Vấn đề giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chưa được quan tâm đúng mức

Đó là thông tin tại Hội thảo 'Rà soát việc giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức ngày 15-10, tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Linh Đan

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Linh Đan

Theo thông tin từ hội thảo, trong năm 2018 tỷ lệ người DTTS tảo hôn là 21,9%, giảm 4,7% so với năm 2014 (26,6%). Tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn tăng cao ở một số dân tộc. Năm 2018 ghi nhận sự gia tăng của tỷ lệ kết hôn cận huyết thống ở một số DTTS như: La Chí (tăng từ 10,1% năm 2014 lên 30,8 năm 2018), Bru Vân Kiều (tăng từ 14,3% năm 2014 lên 28,6% năm 2018), Lô Lô (tăng từ 8,3% năm 2014 lên 22,4% năm 2018)…

Theo đánh giá của các đại biểu tham gia hội nghị, cả 2 tiêu chí về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đều chưa đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS và mục tiêu cụ thể giảm bình quân 2%-3%/năm số cặp tảo hôn và 3%-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn DTTS có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết cao của Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2020” (Đề án 469).

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ các khó khăn, thành tựu và thách thức trong quá trình thực hiện Đề án 469. Theo đó, qua việc rà soát thực hiện cho thấy một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa coi trọng nhiệm vụ phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; chưa quan tâm chỉ đạo và bố trí ngân sách để thực hiện đề án. Công tác phối hợp giữa các đơn vị và các tổ chức trong thực hiện Đề án 469 còn chưa đồng bộ, thiếu thường xuyên liên tục... Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người dân đồng bào DTTS chưa nhận thức đầy đủ về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Để hoàn thành mục tiêu của đề án, các đại biểu đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền bố trí đủ nguồn lực để thực hiện chính sách về đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đưa mục tiêu nhiệm vụ về hôn nhân và gia đình, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào Nghị quyết của cấp ủy đảng, chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của chính quyền và các đoàn thể ở địa phương. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, BĐBP, già làng trưởng bản người có uy tín trong vùng DTTS trong vấn đề tham gia tuyên truyền, vận động, đồng bào.

Linh Đan

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/van-de-giam-thieu-tao-hon-va-hon-nhan-can-huyet-thong-chua-duoc-quan-tam-dung-muc-post434079.html