Ván cược lớn của Tổng thống Pháp

Trải qua nhiều tuần đối mặt với các cuộc biểu tình và bạo loạn của những người 'áo vàng,' Tổng thống Emmanuel Macron đã thực hiện một bước đi bất ngờ với việc kêu gọi tổ chức một cuộc tham vấn quốc gia công khai để quyết định những vấn đề mà người dân nước này đang gây sức ép. Theo giới phân tích, một cuộc tranh luận quốc gia thực chất có thể là điều nước Pháp cần trong thời điểm này để đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận.

3 trở ngại đối với “kế hoạch Macron”

Tổng thống Macron đã quyết định tổ chức một “cuộc đại tranh luận trên toàn quốc”. Trong những tháng tới đây, các cuộc hội thảo do địa phương tổ chức, các cuộc tham vấn thông qua mạng internet và các hội nghị công dân ở từng khu vực sẽ đánh giá quan điểm của người dân Pháp về 4 vấn đề: chính sách môi trường, dân chủ và tính đồng nhất, thuế, và tổ chức nhà nước. Tuy nhiên, kế hoạch của Tổng thống Pháp đối mặt với 3 trở ngại.

Thứ nhất, dư luận Pháp mâu thuẫn sâu sắc. Ví dụ, những người "áo vàng" muốn giảm thuế và tăng dịch vụ công. Không đòi hỏi nào là quá đáng. Nhưng cũng chẳng đòi hỏi nào bảo đảm ổn định ngân sách tài chính ở một đất nước nơi chi tiêu công chiếm 57% GDP và tỉ lệ nợ ước tính gần 100%.

Vấn đề còn phức tạp hơn khi có sự ủng hộ rộng rãi ở Pháp cho cả những người "áo vàng," mà sự nổi loạn của họ bắt đầu với yêu cầu hủy bỏ thuế carbon đánh vào tiêu thụ nhiên liệu và cho một ý tưởng kiện chính phủ Pháp vì không giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu. Hơn nữa, khi những người "áo vàng" phàn nàn về sự bất bình đẳng, họ có khuynh hướng tập trung vào việc ông Macron xóa bỏ thuế cho người giàu vốn trước đó thu về cho nhà nước 5,7 tỷ USD mỗi năm – một con số nhỏ so với 214 tỷ USD từ thuế giá trị gia tăng (VAT). Hoặc họ phàn nàn về tiền lương của các quan chức chính phủ. Nhưng họ không đưa ra các đề nghị cụ thể để giải quyết hai yếu tố chính gây ra sự bất bình đẳng ở Pháp: đó là giáo dục và tiếp cận thị trường lao động.

Theo Chương trình Đánh giá sinh viên quốc tế, khoảng cách năng lực giáo dục giữa các sinh viên có hoàn cảnh thiệt thòi và phần còn lại của dân chúng ở Pháp là cao hơn so với bất kỳ nước nào khác trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Và không chỉ tỷ lệ thất nghiệp của Pháp ở mức khoảng 10%; thị trường lao động hai tầng lớp của nước này còn tạo ra hơn 90% việc làm mới với các hợp đồng ngắn hạn – đặc biệt là những công nhân trẻ, có tay nghề thấp.

Thứ hai, ngoài những đòi hỏi trái ngược, ông Macron cũng sẽ phải đối mặt với những trở ngại trong nhận thức của dân chúng. Người dân Pháp thường đánh giá các điều kiện kinh tế một cách thiếu thực tế. Người ta thường nghe thấy rằng Pháp là một đất nước cực kỳ bất bình đẳng, nơi người giàu không phải đóng thuế, người về hưu luôn bị lừa dối, hoặc là nơi trốn thuế và tiền lương của các chính trị gia ngốn nhiều nguồn lực. Những đòi hỏi này không được xem xét một cách kỹ càng.

Chắc chắn, chính quyền Macron quá chậm chạp trong việc đưa ra các biện pháp thỏa đáng để bù đắp cho tác động của việc tăng giá dầu, chương trình tăng thuế carbon và bỏ trợ cấp cho các phương tiện chạy động cơ diesel. Nhưng người dân Pháp cũng đang đổ lỗi cho ông Macron về những chính sách vô lý trong hàng chục thập kỷ nay, bao gồm trợ cấp dầu diesel (duy trì hơn 20 năm nay để hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô của Pháp) và các biện pháp tăng giá thuế đất trong nội thành.

Trở ngại thứ ba là bạo lực. Trong những tuần gần đây, những mối đe dọa ngày càng tăng từ những người "áo vàng" chống lại các nhà lập pháp, nhà báo, và thậm chí cả những người biểu tình bày tỏ sẵn sàng thương lượng với chính phủ.

Vì vậy, chính phủ của ông Macron nhận thấy đang ở trong tình thế hết sức khó khăn. Và một cuộc tham vấn công chúng thậm chí có thể tạo ra một tình trạng lộn xộn hơn.

Tổng thống Macron đang ngày càng đau đầu vì các cuộc biểu tình. Ảnh tư liệu

Nhiều luật có thể bị thu hồi

Rút cục, hầu hết các nền dân chủ phải lựa chọn chính phủ đại diện, hơn là cai trị bởi cuộc trưng cầu dân ý. Theo lý thuyết, ít nhất, những người đại diện nhân dân có thể mất nhiều thời gian để suy nghĩ thỏa hiệp chính sách và xin ý kiến của người dân. Và, không giống như những người dân thảo luận trong các quán cà phê hay trên các mạng xã hội Facebook và Twitter, ý kiến của những người đại diện được lựa chọn phải được công khai nghiên cứu kỹ lưỡng và có kiểm chứng thực tế.

Ngoài ra, việc giao cho các thẩm phán độc lập, các ngân hàng trung ương và các cơ quan ban hành quy định ra một số hình thức quyết định công nhất định cũng là việc nên làm. Kể cả khi họ được tham vấn từ các cuộc bầu cử và vận động chính trị, những nhân tố này có thể đưa ra một quan điểm dài hạn hơn và bảo vệ quyền lợi của các nhóm thiểu số.

Tuy nhiên, việc trưng cầu dân ý ở Pháp có thể “mở cánh cửa” cho việc thu hồi lại các luật cho phép nạo phá thai, cấm án tử hình và công nhận hôn nhân đồng giới. Nó cũng có thể dẫn tới các chính sách kinh tế mị dân – từ việc giảm độ tuổi nghỉ hưu cho tới các biện pháp ngăn chặn nhập cư hoặc thậm chí hình thức “Frexit”, có nghĩa Pháp rời khỏi Liên minh châu Âu.

Mặc khác, nếu chính phủ của ông Macron chỉ "đãi bôi" trong các cuộc tham vấn dân sự thì tình trạng bất ổn sẽ còn nghiêm trọng hơn; những người "áo vàng" sẽ nhận được “sự khẳng định” rằng giới tinh hoa chính trị không lắng nghe ý kiến bày tỏ mong muốn của người dân.

Vậy, cuộc tham vấn có gì tốt? Một cuộc tranh luận thành công sẽ đưa người Pháp trở lại đời sống chính trị của đất nước. Ở Pháp, quyết sách được tập trung ở mức độ cao, các chính sách là không thay đổi (bất chấp một vài nỗ lực nhỏ của chính phủ Macron để tăng cường sự linh hoạt) và sự tham gia dân sự còn yếu. Sự miễn cưỡng tin tưởng người dân của giới tinh hoa chính trị, cộng với việc người dân thiếu sự tham gia và đôi khi có “hành xử như trẻ con,” sẽ tạo ra một viễn cảnh tự mãn.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/van-cuoc-lon-cua-tong-thong-phap-134968.html