Vấn đề khai thác khoáng sản và ô nhiễm môi trường 'nóng' tại Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Bình Định khóa XII

Ngày 7/12, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Bình Định khóa XII, nhiệm kỳ 2016-2021, những vấn đề về khai thác khoáng sản, tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu, cụm công nghiệp, rác thải nông thôn, thực hiện chính sách bồi thường hỗ trợ và tái định cư đều được các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm chất vấn.

Quang cảnh kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Bình Định khóa XII, nhiệm kỳ 2016-2021

Những vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài nguyên - môi trường, giải phóng mặt bằng được các đại biểu HĐND tỉnh Bình Định chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, tập trung nhiều nhất về tình hình khai thác cát của nhiều doanh nghiệp sai quy định, vượt quá định mức cho phép, chưa thực hiện công tác hoàn thổ sau khi khai thác, khai thác vào ban đêm để tránh sự kiểm tra, quản lý của các cơ quan chức năng, không cắm bảng thông tin mỏ khoáng sản, không lắp đặt camera tại các mỏ khai thác.

Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn nhiều nội dung liên quan đến khai thác khoáng sản, ô nhiễm môi trường, đặc biệt Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam (CCN Cát Trinh) xả nước thải nhuộm gây ô nhiễm môi trường

05 doanh nghiệp khai thác đá Granite ở núi Chùa, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ gồm Công ty TNHH Đá Granite Đông Á, Công ty TNHH Hoàn Cầu - Granite, Công ty TNHH MTV KS Tuấn Đạt, Công ty TNHH TM-XD Bảo Thắng, Công ty VRG Đá Bình Định trong quá trình khai thác nổ mìm gây ồn ào, ô nhiễm môi trường khu dân cư. Việc thực hiện đấu giá các mỏ khoáng sản đất, cát phục vụ thi công các công trình xây dựng chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án tại địa phương.

Ông Đặng Trung Thành - Giám đốc Sở TN&MT giải trình về khai thác đá ở xã Mỹ Hòa và đất ở đồi Hỏa Sơn

Công ty TNHH Thiên Hưng Mỹ Thọ chưa được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng đã tiến hành khai thác hàng triệu m3 đất, đá tại khu vực đồi Hỏa Sơn, thị xã An Nhơn gây bức xúc trong nhân dân, đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp cũng như trách nhiệm quản lý khoáng sản của địa phương.

Tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu, cụm công nghiệp vẫn còn tiếp diễn gây bức xúc trong nhân dân; tình trạng người dân xả rác bừa bãi, nhất là việc sử dụng tràn lan và xả thải các loại túi nilon trong các hoạt động sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan và cảnh quan; tình trạng rác thải nông thôn hiện nay đang là vấn đề nóng và bức xúc. Đặc biệt, là vụ việc Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam (CCN Cát Trinh) xả nước thải nhuộm gây ô nhiễm môi trường. Đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép không cho sản xuất đối với những doanh nghiệp không đầu tư thiết bị công nghệ bảo đảm xử lý môi trường.

Ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giải trình về tình trạng khai thác khoáng sản, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh

Hiện nay, nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân bị thu hồi để đầu tư các công trình, dự án nhất là dự án quy hoạch khu dân cư, nhưng người dân nhận tiền đền bù rất thấp, không có đất sản xuất nông nghiệp, trong khi các nhà đầu tư san lấp mặt bằng, phân nền bán với giá rất cao. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, rà soát việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh, vì một số chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn bất hợp lý. Đồng thời, quan tâm thực hiện tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Vĩnh Hội.

Khu vực khai thác đá Granite tại núi Chùa, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ

Trả lời câu hỏi chất vấn về tình trạng khai thác đá ở xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ và khai thác đất, đá đồi Hỏa Sơn - thị xã An Nhơn của ông Nguyễn Thanh Tùng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định, ông Đặng Trung Thành - Giám đốc Sở TN&MT giải trình: Đối với việc khai thác đá ở xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở TN&MT chủ trì kiểm tra báo cáo kết quả trong tháng 12. Khai thác đất, đá ở đồi Hỏa Sơn, mặc dù UBND tỉnh giao Công ty TNHH Thiên Hưng Mỹ Thọ chủ đầu tư xây dựng CCN đồi Hỏa Sơn, tuy nhiên thủ tục chưa hoàn chỉnh. Mặt bằng đồi Hỏa Sơn không bằng phẳng, Công ty khai thác đất để san lấp và xin di chuyển đất ra ngoài. UBND tỉnh đồng ý chủ trương, giao Sở TN&MT hướng dẫn làm thủ tục nhưng doanh nghiệp chưa hoàn chỉnh giấy phép chuyển đất ra ngoài. Sở đã tiến hành kiểm tra và báo cáo UBND tỉnh. Sở đề xuất yêu cầu doanh nghiệp dừng lại việc khai thác đất, đá để xử lý vấn đề sai phạm, sau đó mới xem xét cho phép tiếp tục.

Hàng triệu m3 đất đồi Hỏa Sơn, thị xã An Nhơn bị khai thác trái phép

Những nội dung khác liên quan đến việc khai thác cát trên địa bàn tỉnh, ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giải trình thêm: Những năm gần đây, UBND tỉnh thông qua việc đấu giá sử dụng khai thác mỏ cát, vị trí mỏ cát nằm trên các bãi bồi dòng sông, không được khai thác cát ở bề lõm, sâu của dòng sông để bảo đảm bờ sông không bị sạt lở. Các mỏ cát đều phải cắm mốc phạm vi, độ sâu khai thác cát, yêu cầu mỏ cát phải gắn camera. Đến nay, có khoảng 20% trên tổng số 57 mỏ cát cấp phép đã gắn camera. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở TN&MT kiểm tra tất cả các mỏ cát, nếu mỏ nào không gắn camera thì nhất quyết UBND tỉnh sẽ thu hồi, Phòng TN&MT huyện và chủ tịch UBND các xã theo dõi, kiểm tra, giám sát. Các mỏ cát phải cách xa công trình thủy lợi trên 02 km mới được khai thác. Tình trạng khai thác cát vào ban đêm, UBND tỉnh đã chấn chỉnh và có văn bản chỉ đạo giao cho Công an giao thông, Thanh tra giao thông kiểm tra, xử lý.

Mỹ Bình

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/tai-nguyen/binh-dinh-van-de-khai-thac-khoang-san-va-o-nhiem-moi-truong-nong-tai-ky-hop-thu-8-hdnd-tinh-binh-dinh-khoa-xii-1262855.html