Vấn đề Brexit: Các doanh nghiệp phòng ngừa nguy cơ gián đoạn sản xuất

Các tập đoàn lớn tại 'xứ sở sương mù' đã bắt đầu chuẩn bị phương án phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro nếu như Brexit làm gián đoạn sản xuất.

Nhà máy sản xuất của hãng xe Jaguar tại Anh. (Nguồn: The Spectator)

Nhà máy sản xuất của hãng xe Jaguar tại Anh. (Nguồn: The Spectator)

Còn khoảng 4 tháng nữa là Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU)-Brexit-trong khi thỏa thuận mà Anh và EU đã đạt được chưa biết có vượt qua được cuộc bỏ phiếu tại quốc hội nước này hay không. Trước thực tế này, các tập đoàn lớn tại "xứ sở sương mù" đã bắt đầu chuẩn bị phương án phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro, xúc tiến việc tích trữ hàng hóa đề phòng Brexit có thể khiến hoạt động kho vận bị gián đoạn.

Báo cáo quý của Hiệp hội Các nhà sản xuất Anh (EEF) công bố hôm 3/12 cho thấy các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh ngành thực phẩm và đồ uống, vốn phải sử dụng nhiều tới các nguyên liệu đầu vào nhập khẩu, đang đứng trước giai đoạn thách thức chưa từng có với nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu do Brexit. Vì vậy, nhiều công ty đã lên kế hoạch tích trữ nguyên liệu để đảm bảo hoạt động sản xuất diễn ra đúng kế hoạch. Các công ty bào chế dược phẩm cũng bắt đầu gia tăng tích trữ để tránh những tác động xấu từ Brexit.

Theo báo cáo này, trong quý IV/2018, các công ty đều lên kế hoạch tăng dự trữ trước khi Anh rời EU trong quý đầu năm sau. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu vốn là động lực thúc đẩy ngành sản xuất Anh trong vài năm gần đây lại có dấu hiệu chậm lại. Chuyên gia Tom Lawton, trưởng bộ phận kế toán sản xuất của Công ty kế toán BDO, cho rằng tình trạng các đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh thực sự rất đáng lo ngại và yếu tố không chắc chắn về quan hệ giữa EU và Anh, thành viên cốt cán của liên minh, trong giai đoạn hậu Brexit là một trong số các nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.

Giám đốc điều hành của EEF Stephen Phipson cho rằng càng về cuối năm, hoạt động sản xuất của Anh chững lại là điều không quá ngạc nhiên vì đây là thời điểm mà nhiều mối lo ngại bủa vây với một môi trường chính trị trong nước không ổn định. Thủ tướng Anh Theresa May đang phải chật vật tìm kiếm sự ủng hộ cho thỏa thuận Brexit sơ bộ. Việc thỏa thuận này hiện đang vấp phải chỉ trích gay gắt từ các nghị sĩ đồng nghĩa với nguy cơ không vượt qua "ải" Quốc hội Anh là rất cao và một kịch bản Brexit không thỏa thuận vẫn lơ lửng. Vị giám đốc này cũng nhấn mạnh nội bộ Anh cần thống nhất sớm nhất có thể về một thỏa thuận Brexit để tạo môi trường kinh doanh ổn định.

Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Ngân hàng Bank of America của Mỹ tuyên bố đã hoàn tất sáp nhập trụ sở điều phối hoạt động khu vực châu Âu của ngân hàng này tại Anh nhằm chuẩn bị cho ngày 29/3/2019 khi Anh chính thức ra khỏi "mái nhà chung". Bank of America là một trong những ngân hàng lớn nhất tại Mỹ có trụ sở ở bang Bắc Carolina. Thông báo của ngân hàng nêu rõ, trụ sở tại Anh đã được sáp nhập vào công ty chuyên phụ trách các hoạt động quốc tế Merrill Lynch của Bank of America đặt tại Dublin (Cộng hòa Ireland) hôm 1/12.

Thông thường các công ty hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đa quốc gia thường đặt chi nhánh tại nhiều nơi trên toàn EU để phục vụ hiệu quả nhất khách hàng ở châu lục này. Tuy nhiên, một số ngân hàng khác, trong đó có Bank of America, đã chọn London là "căn cứ" hoạt động chính và sau khi Anh rời EU, họ muốn tìm một địa điểm mới để đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường chung EU.

Từ tháng 7/2017, Bank of America đã tuyên bố lựa chọn Dublin để làm trung tâm hoạt động chính giai đoạn hậu Brexit. BAMLI DAC sẽ phụ trách các chi nhánh của Bank of America ở Amsterdam, Brussels, Frankfurt, London, Madrid, Milan, Tây Ban Nha, Paris và Zurich./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/van-de-brexit-cac-doanh-nghiep-phong-ngua-nguy-co-gian-doan-san-xuat/538318.vnp