Vẫn còn tình trạng cán bộ thờ ơ, tắc trách khi phục vụ người dân

Ngày 15-3, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện 'Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP và Quy tắc ứng xử nơi công cộng và công tác tổ chức, quản lý lễ hội'.

Sau một năm triển khai 2 bộ quy tắc trên, hành vi ứng xử của viên chức, công chức có những chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tại một số nơi vẫn còn thói vô cảm, thờ ơ, tắc trách trong việc phục vụ người dân.

Theo bản giám sát của HĐND TP Hà Nội, đa số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chấp hành tốt quy tắc ứng xử. Tuy nhiên, tình trạng thờ ơ, tắc trách trong việc phục vụ người dân vẫn xảy ở một số nơi.

"Nơi thì cán bộ bận đi ăn cưới, chỗ thì cán bộ 'thích thì mới làm”, còn nói chuyện làm việc riêng trong giờ làm việc như tại xã Di Trạch (huyện Hoài Đức), Thạch Thán (huyện Quốc Oai) và phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy)…

Có cán bộ còn gợi ý lấy tiền để làm thủ tục nhanh. Nhiều nơi xuất hiện các đối tượng cò mồi, môi giới… Phường Văn Miếu, quận Đống Đa, nơi xảy ra vụ việc cán bộ chậm trễ cấp giấy chứng tử khiến dân bức xúc đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giải trình về hai bộ quy tắc ứng xử của công chức Hà Nội.

Bên cạnh đó, tình trạng cò mồi làm các thủ tục giấy tờ như khám sức khỏe đổi giấy phép lái xe, yêu cầu xác nhận lý lịch nhân thân vẫn diễn ra công khai bên ngoài các đơn vị chuyên môn", bản giám sát nêu.

Ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tư Pháp khi giải trình về những vi phạm ở Sở này thừa nhận có tình trạng "cò mồi" thủ tục khiến người dân bức xúc. Ông Tuấn cam kết xử lý, không để tái diễn trường hợp này và quán triệt cán bộ Sở Tư pháp.

Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy Nguyễn Quang Thắng nhận được chất vấn của đại biểu Đoàn Việt Cường khi để xảy ra sự việc ngày 10-1, công chức tại bộ phận một cửa của đơn vị này trả lời người dân đến làm thủ tục hành chính là "lãnh đạo phường đi vắng, không biết khi nào trả hồ sơ và có thái độ không thân thiện, thích thì mới làm".

Ông Thắng trần tình, khi sự việc xảy ra, phường đã yêu cầu cán bộ một cửa viết kiểm điểm, điều chuyển qua bộ phận khác và rút kinh nghiệm cả lãnh đạo phường.

"Cán bộ nữ đó rất tốt, năm 2017 được quận suy tôn danh hiệu người tốt việc tốt. Rất tiếc hôm đó thời tiết thế nào mà chị ấy lại nói những câu không chấp nhận được", Chủ tịch phường Dịch Vọng Hậu giải trình.

Liên quan đến việc giám sát qua hệ thống camera, ông Thắng cho biết lãnh đạo phường thường xuyên kiểm tra, giám sát bộ phận một cửa qua hệ thống camera nhưng chỉ xem được hình, không nghe được tiếng nên dù thường xuyên kiểm tra nhưng chưa giám sát được giao tiếp của cán bộ với nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP chất vấn, vì sao vẫn chưa có chế tài xử lý cán bộ vi phạm quy tắc ứng xử, việc lắp đặt camera giám sát ở bộ phận một cửa triển khai thế nào và TP đã quy định nơi nào có hiện tượng công chức ứng xử vi phạm thì người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm, tại sao vẫn không giám sát camera để chấn chỉnh ngay mà chỉ đến khi đoàn giám sát đi kiểm tra phát hiện ra mới biết?

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho hay đơn vị đã chủ động xây dựng dự thảo một bộ chế tài xử lý cụ thể, bước đầu đưa ra 114 tình huống.

Về lắp đặt camera, ông Trần Huy Sáng khẳng định thành phố đã làm 6-7 năm nay tại các khu vực một cửa. Việc này hỗ trợ rất tích cực, qua nối mạng thì lãnh đạo các đơn vị đều theo dõi, kiểm soát hành vi, thái độ ứng xử của cán bộ, công chức với người dân, doanh nghiêp.

"Đây là một nội dung tốt mà nhiều tỉnh, thành học tập Hà Nội. Tới đây, TP Hà Nội sẽ tiếp tục nối mạng để người dân tham gia giám sát", ông Sáng nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung giải trình thêm, qua một năm thực hiện, bộ quy tắc ứng xử bước đầu được cán bộ và nhân dân ủng hộ.Tuy nhiên, còn một bộ phận công chức, viên chức ở phường xã, các phòng ban của các sở, quận huyện có tư thế tác phong ứng xử với nhân dân chưa đúng.

"Người dân đánh giá lãnh đạo cấp sở, quận huyện đã có chuyển biến. Nhưng cấp xã phường, các phòng ban vẫn có tình trạng nhũng nhiễu. Chủ tịch UBND TP, các quận huyện, Giám đốc các Sở ngành phải trực tiếp gặp cán bộ để phổ biến quy chế, chế tài xử phạt để cán bộ tự chấn chỉnh”, Chủ tịch Hà Nội đánh giá.

Theo ông Chung, Hà Nội sẽ đẩy nhanh việc xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh với công nghệ thông tin là đòn bẩy đưa gần 2.000 các thủ tục hành chính có thể giải quyết qua mạng, giảm phiền hà, tiêu cực.

Ngọc Yến

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/van-con-tinh-trang-can-bo-tho-o-tac-trach-khi-phuc-vu-nguoi-dan-482320/