Vẫn đau đầu với tin nhắn, cuộc gọi rác

Trong khi các cơ quan chức năng vẫn hào hứng với 'thành tích' đã hạn chế được phần nào tin nhắn rác thì nhiều người dùng vẫn đang vô cùng bức xúc bởi sự 'biến thể tinh vi' của các hoạt động 'spam'. Từ tin nhắn rác, các đối tượng chuyển sang gọi điện mời chào trực tiếp vô cùng phiền nhiễu. Thậm chí, ngay cả các nhà mạng cũng có lúc 'dội bom' khách hàng bằng hàng loạt tin nhắn khuyến mại.

Trong vòng chưa đầy 2 giờ, khách hàng bị Vinaphone “dội bom” 6 tin nhắn quảng cáo giống hệt nhau. Ảnh: Đ.T

Nhà mạng “bất lực”, khách hàng phập phồng lo lắng

Chuyện bức xúc vì các tin nhắn, cuộc gọi rác đã không còn lạ lẫm. Nhưng điều mà nhiều người khó chịu nhất, là sự “trơ mặt” của các đối tượng có hành vi “khủng bố” ngày càng trắng trợn. Là lãnh đạo của một đơn vị, chị P.T.H không thể bỏ qua bất cứ cuộc điện thoại nào gọi tới, nếu trót bỏ lỡ, chị cũng phải gọi lại bởi lo lắng không kịp cập nhật thông tin sẽ ảnh hưởng tới công việc. Thế nhưng, đôi lúc ngay trong cuộc họp, chị nhận được những cuộc gọi quảng cáo bán nhà, mời mua bảo hiểm, đề nghị tư vấn về các gói dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng...

Khi bức xúc quá, chị H mắng đầu dây bên kia như “tát nước vào mặt” và yêu cầu đừng làm phiền chị nữa, thế nhưng, ngay ngày hôm đó, chị lại tiếp tục nhận được cuộc gọi mời chào của nhân viên nọ.

“Họ thậm chí trơ tráo đến mức nói rằng, sáng em thấy chị bận nên dập máy, bởi vậy chiều gọi lại để tư vấn được kỹ càng hơn. Có mấy lần máy chị có nhiều cuộc gọi lỡ từ một số máy lạ, nghĩ là ai có việc gấp cần gọi, mình gọi lại thì ra là của mấy “ông quảng cáo” nhá máy “mồi” cho có vẻ là cuộc gọi quan trọng” - chị H chia sẻ đầy bức xúc.

Sự bực bội ấy dẫu sao cũng chỉ mang tính tức thời, nhiều người còn mang nỗi lo lộ thông tin cá nhân khi lịch trình của mình bỗng dưng bị các “nhà quảng cáo” nắm được một cách chi tiết. Như trường hợp của anh V.Đ. Tùng (ngụ tại đường Hoàng Quốc Việt - Hà Nội), đặt vé máy bay qua một phòng vé dịch vụ. Mặc dù đã cài phần mềm sàng lọc tin nhắn, cuộc gọi rác, nhưng trước giờ bay 6 tiếng, anh Tùng vẫn nhận được liên tiếp 2 tin nhắn và cuộc gọi số máy lạ giới thiệu về dịch vụ xe đưa rước Hà Nội - Nội Bài với giá rất cạnh tranh chỉ từ 180.000đồng đến 200.000đồng cho một chiều đi sân bay.

Anh Tùng lo lắng cho rằng “Thông tin lịch trình của mình bị lộ, đồng nghĩa với khả năng các thông tin khác như địa chỉ nhà, số thẻ căn cước cũng có thể bị lộ... Mình đi công tác mà cứ phấp phỏng không yên bởi những nỗi lo không đâu như thế. Nhưng cũng chẳng có căn cứ gì để truy vấn lại phòng vé bởi mình biết chắc họ sẽ chối bay chối biến rằng không cung cấp thông tin của mình cho bên thứ ba - là đơn vị cung cấp xe dịch vụ”.

Sau những vụ bị làm phiền như vậy, có người bực tức rồi bỏ qua, có người liệt các số điện thoại ấy vào danh sách black list, spamming... Thậm chí có người cẩn thận hơn, còn lên mạng tải các app sàng lọc tin nhắn, cuộc gọi bị xác định là spam để tránh phiền phức. Thế nhưng, vẫn không thể tránh bị làm phiền bởi tin nhắn, cuộc gọi rác cứ như con rồng 9 đầu trong chuyện thần thoại, chặt được đầu này nó lại mọc thêm đầu khác. Trong khi đó, nhà mạng dường như bất lực khi chưa có giải pháp nào ngăn chặn các cuộc gọi rác.

Nhà mạng “đổ” cho khách hàng “phải” tự bảo vệ mình

Khi nỗi lo tin nhắn rác chưa kịp dịu xuống thì sự phiền phức của các cuộc gọi rác tăng lên gấp bội. Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam nhận định: “Tin nhắn, cuộc gọi rác thực chất là 1 hình thức marketing, mình có thể không thích nhưng có thể có người khác thích và thấy thông tin ấy hữu ích. Tất nhiên với sự nhiệt tình cố gắng của các nhà mạng thì cũng sẽ hạn chế được nhưng chỉ hạn chế thôi chứ không thể chặn hết được. Bởi để xác định được đầu số gửi tin nhắn rác cần phải phát hiện được số ấy là có ý đồ spamming, đây là cái khó. Căn cứ vào tần suất xuất hiện thì tạm coi là yếu tố phát hiện, nhưng nếu tần suất ít hoặc đổi số khác (với cùng một nội dung quảng cáo - PV) thì khả năng xác định đó là số nhắn tin rác lại không cao”.

Từ đó, ông Liên cho rằng mỗi người dùng cần tự “bảo vệ” mình khỏi sự phiền nhiều bằng cách chủ động cài đặt, cách ly mình với môi trường tin nhắn, cuộc gọi rác như “hiện tại hầu hết mọi người đều sử dụng điện thoại smartphone có những tính năng đánh giá spamming, khi mình chủ động đưa số điện thoại nào đó vào diện spamming thì sau này mình sẽ không nhận được nữa. Ngoài ra, trên mạng cũng có một số app dịch vụ cho phép tải về để loại trừ những tin nhắn,cuộc gọi rác mà bản thân nó xác nhận được”.

Người dùng không chỉ chịu “áp lực” từ các cuộc gọi, tin nhắn rác mà thậm chí đôi lúc còn bị “dội bom” tin nhắn quảng cáo của chính nhà mạng mình đang sử dụng. Bản thân người viết bài cũng từng rất bức xúc với việc có ngày nhận được cả chục tin nhắn quảng cáo từ nhà mạng Vinaphone. Gần đây nhất, ngày 23.8 vừa qua, trong vòng 110 phút, người viết nhận được tới 6 tin nhắn quảng cáo của Vinaphone với cùng một nội dung giống hệt nhau.

Khi đem nỗi bực dọc này trao đổi với tổng đài chăm sóc khách hàng của Vinaphone, tổng đài viên cho rằng “Tin nhắn khuyến mại được gửi tới tất cả tới các đầu số Vinaphone, nếu khách hàng không muốn nhận thì phải từ chối. Cú pháp để từ chối là TC gửi 18001091”. Riêng với thông tin trong khoảng thời gian ngắn khách hàng bị “dội bom” tin nhắn quảng cáo thì nhân viên này lảng tránh giải thích nguyên nhân mà chỉ hướng dẫn khách hàng cứ “nhắn tin từ chối, nếu vẫn tiếp tục nhận được tin nhắn quảng cáo thì liên hệ lại với tổng đài nhận được sự trợ giúp”.

đức thành

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-nghe/van-dau-dau-voi-tin-nhan-cuoc-goi-rac-563494.ldo