Vẫn còn tình trạng một mặt hàng nhiều Bộ quản lý

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, hiện vẫn còn 19,1% tổng số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành, trong khi mục tiêu của Chính phủ là giảm chỉ còn 15%. Bên cạnh đó, còn tình trạng một mặt hàng nhưng chịu sự kiểm tra chồng chéo của nhiều đơn vị thuộc cùng một Bộ, thậm chí nhiều Bộ khác nhau.

Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Hội nghị Giám sát các giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu mới đây cho thấy, vào quý II/2015 có 82.698 mặt hàng thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành, đến tháng 3/2019 còn 70.087 mặt hàng, giảm 12.611 mặt hàng.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Báo cáo cũng nêu rõ, bên cạnh một số bộ, ngành giảm thì có một số Bộ, ngành lại tăng số lượng mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, Ban Cơ yếu Chính phủ tăng 17 mặt hàng; lĩnh vực trang thiết bị y tế thuộc Bộ Y tế quản lý tăng 32 nhóm mặt hàng.

Theo Phó Thủ tướng, hiện vẫn còn 19,1% tổng số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành, trong khi mục tiêu của Chính phủ là giảm chỉ còn 15%. Bên cạnh đó, còn tình trạng một mặt hàng nhưng chịu sự kiểm tra chồng chéo của nhiều đơn vị thuộc cùng một Bộ, thậm chí nhiều Bộ khác nhau.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, trong đó quy định rõ số lần thanh kiểm tra của cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp trong một năm không được quá 1 lần trên cùng 1 lĩnh vực. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu phải xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, tình trạng trên vẫn chưa hề thay đổi. Vẫn có nhiều doanh nghiệp, nhiều công ty phải thành lập lực chuyên trách để đón đoàn thanh tra.

Nhiều ý kiến cho rằng, điều này đã và đang lãng phí một nguồn nhân lực không hề nhỏ trong công ty chỉ với nhiệm vụ đón thanh tra… Hơn nữa, việc lạm dụng thanh, kiểm tra sẽ gây tổn hại cho môi trường kinh doanh chung, thay vì bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh. Doanh nghiệp luôn phải chịu áp lực bị giám sát, kiểm tra thường xuyên bởi nhiều cơ quan khác nhau, dễ buộc họ phải tìm cách né tránh, thậm chí thông đồng để được yên ổn làm ăn. Điều này cũng có nghĩa, môi trường đầu tư kinh doanh cũng sẽ bị ảnh hưởng.

M.L

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/van-con-tinh-trang-mot-mat-hang-nhieu-bo-quan-ly-536634.html