Vấn đề quan trọng là cần giải quyết dứt điểm tồn tại của các trạm BOT

Theo ông Bùi Danh Liên (ảnh), nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội, trước hết cần giải quyết dứt điểm các tồn tại của các trạm BOT hiện nay rồi mới tính đến vấn đề thu đúng, thu đủ, bởi nếu thực hiện tăng phí BOT sẽ gây ảnh hưởng cho người dân và cả doanh nghiệp vận tải.

Việc tăng phí hàng loạt trạm BOT dù là đến kỳ hạn theo hợp đồng ký, nhưng Bộ Giao thông vận tải cũng nên cân nhắc tăng sao cho đúng, cho đủ, tránh sự phản ứng của người dân, gây tác động xấu đến nhà đầu tư cũng như xã hội.

Việc tăng phí hàng loạt trạm BOT dù là đến kỳ hạn theo hợp đồng ký, nhưng Bộ Giao thông vận tải cũng nên cân nhắc tăng sao cho đúng, cho đủ, tránh sự phản ứng của người dân, gây tác động xấu đến nhà đầu tư cũng như xã hội.

Liên quan đến hiện tượng sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu tại các dự án BOT giao thông, Bộ Giao thông vận tải cho rằng một trong các nguyên nhân chính dẫn đến việc sụt giảm doanh thu của các dự án BOT chính là do lưu lượng thấp hơn so với dự báo và việc thực hiện giảm mức thu phí và chưa tăng phí theo đúng lộ trình. Ông có đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Theo tôi, các dự án BOT thời gian qua còn quá nhiều bất cập mà theo nhận định đều xuất phát từ công tác quản lý chưa tốt. Và một trong những bất cập điển hình, gây bức xúc kéo dài tới tận thời điểm này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm đó là tình trạng các dự án BOT giao thông chưa minh bạch từ xây dựng, đặt trạm, mức phí, thời gian thu phí, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Đến thời điểm này, một số trạm BOT vẫn đang là những điểm “nóng” phức tạp, thậm chí nhà đầu tư phải xả trạm vì lái xe tập trung phản đối, gây ách tắc giao thông. Điển hình như trạm thu phí BOT Hòa Lạc- Hòa Bình, dù mới đưa vào thu phí hoàn vốn từ đầu tháng 5/2019 đến nay nhưng liên tiếp phải xả trạm.

Theo thông lệ quốc tế, một trong những yếu tố đảm bảo thành công của dự án BOT là sự công khai, minh bạch về dự án được coi trọng và thực hiện đầy đủ. Từ đó, tạo ra cơ chế giám sát hiệu quả, hạn chế tiêu cực, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và người dân, đặc biệt là tạo sự đồng thuận cao cho việc vận hành dự án về sau.

Lý do được đưa ra trong bản dự thảo của Bộ Giao thông vận tải cũng cần được làm rõ, bởi lưu lượng xe sụt giảm do lượng xe thực tế thấp hơn phương án tính toán (đếm xe). Theo tôi được biết khi lập phương án tài chính của dự án cần có người/đơn vị chịu trách nhiệm bởi công tác dự báo về số lượng xe lưu thông, sự tăng trưởng của nền kinh tế hay do sự cạnh tranh của quá nhiều dự án BOT được xây dựng trên cùng một tuyến đường… cũng có thể làm cho nguồn thu của dự án BOT không đáp ứng được phương án tài chính đã duyệt dẫn đến dự án không khả thi. Chính vì vậy, cần làm rõ trách nhiệm của cả hai bên.

Hệ quả từ chính sách quản lý BOT bất hợp lý đã nhìn thấy là rất nặng nề. Trước hết là sự bất ổn xã hội do những sai phạm từ việc đặt trạm BOT sai chỗ, thu tiền sai nhưng không được xử lý triệt để mà tìm cách đá bóng, đẩy trách nhiệm, khiến người dân bức xúc.

Từ chỗ quyền lợi của người dân không được quan tâm chính đáng sẽ khiến người dân tìm cách lách luật, làm sai như chất tải, quá tải nhằm giảm chi phí vận tải, duy trì hoạt động cho doanh nghiệp. Đây là nguyên nhân dẫn tới đường sá bị phá hỏng, tai nạn tăng cao, gây thiệt hại cho cả người dân và xã hội.

Theo ông, việc tăng phí các dự BOT sẽ kéo theo những hệ lụy gì?

Chắc chắn khi tăng phí BOT sẽ dẫn đến việc làm gia tăng chi phí vận chuyển, từ đó kéo theo lạm phát vì chi phí sản xuất trong toàn xã hội sẽ tăng làm cho sản xuất hàng hóa trong nước sẽ tăng không thể cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài…

Người dân và các doanh nghiệp vận tải đang cảm thấy kiệt quệ vì chi phí đầu vào quá cao, trong đó có nguyên nhân do phí BOT tăng lên. Việc này gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Xã hội hóa, phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công - tư là hướng đi được đánh giá là đúng và cần thiết, trong bối cảnh ngân sách nhà nước không thể đáp ứng. Tuy vậy, cũng phải nhìn lại, một số dự án BOT chưa phù hợp, dẫn đến việc đặt trạm thu phí hoàn vốn gây phản ứng trong dư luận. Do đó, việc tăng phí hàng loạt trạm BOT dù là đến kỳ hạn theo hợp đồng ký, nhưng Bộ Giao thông vận tải cũng nên cân nhắc tăng sao cho đúng, cho đủ, tránh sự phản ứng của người dân, gây tác động xấu đến nhà đầu tư cũng như xã hội.

Nếu phải tăng phí cho các dự án BOT thì nên thực hiện tăng theo lộ trình như thế nào, thưa ông?

Việc tăng theo lộ trình đối với các trạm BOT là đúng theo quy định. Tuy nhiên, cần thu đúng và đủ. Đối với các trạm BOT còn bất cập về vị trí thì chưa cho tăng. Hơn nữa, việc tăng cùng một lúc hàng chục dự án BOT sẽ rất dễ nảy sinh phản ứng xấu, gây ra những hệ lụy cho xã hội.

Tôi cho rằng, không nên tăng phí với những dự án BOT có trạm thu đặt chưa phù hợp, gây bức xúc cho người dân; các dự án BOT cải tạo, nâng cấp đường đã có hoặc trên tuyến đường độc đạo. Với những dự án này, Bộ Giao thông vận tải nên làm việc với nhà đầu tư để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại tại các trạm thu phí bị lái xe phản ứng. Quyết toán dứt điểm các dự án, triển khai thu phí tự động, giám sát thu phí hiệu quả rồi mới đặt vấn đề về tăng mức phí. Như thế mới được dư luận đồng thuận.

Khi các vấn đề trên chưa được giải quyết thì chỉ nên đặt vấn đề tăng phí với các dự án BOT tuyến đường hoàn toàn mới, không phải độc đạo (theo Nghị quyết 437/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Đồng thời, cần làm rõ nguyên nhân thu phí không đạt phương án tài chính là do lượng xe ít hay do chi phí thường xuyên của trạm quá lớn, cách thức tổ chức không hợp lý… Đặc biệt, khi kinh tế phát triển, lượng xe gia tăng, đáng ra phí phải giảm mới hợp lý.

Để tăng phí cho hàng chục trạm BOT đến hạn như hiện nay là không thể, mà cần làm rõ trách nhiệm cụ thể thuộc về bên nào, trong đó, doanh nghiệp BOT cũng phải chịu một phần rủi ro về lưu lượng xe. Đặc biệt, khi các điểm nóng BOT chưa hạ nhiệt, nên xem xét từng dự án cụ thể trên cơ sở minh bạch nguồn thu. Trong khi đó, hiện nay chủ đầu tư của các dự án BOT đang phải đối diện với các mức lãi suất khủng từ ngân hàng, nếu việc tăng phí không được thực hiện, có thể sẽ khiến các doanh nghiệp phá sản.

Bên cạnh đó, cũng cần xem xét đặt vấn đề này trong bối cảnh việc phát triển hạ tầng giao thông tại Việt Nam đang có sự thiếu hụt rất lớn về vốn và đang rất cần có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, vì vậy, nếu không xử lý khéo bài toán BOT giao thông thì trong tương lai nhất là trong việc kêu gọi đầu tư vào dự án cao tốc Bắc – Nam trong thời gian tới sẽ gặp khá nhiều băn khoăn từ các doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông:

Cần làm rõ nguyên nhân của việc vì sao doanh thu của một số trạm thu phí lại giảm so với dự đoán, từ đó có những giải pháp thích hợp hơn bởi không thể chỉ nghĩ đến lợi ích của doanh nghiệp mà bỏ quên lợi ích của người dân. Cũng cần tính đến thực tế, sau một thời gian đưa vào sử dụng, các dự án BOT cũng đã có sự xuống cấp nhất định, nếu như vậy thì càng không nên tăng mức thu phí. Chính vì vậy, điều cần làm trước mắt là phải có một cuộc thanh tra toàn diện các vấn đề của BOT. Cần phải thanh tra xem chi phí của các dự án BOT là thế nào, lợi nhuận thu về là bao nhiêu, thời gian thu phí như vậy có hợp lý hay không...

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế:

Cần tập trung xử lý hết các bất cập của BOT hiện nay sau đó mới nên bàn đến chuyện có nên tăng hay không và phải có một lộ trình dần dần để tránh gây sốc cho người dân. Lộ trình tăng phí được xác định trước đây theo quy định 3 năm/lần cũng phải tính toán lại dựa trên thay đổi về mặt doanh thu thực tế của dự án thay đổi. Với những dự án được cho là có nguy cơ vỡ phương án tài chính, cần tính toán lại phương án tài chính ban đầu sau khi sửa đổi những bất cập (như vị trí đặt trạm sai...), thiết lập lại cho đúng thay vì tính toán phương án tài chính trên nền tảng những bất cập, sai lệch.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương:

Việc tăng phí BOT sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam. Loại phí này cũng làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm của nước ta. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cộng đồng kinh tế ASEAN có hiệu lực thì phí BOT là vấn đề trở ngại, gây khó cho doanh nghiệp Việt.

Ông Đỗ Trọng Hải, Giám đốc Công ty Luật Bizlink:

Một số dự án BOT trong thời gian qua đã vấp phải nhiều sự phản đối từ chính người dân và doanh nghiệp, bản thân Nhà nước cũng gặp rất nhiều khó khăn. Theo quan điểm của tôi, khó khăn này xuất phát từ thực tế ở Việt Nam các khung khổ pháp lý về đất đai là chưa chặt chẽ. Và quan trọng nhất là việc chưa minh bạch thông tin, xác định các khoản phí mà nhà đầu tư có thể thu từ người dân. Nhiều trường hợp đã chưa xác định đúng các vị trí để đặt các dự án BOT, quá trình thực thi sau đó cũng xác định rất nhiều lỗ hổng, không minh bạch dẫn đến nhiều dự án BOT gây bức xúc trong dư luận.

Bộ Giao thông vận tải là đại diện cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền - là chủ thể của hợp đồng BOT (1 bên ký hợp đồng) thì cần phải bảo vệ phương án tài chính được duyệt và đàm phán, ký kết với nhà đầu tư.

X.T (ghi)

Tuấn Phong (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/van-de-quan-trong-la-can-giai-quyet-dut-diem-ton-tai-cua-cac-tram-bot-107578.html