Vấn đề Biển Đông bước sang trang mới

Hội thảo Quốc tế lần thứ VIII về Biển Đông tại Nha Trang, Khánh Hòa đã đề cập tới nhiều vấn đề "nóng".

Hội thảo Quốc tế lần thứ VIII về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông, và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức (14-15/11) đã trao đổi vấn đề Biển Đông trên nhiều khía cạnh "nóng".

Căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt?

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PSG.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao nhận định, trong năm qua, căng thẳng ở khu vực Biển Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt do các vụ va chạm, các thay đổi nguyên trạng trên thực địa vẫn tiếp diễn. Vẫn còn nhiều vụ đụng độ ở mức độ nguy hiểm giữa các tàu cá, tàu chấp pháp của các nước ven Biển Đông ở gần khu vực Trường Sa và đặc biệt là Hoàng Sa. Tình trạng môi trường biển khu vực tiếp tục xuống cấp với tốc độ đáng báo động...

Phát biểu tại hội thảo, TS. Ulises Granados, Điều phối Chương trình Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương, Viện Công nghệ Mexico, nhận định, việc nghiên cứu tranh chấp ở Biển Đông đã có lịch sử lâu dài, kể từ đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, việc Trung Quốc xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông đã thu hút chú ý công luận nhiều hơn. Hiện nay vấn đề nhức nhối là quyết định tăng cường sự hiện diện trên Trường Sa của Trung Quốc. "Trung Quốc hiện nay đang nâng cấp 7 thực thể mà nước này chiếm đóng và đưa bãi cạn Scarborough trở thành trọng tâm trong tính toán địa chiến lược của mình kể từ năm 2012, song song với việc nâng cấp mạnh mẽ lực lượng Hải quân phòng thủ trên Hoàng Sa", TS Ulises Granados cảnh báo.

Sang trang mới

Trong phiên thứ hai của hội thảo về căng thẳng ở Biển Đông, nhiều học giả cho rằng tình hình đã có sự chuyển biến khi từ tháng 7/2016, ông Rodrigo Duterte nhậm chức Tổng thống Philippines và thể hiện mong muốn khôi phục lại chính sách cân bằng các nước lớn. Quan hệ Trung – Philippines có chiều hướng cải thiện. Trong khi đó, kể từ sau Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết vào ngày 12/7, Bắc Kinh không tiến hành hành động trả đũa nào với Philippines. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng bước sang trang mới ở Biển Đông đã làm lóe lên hy vọng về sự ổn định ở Biển Đông.

TS. Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân Văn, TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam có thể cũng là một “nhà thụ hưởng” phán quyết của PCA hôm 12/7. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chọn tiếp cận vấn đề tranh chấp Biển Đông theo hướng cân bằng. Bên cạnh việc khẳng định quan điểm nhất quán trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam thời gian qua đã duy trì quan hệ ngoại giao, kinh tế tốt đẹp thông qua chuyến công du của các nguyên thủ Ấn Độ , Pháp và Philippines... với nhiều cam kết, biên bản hợp tác được ký kết. ”Hậu phán quyết Biển Đông, Việt Nam đã duy trì chiến lược Cạnh tranh Cùng Phát triển”, TS. Trương Minh Huy Vũ nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo TS. Gregory Poling, chuyên gia Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), sau phán quyết của PCA hôm 12/7, Bắc Kinh đã không có bất kỳ tuyên bố "đáp trả" công khai hay bước đi leo thang lớn ở Biển Đông, cho thấy khả năng nước này đã chuẩn bị "sang trang" cho vấn đề Biển Đông. Tuy vậy, dù Bắc Kinh giảm tông trong tuyên bố, việc cải tạo quân sự ở quần đảo Trường Sa vẫn tiếp diễn với mục đích rõ ràng là tăng cường hiện diện quân sự trên khu vực biển này. Do đó, một mặt tiếp tục nỗ lực giải quyết các vấn đề tranh chấp với Trung Quốc bằng phương án ngoại giao, các quốc gia trong khu vực cũng đang thận trọng trước nguy cơ căng thẳng gia tăng. TS. Francois-Xavier Bonnet, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại, (Pháp) cho rằng, trong vấn đề Biển Đông, các quốc gia “phải tôn trọng lẫn nhau” và vai trò của ASEAN rất quan trọng hiện nay.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/van-de-bien-dong-buoc-sang-trang-moi-272938.html