Vấn đề sức khỏe có thể xảy ra khi thời tiết dưới 10 độ C

Hạ thân nhiệt là tình trạng nhiệt độ của cơ thể giảm xuống dưới 35 độ C khi tiếp xúc thời tiết lạnh giá trong thời gian dài.

Nhiệt độ trung bình của cơ thể là khoảng 37 độ C. Nó có thể dao động trong khoảng 36,1-37,2 độ C. Thân nhiệt ở mức dưới 35 độ C được coi là thấp bất thường. Tình trạng này gọi là hạ thân nhiệt.

Khi thân nhiệt giảm xuống, tim, hệ thần kinh và các cơ quan khác không thể hoạt động bình thường. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến suy tim, tổn thương não, thậm chí khiến bệnh nhân tử vong. Khi nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới 32 độ C, tình trạng hạ thân nhiệt trở nên nghiêm trọng và đe dọa tính mạng.

Nguyên nhân

Theo Medicinenet, hạ thân nhiệt xảy ra khi lượng nhiệt mất đi từ cơ thể cao hơn nhiệt sinh ra. Điều này có thể xảy ra khi bạn tiếp xúc môi trường có nhiệt độ dưới 10 độ C trong thời gian dài hoặc sau khi ngâm mình lâu với nước lạnh dưới 20 độ C.

Ngoài ra, gió cũng loại bỏ nhiệt cơ thể bằng cách mang đi lớp không khí ấm mỏng trên bề mặt da, gây ra hiện tượng này.

 Thời tiết dưới 10 độ C có thể khiến cơ thể bị hạ thân nhiệt. Ảnh: Medicalnewstoday.

Thời tiết dưới 10 độ C có thể khiến cơ thể bị hạ thân nhiệt. Ảnh: Medicalnewstoday.

Theo Mayo Clinic, rùng mình có thể là dấu hiệu đầu tiên và phổ biến bạn cảm nhận được khi nhiệt độ cơ thể bắt đầu giảm xuống. Đây là cơ chế tự động bảo vệ chống lại nhiệt độ lạnh và làm ấm cơ thể.

Các triệu chứng phổ biến khác của hạ thân nhiệt bao gồm nói ngọng; lòng bàn tay, chân lạnh; thở chậm; mạch yếu; động tác vụng về; buồn ngủ; bối rối; mất ý thức; da đỏ tươi, lạnh ở trẻ sơ sinh.

Người bị hạ thân nhiệt thường không biết tình trạng của mình vì các triệu chứng bắt đầu từ từ.

Những người có nguy cơ cao bị hạ thân nhiệt

Các yếu tố nguy cơ gây hạ thân nhiệt bao gồm mệt mỏi, người già, trẻ sơ sinh, người có vấn đề về thần kinh, sử dụng rượu và thuốc kích thích.

Kiệt sức, mệt mỏi: Khả năng chịu lạnh của bạn kém khi hệ miễn dịch yếu, cơ thể mệt mỏi, suy nhược.

Người già: Khả năng điều chỉnh nhiệt độ và cảm giác lạnh của cơ thể giảm dần theo tuổi tác. Một số người lớn tuổi không thể giao tiếp khi họ bị lạnh hoặc di chuyển từ chỗ lạnh đến nơi ấm áp.

Trẻ nhỏ: Trẻ em mất nhiệt nhanh hơn người lớn. Chúng cũng có thể không để ý các triệu chứng cảm lạnh vì quan tâm nhiều điều khác hơn. Trẻ cũng không có khả năng phán đoán để mặc đồ phù hợp trong thời tiết lạnh.

Người lớn tuổi, trẻ nhỏ là những trường hợp có nguy cơ cao bị hạ thân nhiệt. Ảnh: Inquirer.

Người có vấn đề về thần kinh: Những người mắc bệnh tâm thần, sa sút trí tuệ..., khó biết cách ăn mặc phù hợp hơn hoặc hiểu rõ rủi ro của nhiệt độ thấp.

Sử dụng rượu và chất kích thích: Rượu có thể làm cho cơ thể cảm thấy ấm bên trong, nhưng nó khiến các mạch máu giãn nở, dẫn đến mất nhiệt nhanh hơn từ bề mặt da. Phản ứng run rẩy tự nhiên của cơ thể giảm ở những người đã uống rượu.

Ngoài ra, việc sử dụng rượu hoặc chất kích thích có thể ảnh hưởng khả năng phán đoán về việc phải vào nhà hoặc mặc quần áo ấm trong điều kiện thời tiết lạnh. Nếu một người say và ngất đi trong thời tiết lạnh, họ có khả năng cao bị hạ thân nhiệt.

Một số vấn đề sức khỏe: Suy giáp, tiểu đường, đột quỵ, viêm khớp nặng, Parkinson, chấn thương tủy sống có thể ảnh hưởng khả năng điều hòa nhiệt độ của cơ thể.

Thuốc: Một số loại thuốc làm thay đổi khả năng điều chỉnh thân nhiệt như chống trầm cảm, chống loạn thần, giảm đau có chất gây mê và thuốc an thần.

Làm gì nếu bị hạ thân nhiệt?

Nếu phát hiện người bị hạ thân nhiệt, bạn cần nhớ 8 nguyên tắc sơ cứu cơ bản cho đến khi cấp cứu tới.

- Không xoa bóp hoặc chà xát cơ thể của người đó.

- Chuyển người bị ảnh hưởng từ môi trường lạnh sang nơi ấm áp.

- Cởi bỏ quần áo ướt và đắp chăn (hở mặt) lên người.

- Đặt nạn nhân trên bề mặt ấm (chăn hoặc giường).

- Cho người bị nạn uống chất lỏng ấm, ngọt, tránh cà phê, rượu.

- Chườm khô và ấm. Lưu ý chỉ chườm ở cổ, thành ngực hoặc bẹn, không chườm lên tay hoặc chân.

- Không chườm nóng trực tiếp như sử dụng nước nóng đặt lên người.

- Thực hiện cấp cứu hồi sinh tim phổi (CPR) khi không phát hiện nhịp thở và mạch đập.

Để ngăn ngừa hạ thân nhiệt, trước khi ra ngoài, bạn nên mặc đồ ấm bảo vệ, đặc biệt là vùng đầu, mặt và cổ, sử dụng găng tay, tất chân đầy đủ.

Ở bên ngoài môi trường lạnh, bạn nên tránh các hoạt động gây đổ mồ hôi nhiều vì chúng có thể làm mất nhiệt nhanh hơn. Khi không may bị ướt, bạn cần lau khô người càng nhanh càng tốt.

5 loại thực phẩm giúp chống viêm bạn nên ăn thường xuyên Viêm là phản ứng của hệ miễn dịch với các chất kích thích bên ngoài, có thể dẫn đến bệnh mạn tính.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/van-de-suc-khoe-co-the-xay-ra-khi-thoi-tiet-duoi-10-do-c-post1172458.html