Vấn đề tận dụng thời cơ trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và bài học thực tiễn cho tình hình Đất nước hiện nay

Trong tất cả các cuộc cách mạng, vấn đề xác định thời cơ, chuẩn bị lực lượng để chớp thời cơ là những vấn đề hết sức quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: 'Làm cách mệnh phải biết dựa vào thời cơ và phải nhìn chung phong trào mọi nơi, mọi chốn mới chắc thắng'. Bởi, thời cơ chỉ xuất hiện trong thời điểm nhất định: nếu chúng ta nắm bắt, tận dụng kịp thời và triệt để thời cơ, chuẩn bị tốt lực lượng, hành động kiên quyết thì tất yếu sẽ giành thắng lợi; còn ngược lại, nếu không tận dụng tốt thời cơ sẽ khó giành thắng lợi, sự nghiệp đấu tranh cách mạng kéo dài và gặp nhiều khó khăn.

Thời cơ cách mạng và tình thế cách mạng có liên quan trực tiếp và biện chứng với nhau. Song chúng ta phải dựa trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn cách mạng thế giới và trong nước trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, để dự báo chính xác thời cơ cách mạng một cách nhanh chóng và kịp thời. Từ dự báo thời cơ để chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng đón nhận thời cơ và ngược lại, tích cực xây dựng, phát triển lực lượng để tạo ra thời cơ và chờ đón tình thế cách mạng.

Một trong những yếu tố quan trọng, quyết định thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 là vấn đề tận dụng thời cơ trong cách mạng (hình tư liệu).

Một trong những yếu tố quan trọng, quyết định thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 là vấn đề tận dụng thời cơ trong cách mạng (hình tư liệu).

1. Vấn đề tận dụng thời cơ trong cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945

Vận dụng vào thực tiễn trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc tháng Tám năm 1945 tại Việt Nam, chúng ta nhận thấy việc phân tích và tận dung thời cơ là một trong những vấn đề hết sức quan trọng dẫn tới thắng lợi triệt để của cuộc cách mạng. Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra và lan rộng khắp châu Âu vào tháng 9/1939, dẫn tới tình hình thế giới và phong trào cách mạng trong nước có những chuyển biến tích cực cho cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam nói riêng và của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc nói chung. Trên cơ sở phân tích những diễn biến có thể xảy ra, Đảng ta, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đưa ra những nhận định hết sức quan trọng về tình thế cách mạng, trên cơ sở đó kịp thời chỉ đạo chuyển hướng chiến lược cách mạng. Hội nghị Trung ương 6 đã phân tích sâu sắc tình hình thế giới và tính chất chiến tranh trong giai đoạn đầu là đế quốc chiến tranh; dự báo khả năng phát xít sẽ chuyển sang tiến công Liên Xô do đó chiến tranh đã thay đổi về tính chất, dự báo tiền đồ cách mạng thế giới là rất sáng lạn. Hội nghị chỉ rõ nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng lúc này là tập trung mũi nhọn đấu tranh vào chủ nghĩa đế quốc thực dân Pháp và phong kiến tay sai, chuẩn bị những điều kiện cần thiết tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

Đến Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941) dưới sự chủ trì của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã phân tích, đánh giá tình hình thế giới, tình hình trong nước sẽ có những chuyển biến tích cực theo chiều hướng Liên Xô và các nước Đồng minh sẽ chiến thắng chủ nghĩa phát xít, phát xít Nhật sẽ thảm bại; con đường duy nhất của nhân dân ta là con đường khởi nghĩa vũ trang và giành thắng lợi bằng tổng khởi nghĩa. Trên cơ sở xác định quyết tâm phải giành cho được tự do, độc lập, Đảng ta đã tích cực xây dựng lực lượng cách mạng, chủ động sẵn sàng đón thời cơ, nổi dậy khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Để hoàn thành được nhiệm vụ đó, Đảng quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (tức Việt Minh), đưa ra Chương trình Việt Minh, kêu gọi nhân dân giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tích cực chuẩn bị lực lượng, đứng về phe Đồng minh chống phát xít.

Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật đảo chính quân Pháp. Lúc này, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đang họp và nhanh chóng đưa ra những nhận định về thời cơ khởi nghĩa đang đến rất gần: “Những cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi”; và ra Chỉ thị: “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đảng quyết định phát động cao trào kháng Nhật cứu nước.

Đến tháng 7/1945, phát xít Đức, Ý đã thất bại trên chiến trường châu Âu. Ở châu Á, phát xít Nhật đang trên đường thảm bại. Đảng ta khẳng định tình thế cách mạng đã xuất hiện, đây là cơ hội giải phóng dân tộc nghìn năm có một: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Nhận thấy thời cơ cách mạng ngàn năm có một đã tới, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã kịp thời ra chỉ thị: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do, độc lập”. Cả dân tộc ta theo tiếng gọi của Người, nhất tề đứng lên khởi nghĩa, chỉ trong gần một tháng, tất cả các địa phương trong cả nước đã giành được thắng lợi, thành lập chính quyền nhân dân.

Có thể khẳng định, thành công lớn nhất của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 là Đảng ta đã chọn đúng thời cơ “nổ ra đúng lúc”. Đó là khi 16 nghìn quân Anh chưa vào miền Nam và khi 20 vạn quân Tưởng chưa vào miền Bắc để giải giáp quân Nhật; quân Nhật bại trận mất tinh thần, hoang mang, rệu rã ngồi chờ quân Đồng minh đến tước vũ khí; còn chính quyền bù nhìn tay sai Trần Trọng Kim thì bỏ trốn hoặc đầu hàng chính quyền cách mạng. Do chọn đúng thời cơ nên sức mạnh của toàn dân ta được nhân lên gấp bội, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước một cách nhanh chóng, ít đổ máu và thành công triệt để. Đồng thời, thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 là do lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nhanh chóng và kịp thời chuyển hướng chiến lược cách mạng khi vận dụng sáng tạo quy luật vận động phát triển của khởi nghĩa và cách mạng, khôn khéo trong nghệ thuật chỉ đạo chớp thời cơ giành thắng lợi; chứng tỏ tầm nhìn thời đại của Đảng ta dứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

2. Bài học lịch sử về việc tận dụng thời cơ trong thời đại hiện nay của nước ta

Hơn bảy mươi năm đã trôi qua, nhưng bài học về nhận định thời cơ và chớp thời cơ cách mạng của Đảng ta trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Ngày nay, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi đòi hỏi những yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng cũng phải được phân tích, đánh giá và nhận thức đúng đắn, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Đất nước và quy luật phát triển của lịch sử.

Trong tình thế cách mạng mới hiện nay, nước ta đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới thuận lợi chưa từng có, đồng thời cũng đang gặp những khó khăn, thách thức lớn. Các yếu tố thuận lợi cơ bản như: Hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ yếu của thế giới ngày nay; cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, nền kinh tế tri thức, quá trình toàn cầu hóa đang tạo điều kiện cho các quốc gia xích lại gần nhau, tăng cường hội nhập, phát huy lợi thế; xu hướng dân chủ hóa đời sống xã hội, đời sống quốc tế đang tạo hành lang rộng mở cho các chủ thể, các quốc gia khẳng định vai trò, vị trí của mình…

Đất nước ta đang ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực (Bitexco – TP. Hồ Chí Minh. hình Phạm Sinh)

Về những nhân tố thuận lợi: chúng ta đang sống trong một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập. Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú, nguồn lao động chất xám trẻ dồi dào, đầy nhiệt huyết và nhiều tiềm năng sáng tạo. Đất nước ta đang ở thời kỳ “Dân số vàng” với hơn 65 triệu người đang ở độ tuổi lao động. Để nắm bắt được thời cơ, chớp thời cơ trong thời đại phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, thời đại văn minh tri thức, Đảng ta chỉ ra rằng, ngoài quyết tâm chính trị, yếu tố con người, nguồn lực con người có tri thức là yếu tố quyết định. Do đó, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ đức, tài, có khả năng nắm bắt, đón đầu, làm chủ khoa học công nghệ, chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, bởi đó là sức mạnh nội lực to lớn của toàn dân tộc.

Đồng thời nước ta cũng nằm trong khu vực có sự phát triển kinh tế sôi động nhất thế giới hiện nay, nên đã thu hút được nguồn lực đầu tư tài chính, công nghệ và chất xám từ nước ngoài là rất lớn. Tuy nhiên, trên cơ sở phát huy nội lực, kết hợp nội lực với ngoại lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp phát triển Đất nước, chúng ta phải có những tính toán những sách lược và chiến lược đúng đắn, phù hợp. Bởi vì, trong mối quan hệ biện chứng, một Đất nước phát triển sẽ có tiềm lực và vị thế bảo đảm tính chủ động khi tham gia hội nhập quốc tế. Phát huy nội lực còn nhằm tránh bị lệ thuộc quá nhiều vào bên ngoài, ảnh hưởng tới sự chủ động quốc gia trên trường quốc tế.

Về cơ bản, nền kinh tế chúng ta đang xây dựng là nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa với sự phát triển đa dạng của nhiều thành phần kinh tế và lấy hệ thống kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Hệ thống pháp luật, chính sách và cơ chế vận hành của nền kinh tế từng bước được xây dựng tương đối đồng bộ. Với chủ trương tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tham gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thực hiện các cam kết về Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), là một thành viên có vai trò ngày càng quan trọng của Liên hợp quốc... Hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao và mở rộng. Từ một nước không có tên trên bản đồ thế giới, sau hơn 70 năm Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 230 tổ chức quốc tế, quốc gia và vùng lãnh thổ; thiết lập quan hệ ngoại giao với 179/200 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam đã đổi mới căn bản cả về thế và lực.

Những điều kiện thuận lợi trên chính là những thời cơ vô cùng quan trọng để chúng ta có thể phát huy được hết nội lực của mình và tận dụng triệt để ngoại lực từ bên ngoài trên cơ sở hội nhập và phát triển. Bởi trong thời đại bùng nổ thông tin và khoa học kỹ thuật, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài vòng xoáy của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, cùng với những thời cơ, vận hội thuận lợi, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đang đứng trước không ít nguy cơ lớn, đó là: “Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế”, “Chệch hướng Xã hội Chủ nghĩa”, “Tệ quan liêu, tham nhũng”, “Diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ”… Bên cạnh đó, tình hình an ninh thế giới bị đe dọa nghiêm trọng bởi các nhân tố truyền thống và phi truyền thống (bạo loạn, xung đột, khủng bố, chiến tranh, tội phạm tài chính - tiền tệ, tội phạm công nghệ cao, thảm họa môi trường…). Do đó, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi chúng ta cần tích cực nghiên cứu, vận dụng tốt hơn nữa những bài học kinh nghiệm quý báu trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, đặc biệt là bài học “Chủ động, sáng tạo, nắm vững thời cơ, đẩy lùi nguy cơ”.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, để không bị tụt hậu so với thế giới và phát triển chệch hướng mục tiêu tiến lên Xã hội Chủ nghĩa, chúng ta phải tỉnh táo và quyết đoán trong mọi sách lược và chiến lược nhằm phát triển hiệu quả và phát triển bền vững trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, chúng ta phải biết phát huy tối đa những lợi thế, gắn với tranh thủ những thời cơ, vận hội để phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế… Đó chính là cơ sở để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa trên cơ sở đẩy mạnh sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa Đất nước. Tiếp tục công cuộc đổi mới toàn diện, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khai thác tiềm năng, lợi thế, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” mà Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã vạch ra./.

Phạm Sinh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/van-de-tan-dung-thoi-co-trong-cach-mang-thang-tam-nam-1945-va-bai-hoc-thuc-tien-cho-tinh-hinh-dat-nuoc-hien-nay-63504