Vấn đề nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp

Sự ra đời và phát triển của các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh những năm qua đã góp phần tạo việc làm, thu nhập và từng bước ổn định, cải thiện đời sống cho hàng vạn công nhân lao động (CNLĐ).

Tiết mục văn nghệ do công nhân, người lao động dàn dựng và biểu diễn tại Hội thi tìm hiểu chính sách, pháp luật trong công nhân lao động năm 2018.

Tuy nhiên, số lượng CNLĐ tương đối lớn đang làm việc trong các KCN cũng đặt ra nhiều yêu cầu đối với các ngành, địa phương, đơn vị trong việc bảo đảm các chế độ, chính sách liên quan như thu nhập, an sinh xã hội, thời gian làm việc và nhất là đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao, giải trí... Xuất phát từ yêu cầu đó, Đề án “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” (được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1780/QĐ-TTg, ngày 12-10-2011) ra đời và được triển khai nhiều năm trở lại đây đã phần nào đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của CNLĐ.

Bởi lẽ, không chỉ chú trọng phát triển các phong trào văn hóa, thể thao nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của công nhân; đề án còn hướng đến tạo dựng nên môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, với quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Đồng thời, xây dựng đội ngũ công nhân có nếp sống văn hóa và tác phong làm việc công nghiệp, năng suất, chất lượng và hiệu quả. Đặc biệt, đề án xem việc xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, tạo điều kiện để công nhân ở các KCN tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN hiện nay. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó kinh phí thực hiện đề án còn hạn hẹp nên kết quả thu được vẫn chưa được như mục tiêu và kỳ vọng.

Khảo sát thực tế tại các KCN trên địa bàn, có một thực trạng đáng buồn là hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho CNLĐ còn hết sức hạn chế, nếu không nói là “vắng bóng”. Thậm chí, cả 6 KCN trên địa bàn tỉnh hiện đều chưa có quy hoạch đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao như sân bóng đá, bóng chuyền, nhà tập thể thao đa năng, nhà sinh hoạt văn hóa - văn nghệ hay khu vui chơi, giải trí sau giờ làm việc cho CNLĐ. Trong khi đó, việc huy động các nguồn lực tham gia xây dựng đời sống văn hóa công nhân trên cơ sở thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn. Hiện, một số doanh nghiệp và công đoàn cơ sở đang phải bố trí phòng đọc sách báo cho CNLĐ tạm thời tại văn phòng làm việc của công đoàn. Cũng có một số doanh nghiệp đã xây được sân chơi, phòng tập thể thao nhưng quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ người sử dụng lao động và bộ phận quản lý hành chính của doanh nghiệp. Đó là chưa kể hoạt động của các thiết chế này mang tính dịch vụ, nên với mức thu nhập thấp, CNLĐ khó có điều kiện tham gia tập luyện, sinh hoạt. Ngoài ra, một số hoạt động của công đoàn tại các doanh nghiệp như tổ chức hội họp và các hoạt động văn hóa, văn nghệ hầu hết phải lấy địa điểm là nhà kho và nhà ăn để tổ chức.

Trao đổi với chúng tôi về việc nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân trong các KCN, ông Đinh Đăng Luyện, Trưởng Ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết: Nhằm nắm bắt tình hình và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công nhân trong các KCN, năm 2017, Công đoàn Thanh Hóa đã tổ chức phát phiếu khảo sát, xin ý kiến đối với 48.558 người là CNLĐ. Kết quả cho thấy, 17.415 người (chiếm 35,86%) tham gia khảo sát có nhu cầu về địa điểm vui chơi, sinh hoạt văn hóa, thể thao sau giờ làm việc. Có thể nói, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công nhân trong các KCN là tương đối lớn. Tuy nhiên, sẽ là rất khó nếu chỉ trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Phương châm hiện nay là phải thực hiện xã hội hóa trong xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao. Từ đó, thay đổi cơ chế “bao cấp” cho cả người tập luyện lẫn người xem thì tính thiết thực và sức lan tỏa của các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao trong CNLĐ mới được nâng cao. Ngoài ra, do sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, phim ảnh, internet... cũng đang khiến nhu cầu hưởng thụ văn hóa trong đội ngũ CNLĐ có phần bão hòa. Do đó, đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao phải tính toán đến nhu cầu lẫn tính hiệu quả, nhằm tránh lãng phí.

Mặc dù vậy, yêu cầu nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân nói chung, trong đó có việc đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu của CNLĐ tại các KCN (bao gồm nhà ở, siêu thị công đoàn, nhà trẻ, nhà văn hóa, trung tâm trợ giúp pháp lý...) là không thể phủ nhận. Thực hiện Công văn số 1075/TLĐ, ngày 15-7-2016 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về báo cáo số liệu phục vụ đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, khu chế xuất, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tiến hành khảo sát, đánh giá và đề xuất phương án xin đầu tư khu thiết chế văn hóa, thể thao cho CNLĐ tại Khu Kinh tế Nghi Sơn. Theo đó, dự án có quy mô 35.000 m2, được xây dựng tại khu vực đất của Công ty CP Licogi (xã Trúc Lâm, huyện Tĩnh Gia). Giai đoạn I của dự án gồm các hạng mục: 1 nhà đa năng (luyện tập và thi đấu thể thao, biểu diễn văn nghệ, phòng trưng bày triển lãm) có sức chứa khoảng 2.000 người; 1 trụ sở làm việc cho công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (phòng họp, phòng tư vấn sức khỏe, phòng tư vấn pháp luật, phòng đọc sách báo cho CNLĐ); khu thể thao ngoài trời (1 sân bóng đá mini, 1 sân tennis, 2 sân bóng chuyền)... Tổng kinh phí dự kiến là 250 tỷ đồng. Giai đoạn II của dự án bao gồm việc hoàn thiện một số công trình giai đoạn I và bổ sung mới 1 bể bơi, 1 siêu thị bán hàng và 1 khu nhà ở cho CNLĐ khoảng 1.000 căn hộ. Tổng kinh phí dự kiến là 100 tỷ đồng. Hy vọng, dự án này sẽ sớm được hiện thực hóa và trở thành điểm sinh sống, sinh hoạt văn hóa thiết thực, hiệu quả cho CNLĐ tại Khu Kinh tế Nghi Sơn.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/kj0vwy/new-article.aspx