Vấn đề hệ trọng

Giới thiệu nhân sự khóa 13 là vấn đề hệ trọng, khâu then chốt bởi nhân tố con người luôn luôn giữ vai trò quyết định thành bại trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, xã hội và kinh tế. Công tác chuẩn bị nhân sự lần này diễn ra một cách bài bản, kỹ càng, có thời gian dành cho sự lựa chọn, cân nhắc, sàng lọc để có những con người ưu tú nhất, xứng đáng với cương vị được giao và đảm trách tốt cương vị đó.

Phó trưởng Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Thanh Bình nhận định việc giới thiệu nhân sự khóa 13 đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra

Phó trưởng Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Thanh Bình nhận định việc giới thiệu nhân sự khóa 13 đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra

Đáng chú ý nhất là việc nhìn nhận, đánh giá và nghiêm túc rút ra bài học từ công tác cán bộ trong một quá trình dài trước đây để khắc phục những yếu kém tồn tại trong lĩnh vực này.

Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó ban Tổ chức Trung ương nhận định: “Việc giới thiệu nhân sự khóa 13 đến nay cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra, bước đầu góp phần khắc phục hiện tượng chạy quy hoạch hoặc vận động, xin phiếu giới thiệu thông qua quen biết”.

Rõ ràng đã từng diễn ra và tồn tại tình trạng “chạy quy hoạch” theo các kiểu khác nhau dựa trên các yếu tố đã được dư luận khái quát: “Quan hệ, tiền tệ, hậu duệ,..” và xếp cuối mới là “trí tuệ”. Cái đáng mừng là những người lãnh đạo đã sáng suốt nhìn ra tình trạng này và quyết liệt khắc phục nó. Một lộ trình đã được đặt ra từ rất sớm, có những bước đi cụ thể, quy định chặt chẽ, tiêu chuẩn rõ ràng,... để chuẩn bị cho nhân sự cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021 - 2026 từ Trung ương đến địa phương.

Việc chuẩn bị kỹ càng đó là cơ sở để có niềm tin chắc chắn rằng, lớp cán bộ chủ chốt của nhiệm kỳ tới sẽ khác trước, hơn trước cả về năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức và lối sống và sẽ không đi vào “vết xe đổ” của nhiệm kỳ trước là không ít trường hợp “ngã ngựa giữa đường”, thậm chí phải vào “lò thiêu” tham nhũng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định và đây phải coi là phương châm hành động trong công việc lựa chọn cán bộ: “Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng tiêu cực, cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch...”.

Và, để thực hiện điều đó, các nhà tổ chức cán bộ đã dùng cụm từ “không để lọt” những người như thế vào Trung ương, “lọt” là một động từ đắt giá, diễn tả một cách chính xác động tác của “con lươn, con chạch”.

Một yếu tố nữa như một chế tài đảm bảo cho lộ trình lựa chọn cán bộ đạt tới mục tiêu đề ra, đó là xác định nơi nào làm không trung thực, không đúng phải xem xét xử lý.

Hội tụ đầy đủ các yếu tố, từ quyết tâm chính trị đến nghiêm túc thi hành, từ chủ trương đến thực hiện, từ giám sát đến xử lý,... đồng thời cũng là một sự hội tụ của lòng dân - ý Đảng thì chắc chắn đất nước có một đội ngũ cán bộ xứng tầm!

Nhị Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/van-de-he-trong-431105.html