Vấn đề đặt ra trong cổ phần hóa các đơn vị nghệ thuật

Một thời gian dài trong thời kỳ đổi mới, mở cửa, các đơn vị nghệ thuật công lập, trong đó có một số hãng phim, gần như vẫn được bao cấp và sản xuất phim theo đề tài định sẵn (đặt hàng).

Tuy không ít tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, nhưng phần lớn phim chỉ được trình chiếu trong những dịp lễ lạt, kỷ niệm hoặc theo chân các đội chiếu phim lưu động đến những vùng sâu, vùng xa. Tại các thành phố lớn, hầu hết các phim đều trong tình trạng phải lưu kho, bán được rất ít vé khi ra rạp. Đây là một lãng phí lớn, qua đó có thể thấy rõ sự không hiệu quả của cơ chế bao cấp nghệ thuật nói chung và bao cấp điện ảnh nói riêng.

Ngành văn hóa đang chuyển mạnh từ hình thức bao cấp cũ sang mô hình kinh doanh tự chủ đối với các đơn vị nghệ thuật. Thực hiện chủ trương này, năm 2010, Hãng phim truyện Việt Nam đã được chuyển đổi thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam, rồi sau quá trình cổ phần hóa thành Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam.

Tuy nhiên, do không nắm bắt kịp tình hình và sự chập chững bước vào cơ chế thị trường đã gây nên những chao đảo trong nội bộ và đời sống của các nghệ sĩ, cán bộ, nhân viên hãng phim. Trong suốt một thời gian dài, công ty đã không thể đề ra được một phương án kinh doanh hay có được sự tự thân vận động nào hiệu quả. Không được đầu tư, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật của hãng ngày càng xuống cấp, nghệ sĩ thì tứ tán tìm cách mưu sinh. Địa chỉ “anh cả đỏ” của điện ảnh Việt Nam một thời trở nên hoang tàn, vắng lạnh với những nghệ sĩ lúng túng trước thực tế kinh tế thị trường đầy cạnh tranh, khốc liệt.

Một phần nguyên nhân của tình trạng nêu trên do các đơn vị nghệ thuật công lập nói chung và Hãng phim truyện Việt Nam nói riêng thời gian qua được Nhà nước bao bọc, "nuôi" kỹ nhưng không được “dưỡng”, cho nên trong tư duy của nhiều nghệ sĩ nhìn chung có sự ỷ lại, trông chờ “đặt hàng” từ trên rót xuống; sức ì tư duy lớn, thiếu động lực cố gắng. Trong khi đó, với lao động nghệ thuật - một loại hình đặc thù, không có sự sáng tạo, sản phẩm ăn khách thì tự khắc các đơn vị nhà hát, hãng phim sẽ lụi tàn.

Cũng vì vậy, trong sự xuống cấp thê thảm của Hãng phim truyện Việt Nam hiện tại, có phần nào trách nhiệm của chính các nghệ sĩ và cán bộ lãnh đạo công ty. Không nên chỉ đổ lỗi cho khách quan, mà cần nhìn vào sự thật về sự thiếu chuyên nghiệp trong suốt một thời gian dài vừa qua; vì dù ở lĩnh vực nào, ngành nghề gì, tính chuyên nghiệp vẫn phải đặt lên hàng đầu.

Nhìn lại việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, thấy tiến trình này là cần thiết, nhưng việc cổ phần hóa thực hiện như thế nào và hiệu quả đến đâu mới là quan trọng. Nhiều ý kiến ví von việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam như ép buộc hôn nhân không "môn đăng hộ đối" và cuộc vui chóng vánh sẽ tan vỡ, bởi sự khác biệt về nền tảng cũng như “phông” tư duy. Người không am hiểu và trân trọng các giá trị nghệ thuật lại đổ tiền “mua” một hãng phim mà ngành nghề và lao động duy nhất là làm nghệ thuật thì thật mâu thuẫn, gợi mở nhiều uẩn khúc phía sau.

Thời gian gần đây, mối quan hệ “Cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa nhà đầu tư và nghệ sĩ thành chuyện lùm xùm, để lộ ra nhiều điều còn chưa rõ ràng trong việc cổ phần hóa, trong đó có việc định giá rẻ mạt, thậm chí là “0 đồng”, đối với một hãng phim có thương hiệu nổi tiếng với địa điểm “đất vàng” ở khu vực trung tâm Hà Nội.

Việc Chính phủ quyết định thanh tra toàn diện tiến trình cổ phần hóa cũng là sự mong đợi của các nghệ sĩ cũng như những người yêu mến điện ảnh nước nhà, với mong muốn Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam sẽ ổn định, có được sự đồng cảm, đồng thuận giữa nghệ sĩ và nhà đầu tư để sớm cho ra đời những tác phẩm điện ảnh có chất lượng.

TRỊNH MAI ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34406202-van-de-dat-ra-trong-co-phan-hoa-cac-don-vi-nghe-thuat.html