Vấn đề Triều Tiên sẽ quyết định tương lai quan hệ Nhật-Trung?

Quan hệ Trung – Nhật trong thời gian qua luôn ở trạng thái nóng về kinh tế và lạnh về chính trị do nhiều bất đồng.

Những khúc mắc trong quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc

Quan hệ hai nước những năm gần đây nổi lên là vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku (theo cách gọi của Nhật Bản)/Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc) trên biển Hoa Đông.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Quần đảo mà Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp với 8 đảo nhỏ và bãi đá có tổng diện tích khoảng 7km2. Quần đảo này ở phía Tây Nam của tỉnh cực Nam Okinawa của Nhật Bản, phía Đông Trung Quốc đại lục và phía Đông Bắc của Đài Loan (Trung Quốc).

Đây được coi là một trong những khu vực có trữ lượng dầu khí lớn và có các tuyến giao thông đường biển quan trọng về mặt chiến lược. Vì vậy, quần đảo này là mục tiêu tranh chấp của không chỉ Nhật Bản và Trung Quốc.

Trong một vài thập kỷ gần đây, tranh chấp lãnh thổ liên quan tới quần đảo nhỏ này là một trong những “nhân tố gây bất ổn” đối với quan hệ Nhật -Trung.

Vào đầu tháng 9/2012, “nhân tố gây bất ổn” này lại gây sóng gió cho quan hệ Nhật - Trung sau khi Tokyo quyết định mua lại ba đảo nhỏ thuộc quần đảo Senkaku từ một thương nhân của nước này với lý do là quản lý quần đảo này một cách “hòa bình và ổn định”.

Ngoài yếu tố được coi là bề nổi ở trên, thì yếu tố cạnh tranh vị thế chính trị trên thế giới được coi là “sóng ngầm” trong quan hệ hai nước. Vấn đề Biển Đông, Triều Tiên được Nhật Bản hết sức quan tâm, nhưng Trung Quốc giường như luôn đối lập Nhật Bản trong vấn đề này.

Hơn thế nữa, trong 5 năm qua, kim ngạch thương mại hai nước liên tục giảm. Nếu như ở giai đoạn 2013-2014, quan hệ hai nước được cho là “tồi tệ” với kết quả điều tra hơn 71% người Nhật Bản không lạc quan về triển vọng quan hệ hai nước.

Theo ông Kudo Yasushi-Nhà phân tích thuộc tổ chức Phi lợi nhuận Nhật Bản (NPO) cho rằng nguyên nhân nhân dân hai nước không mấy lạc quan vào quan hệ hai nước là do giao lưu trực tiếp giữa nhân dân hai nước còn ít, nhận thức về đối tác chủ yếu thông qua phương tiện truyền thông. Tuy nhiên đánh giá về độ tin tưởng của truyền thông của nhân dân hai nước lại khác nhau.

Ví dụ như vấn đề tranh chấp giữa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, có đến 80% dân chúng Trung Quốc tin vào truyền thông. Điều này khiến ảnh hưởng xấu tới quan niệm của nhân dân Trung Quốc về Nhật Bản. Ngược lại chỉ có khoảng 20% nhân dân Nhật Bản tin vào truyền thông về vấn đề này.

Theo ông Kudo Yasushi quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc đang ở giai đoạn được cải thiện và hai nước nên tiếp tục một cách tích cực những hoạt động đó.

Dậm chân tại chỗ

NHK đã trích dẫn bài viết của Giáo sư Hishida Masaharu thuộc Đại học Hosei, nói về triển vọng quan hệ Nhật – Trung:

Từ quan điểm dài hạn, Giáo sư cho rằng bây giờ là thời điểm thích hợp nhất để cải thiện quan hệ Nhật - Trung. Trong lĩnh vực ngoại giao, có những mốc lịch sử được cho là quan trọng. Năm 2017 đánh dấu 45 năm bình thường hóa quan hệ Nhật - Trung năm 1972.

Sang năm 2018 là tròn 40 năm ngày Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Nhật - Trung ký kết năm 1978. Trong bối cảnh đó, hồi tháng 4, các ngoại trưởng Nhật Bản và Trung Quốc đã tổ chức hội đàm ở New York. Hồi tháng 7, các lãnh đạo của 2 nước cũng gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức.

Tuy nhiên, vấn đề là những nỗ lực cải thiện quan hệ song phương này ngày càng trở nên không chắc chắn. Điều này xuất phát từ những khác biệt còn tồn tại liên quan đến Triều Tiên dù cả Tokyo và Bắc Kinh cùng nhận thấy tình hình Bình Nhưỡng ngày cảng trở nên khó lường.

Ngoài ra, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ mong muốn hợp tác với Trung Quốc sau khi hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 4 đã đánh dấu sự thay đổi lập trường của ông Trump so với những gì ông tuyên bố trong chiến dịch tranh cử.

Sự thay đổi chính sách như vậy chắc chắn đã làm dấy lên lo ngại ở Nhật Bản rằng nếu Nhật Bản không xây dựng lại quan hệ với Trung Quốc, thì Washington và Bắc Kinh có thể bắt đầu giải quyết vấn đề Bình Nhưỡng mà không có sự tham gia của Tokyo.

Đó là lý do giải thích việc từ tháng 5 đến nay, trao đổi ngoại giao giữa các nghị sỹ Nhật Bản và Trung Quốc liên tục gia tăng. Phía Nhật Bản đã vạch ra chiến lược cải thiện quan hệ với Trung Quốc thông qua chia sẻ quan ngại với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên.

Tuy nhiên, sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại chia sẻ trên tài khoản Twitter rằng ông "rất thất vọng với Trung Quốc". Phát ngôn này báo hiệu sự thay đổi đối với cách tiếp cập hợp tác của ông. Washington cũng thông báo áp dụng trừng phạt đối với 2 công ty của Trung Quốc, là một ngân hàng và một công ty thương mại.

Trước động thái đó của Washington, Tokyo cũng đã thắt chặt trừng phạt đối với Triều Tiên và cùng với Mỹ tìm cách tăng sức ép để Trung Quốc gia tăng trừng phạt đối với Triều Tiên. Đúng như dự đoán, Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ trước việc này.

Trung Quốc sẽ tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản vào mùa Thu tới, vì thế hiện nay Trung Quốc vẫn chưa đưa ra một chính sách cụ thể đối với Nhật Bản. Nếu quyền lực của ông Tập Cận Bình mạnh lên, ông sẽ có thể tự quyết định nhiều hơn về các vấn đề với Nhật Bản.

Theo Giáo sư Masaharu, ông Tập Cận Bình cảm thấy áp lực trước quan hệ tốt đẹp giữa ông Trump và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Với Trung Quốc, việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản một phần có mục đích là để ngăn liên minh Nhật - Mỹ nhắm vào Trung Quốc. Quan hệ Nhật - Trung đã có những dấu hiệu được cải thiện từ mùa Xuân. Tuy vậy, trong thời gian tới quan hệ 2 nước có lẽ sẽ vẫn dậm chân tại chỗ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc hội đàm bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20.Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, Trung Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia láng giềng quan trọng, việc phát triển quan hệ Trung – Nhật có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân hai nước, đối với khu vực châu Á cũng như thế giới.

Năm nay là kỷ niệm 45 năm bình thường quan hệ ngoại giao giữa hai nước, hy vọng hai bên sẽ tăng cường hợp tác, loại bỏ khó khăn, thúc đẩy quan hệ hai nước tiến về phía trước./.

Bùi Hùng/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/van-de-trieu-tien-se-quyet-dinh-tuong-lai-quan-he-nhattrung-660172.vov