suốt 3-4 ngày liên tiếp, thậm chí ngủ ngay tại chỗ.

Musk thường xuyên đi lại trong nhà máy để kịp trực tiếp sửa chữa các vấn đề phát sinh trên dây chuyền lắp ráp. “Ông ấy đòi hỏi trách nhiệm cá nhân của những người gần gũi nhất với máy móc,” Giám đốc kỹ thuật Straubel nói với NYT. “Điều này khiến mọi người hoảng sợ. Họ luôn lo lắng Musk sẽ đến dây chuyền và bắt đầu đặt câu hỏi”.

Việc quản lý sát sao của Musk khiến nhiều lãnh đạo cấp cao cảm thấy không vừa ý và lần lượt ra đi. Theo thống kê của Reuters, từ năm 2016 tới nay đã có 30 người rời bỏ công ty, trong đó có giám đốc kỹ thuật pin, phó chủ tịch phụ trách bộ phận lái tự động và giám đốc kỹ thuật sản xuất, tất cả đều là những vị trí quan trọng đối với tương lai của Tesla.

Gần đây, Musk và Straubel cùng có mặt ở nhà máy Gigafactory để xem xét một lỗi trong quá trình sản xuất mà nhân viên không thể tìm ra biện pháp khắc phục. Sau khi Musk trực tiếp can thiệp, máy đã được lập trình lại và hoạt động nhanh hơn 10%. Điều này cho thấy sự nhạy bén kỹ thuật của vị tỉ phú này, nhưng cũng bộc lộ một hạn chế khác: giám đốc điều hành cũng làm việc như... công nhân.

“Công việc quan trọng nhất của CEO là xây dựng đội ngũ tuyệt vời quanh bạn”, Bill George, cựu Giám đốc điều hành của nhà sản xuất thiết bị y tế Medtronic và thành viên hội đồng quản trị của Goldman Sachs, nhận xét. “Anh ta (Musk) không nên ngủ ở nhà máy. Tôi muốn anh ấy ngủ ở nhà”.

Musk được các nhà phân tích và nhà đầu tư coi là trái tim của Tesla. Ông không chỉ có mặt ở từng khâu nhỏ nhất trong dây chuyền sản xuất mà can thiệp tới thiết kế các lỗ thông hơi trên mẫu xe mới nhất. Musk đã giúp công ty trở thành một trong những nhà sản xuất ô tô có giá trị nhất nước Mỹ và người ta có cảm giác rằng Tesla sẽ không thể hoạt động nếu thiếu Musk.

“Musk coi Tesla như con của mình vậy”- Deepak Ahuja, Giám đốc tài chính của công ty, nói với NYT. “Anh ấy đối xử với nó đầy cảm tính cá nhân”.

Minh Đức

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279593/van-den-cua-elon-musk.html