Vấn đề sáp nhập các sở, ngành: Tính toán kỹ

Vấn đề sáp nhập các sở, ngành đã có câu trả lời chính thức khi Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định đang thi hành.

Trong đó, điều được nhiều người chú ý là tên các sở trực thuộc UBND tỉnh vẫn xuất hiện đầy đủ và không có quy định nào về việc sáp nhập. Trở lại cách đây hơn 2 năm, khi Bộ Nội vụ đưa dự thảo Nghị định này ra lấy ý kiến, với những đề xuất cụ thể về sáp nhập một số sở, dư luận xôn xao. Sự đồng thuận cũng có, nhưng những băn khoăn cũng không ít.

Từ thực tế việc sáp nhập một số sở, ngành, phòng, ban có chức năng tương tự nhau nhằm tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối có những hiệu quả nhất định. Không chỉ giảm về đầu mối, giảm biên chế, việc kiểm tra, giám sát, thúc đẩy công việc cũng hiệu quả hơn. Do đó, để thực hiện các chủ trương này nhiều địa phương đã chủ động trong xây dựng đề án, mạnh dạn đề xuất các mô hình sắp xếp thực tế. Tuy nhiên, cũng chỉ bởi chưa có những quy định thực sự cụ thể về việc sắp xếp ra sao, thế nào là phù hợp và tạo sự thống nhất cơ bản, nên “mạnh ai nấy làm”, mỗi nơi, mỗi kiểu, dẫn tới tình trạng không đồng nhất, thậm chí là chưa phù hợp. Có nơi thì sáp nhập Sở GTVT và Sở Xây dựng, có nơi lại hợp nhất Sở VHTT&DL với Sở TTTT hay ghép Sở GD&ĐT cùng Sở KHCN… Trước thực trạng trên, cuối năm 2018, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi các tỉnh, đề nghị tạm dừng việc sắp xếp sở ngành, phòng ban để chờ các Nghị định của Chính phủ. Câu chuyện sáp nhập lại được đề cập đến sau đó một năm, khi cũng Bộ trưởng Bộ Nội vụ có văn bản gửi các tỉnh thành đề nghị các địa phương đăng ký thực hiện thí điểm hợp nhất 8 sở ngành thành 4.

Đến nay, sau một thời gian bàn luận, tiến hành, dừng, rồi lại đồng ý thí điểm, việc sáp nhập, hợp nhất các sở, ngành có lẽ đã dừng lại với câu trả lời rõ ràng. Bởi Nghị định mới vẫn có đủ tên 17 sở thống nhất ở các địa phương, chỉ điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ một số sở. Đồng thời cũng quy định rõ về 4 sở đặc thù ở những nơi được thành lập.
Có thể nói rằng, việc sắp xếp bộ máy hành chính không bao giờ là đơn giản, với các sở, ngành cũng vậy. Tuy nhiên, như thời điểm Bộ Nội vụ đưa ra dự thảo với đề xuất sáp nhập một số sở, nhiều ý kiến đã phân tích, bất cứ đề xuất nào cũng nên tính kỹ đến vấn đề thực tế. Đặc biệt với vai trò của Bộ tham mưu, tính định hướng rõ ràng là rất cần thiết. Việc sáp nhập, hợp nhất các sở, ngành hiện sẽ không được tính đến nữa, nhưng câu hỏi được đặt ra là vậy với những địa phương đã thực hiện, sẽ thế nào. Như Bộ Nội vụ đã lý giải, trong thời gian tới, Ban Tổ chức T.Ư sẽ tổ chức tổng kết việc thí điểm sáp nhập, hợp nhất 8 sở ngành tại một số địa phương. Qua tổng kết sẽ đánh giá, phân tích những mặt được, mặt còn hạn chế của việc thí điểm rồi mới đưa ra quyết định có tiếp tục thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất sở ngành nữa hay không. Trước thời điểm đó, đối với các địa phương đã thực hiện, các sở ngành này vẫn hoạt động bình thường, chưa tách ra ngay.
Nhập rồi lại tách, tách rồi lại nhập, có lẽ là vấn đề bình thường để tìm ra một mô hình hoạt động phù hợp nhất. Nhưng việc không ổn định cũng gây tâm tư và ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động. Không chỉ ở vấn đề này, với không ít những nội dung, lĩnh vực khác, việc dự thảo các văn bản hoặc đưa ra những đề xuất mới, rất cần được tính toán kỹ, chỉn chu, để tránh đi việc chưa triển khai vào cuộc sống đã phải điều chỉnh hoặc luôn ở tình trạng thí điểm. Đó là vấn đề được nhiều ý kiến trong dư luận mong muốn.

Hà Bình

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/van-de-sap-nhap-cac-so-nganh-tinh-toan-ky-396472.html