Vẫn còn tình trạng ép giá trong cung ứng cho thị trường bán lẻ

Đó là chia sẻ của Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga tại 'Diễn đàn đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam' do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 20/3, tại Hà Nội. Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGAS) tham gia đồng hành cùng chương trình.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga chia sẻ tại diễn đàn

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga chia sẻ tại diễn đàn

Dưới góc nhìn của người làm chính sách về thị trường bán lẻ của Việt Nam, bà Lê Việt Nga cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là phát triển khá mạnh trong những năm gần đây khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội có mức tăng trưởng nhanh. Cả nước hiện có khoảng 8.600 chợ, hơn 1.000 siêu thị, và đây là kênh tốt để phân phối hàng hóa trong nước.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga cho biết: “Thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng do quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ (thích mua sắm). Hành vi tiêu dùng của người dân dần thay đổi theo xu hướng hiện đại, từ việc mua sắm hàng ngày ở chợ truyền thống, chuyển sang mua sắm khối lượng lớn ở các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm hay cửa hàng tiện lợi... Và đây cũng chính là động lực thúc đẩy sự dịch chuyển từ kênh bán lẻ truyền thống sang kênh bán lẻ hiện đại diễn ra nhanh hơn”.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì thị trường bán lẻ trong nước cũng còn nhiều khó khăn đó là: nền kinh tế Việt Nam có tới 96% doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong số đó có tới hơn 60% doanh nghiệp siêu nhỏ, trong lĩnh vực bán lẻ, tỷ lệ này chắc chắn còn cao hơn, nghĩa là tuyệt đại bộ phận các doanh nghiệp hoạt động trong bán lẻ là siêu nhỏ.

Ngoài ra, cung - cầu hàng hóa được bảo đảm nhưng còn thiếu tính bền vững. Lý do là thiếu liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng, từ nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển đến người tiêu dùng, nhất là đối với hàng nông sản. Điều này khiến thị trường rất dễ bị biến động cục bộ do tác động của tâm lý người tiêu dùng. Thực tế là nhà sản xuất luôn phải đối mặt với tình trạng “được mùa, mất giá”, nhà phân phối thì bị động với hàng hóa cung ứng, người tiêu dùng phải chi trả quá cao so với giá gốc, trong khi hàng nông sản thiếu sự kiểm soát chất lượng.

Đặc biệt theo bà Nga, vẫn còn tình trạng ép cấp, ép giá trong thu mua hàng hóa nông sản và cung ứng cho thị trường bán lẻ: từ khâu sản xuất, việc định hướng còn rất lúng túng, nông dân vẫn mải chạy theo lợi nhuận, theo phong trào, đổ xô vào sản xuất các hàng hóa đang được giá trên thị trường, dẫn đến tình trạng dư thừa.

Tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng và mất vệ sinh an toàn thực phẩm tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn còn xuất hiện trên thị trường. Các chi phí về logictis, thủ tục hải quan còn tốn thời gian và chi phí cao hơn các nước trong khu vực. Một số doanh nghiệp bán lẻ trong nước còn chịu thêm những chi cho các hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị như phục vụ thị trường nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sự thiếu hụt về đội ngũ các nhà quản lý, điều hành chuyên nghiệp tại các cơ sở kinh doanh truyền thống và hiện đại, ảnh hưởng tới độ hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Toàn cảnh diễn đàn

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga, bên cạnh những khó khăn thì thị trường bán lẻ Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn đó là: các nhà bán lẻ trong nước, đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu thốn từ vốn đến con người, trang thiết bị và thông tin để có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với các nhà đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn đa quốc gia và xuyên quốc gia; đó là thách thức trong công tác quản lý vĩ mô đối với việc lựa chọn, cân đối hài hòa giữa các mục tiêu phát triển, đó là cần gắn mục tiêu phát triển bền vững thị trường bán lẻ với bảo vệ môi trường và giải quyết việc làm cho xã hội.

Tại diễn đàn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển thị trường bán lẻ của Việt Nam gắn với phát triển bền vững trong thời gian tới: Cơ quan quản lý Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về hoạt động thương mại thị trường trong nước, trong đó chú trọng phát triển thị trường bán lẻ gắn với phát triển bền vững; chú trọng tăng tổng cầu trong nước, đẩy mạnh các hoạt động gắn kết lưu thông, liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa.

Cần phát triển thị trường bền vững trên cơ sở đa dạng hóa các phương thức bản lẻ; đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng thương mại bán lẻ và các hạ tầng xã hội để tăng tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ trong nước; đa dạng hóa các kênh phân phối, bảo đảm vận hành tốt các kênh trực tiếp và online và phát triển mạnh thương mại điện tử; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại bán lẻ; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực thương mại; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát.

Đặc biệt, người tiêu dùng là nhân tố quan trọng quyết định đối với sự phát triển của thị trường bán lẻ. Người tiêu dùng cần nhận thức rõ và biết sử dụng quyền của mình để thỏa mãn nhu cầu mua sắm, để bảo vệ lợi ích hợp pháp của bản thân và tham gia có trách nhiệm trong phát triển thị trường bán lẻ, phát triển kinh tế xã hội.

Phó Tổng giám đốc Hapro Nguyễn Tiến Vượng chia sẻ tại diễn đàn

Tại diễn đàn, chia sẻ kinh nghiệm đầu tư cho tiếp thị và bán lẻ, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng, nhiều cạnh tranh, nếu doanh nghiệp Việt Nam không chủ động hội nhập, có chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài thì sẽ mất vị thế ngay trên thị trường sân nhà.

Theo các doanh nghiệp bán lẻ, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, các kênh bán hàng đều mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, khách hàng sẽ được phục vụ tốt hơn, có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên Nhà nước cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch trong cuộc đua bán lẻ, giữa trong nước và ngoài nước, giữa kênh bán lẻ truyền thống và hiện đại.

Nhà nước nên xây dựng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước để phát triển thương hiệu, hỗ trợ đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; đồng thời, để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận với các mặt bằng kinh doanh có vị trí thuận lợi với cơ chế hợp lý.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tăng cường tính liên kết, kết nối từ sản xuất đến phân phối để hỗ trợ nhau cùng phát triển thị trường; tăng cường công tác truyền thông đến người tiêu dùng để ủng hộ các sản phẩm hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất và tiêu thụ.

Nguyễn Hoan

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/van-con-tinh-trang-ep-gia-trong-cung-ung-cho-thi-truong-ban-le-530454.html