Vẫn đang truy tìm thủ phạm vụ phá rừng ở Bình Phước

Sau khi báo Lao Động và nhiều báo – đài phản ánh vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại khoảnh 7, tiểu khi 363, nông lâm trường Tân Lập (thuộc Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước). Mới đây, UBND huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã chính thức ra văn bản phản hồi vụ việc báo chí nêu.

Gốc cây cày có chu vi 8,6m đã bị cưa hạ. Ảnh: C.H

Văn bản số 2129/UBND-VP ngày 12.10.2018 thừa nhận: Vụ khai thác rừng trái phép đã được Hạt kiểm lâm Đồng Phú phát hiện và cùng các lực lượng chức năng tịch thu, xử lý tang vật vi phạm trước đó 2 tháng 10 ngày. Hiện Hạt kiểm lâm Đồng Phú đang phối hợp với Công an huyện truy tìm các đối tượng khai thác rừng trái phép để xử lý theo quy định của luật pháp.

UBND huyện Đồng Phú cũng thừa nhận việc phản ánh vụ phá rừng trên các báo đã “góp phần tuyên truyền, đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng”.

Vạt một góc gốc cây, vỏ vẫn còn tươi nguyên. Nhưng theo UBND huyện Đồng Phú, cây đã được chặt hạ hợp pháp từ năm 2016, trong dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su. Ảnh: C.H

Riêng về hình ảnh gốc cây cày (kơ nia) được báo chí phản ánh “có chu vi 8,6m, đã bị lâm tặc cưa hạ”, “dùng dao vạt một góc gốc cây, vỏ cây vẫn còn tươi, cho thấy cây cổ thụ mới bị chặt hạ gần đây”...

UBND huyện Đồng Phú cho rằng, vị trí gốc cây cổ thụ mà báo chí đăng tải hình ảnh là đúng tại khoảnh 7, tiểu khu 363, nông lâm trường Tân Lập, thuộc Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước quản lý.

Tuy nhiên, “các gốc cây này đã được khai thác tận dụng hợp pháp theo cấp phép của Sở NN-PTNT, tại quyết định số 129/QĐ-SNN-LN ngày 14.3.2016, thuộc Dự án cải tạo, chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước (đã thực hiện xong việc tận dụng lâm sản và khai hoang). Thời điểm khai thác số lâm sản có gốc cây cổ thụ như trong hình ảnh đăng tải là năm 2016, chứ không phải là cây mới bị chặt hạ gần đây...” (?).

Không hề thấy cao su, thay vào đó là những cây điều vừa mới trồng trên đất mới khai hoang, giáp ranh hiện trường khu rừng bị phá lấy gỗ hôm 19.7.2018. Ảnh: N.H

Song, trên thực tế, gốc cây cày (chu vi 8,6m) và một số gốc cây khác kề bên đã bị chặt hạ, thì vỏ gốc cây vẫn còn tươi nguyên. Nếu những gốc cây trên đã được chặt hạ hợp pháp từ năm 2016 – cách đây hơn 2 năm, thì tại sao tới thời điểm này vỏ gốc cây vẫn còn tươi mới ?

Chưa kể khoảng cách từ gốc cây cổ thụ này tới khoảnh rừng có 24 cây bị lâm tặc chặt hạ mới đây cách chỉ vài bước chân. Mặt khác, khu đất khai hoang có gốc cây cày cổ thụ, mà theo UBND huyện Đồng Phú nói là thuộc dự án “chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su” từ năm 2016... Nhưng trên thực tế, không thấy cây cao su nào được trồng; trái lại, là hàng ngàn cây điều mới trồng cách đây vài tháng.v.v...

ĐÔNG ANH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/van-dang-truy-tim-thu-pham-vu-pha-rung-o-binh-phuoc-638458.ldo