Vẫn còn nhiều thông tin về an toàn thực phẩm chưa chính xác gây hoang mang trong xã hội

Vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm đã bị cường điệu hóa, bị giải thích sai lệch, bịa đặt, giả mạo, gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, gây hoang mang trong xã hội.

Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi tại Hội thảo truyền thông về an toàn thực phẩm và sức khỏe xử lý tin nhiễu, tin giả diễn ra ngày 19/12/2019.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi: Báo chí có tác động quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về vấn đề an toàn thực phẩm.

Hội thảo do Hội nhà báo Việt Nam phối hợp với Croplife Việt Nam và Croplife Châu Á; Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tổ chức đã mang đến một cái nhìn mới về đánh giá an toàn thực phẩm; cách thức nhận biết và xử lý tin giả, tin nhiễu liên quan tới chủ đề này; hạn chế các thông tin phản khoa học, thông tin "gây sợ hãi" dẫn đến hình thành nhận thức sai trong công chúng; tiếp cận các nguồn tin có uy tín và khoa học trong các hoạt động truyền thông cộng đồng, đặc biệt liên quan tới chủ đề về thực phẩm và sức khỏe con người.

Nhận định báo chí có tác động quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về vấn đề an toàn thực phẩm, tuy nhiên, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhìn nhận, vẫn còn tình trạng thông tin về an toàn thực phẩm thiếu chính xác hoặc chưa được kiểm chứng, thiếu căn cứ khoa học, thậm chí thông tin phục vụ mục đích không trong sáng, mục đích vụ lợi.

"Nhiều vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm đã bị cường điệu hóa, bị giải thích sai lệch, bịa đặt, giả mạo, gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, gây hoang mang trong xã hội. Điều đó cho thấy trách nhiệm to lớn của báo chí trong việc thông tin chính xác, khoa học, đồng thời nhận diện và phản bác những thông tin xấu độc, tin nhiễu, tin giả trong vấn đề an toàn thực phẩm, giúp người dân có kiến thức để lựa chọn thực phẩm tiêu dùng, tự chăm lo cho sức khỏe cá nhân"- ông Hồ Quang Lợi nói.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi: Hiện nay, tình hình an toàn thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội, tạo nhiều lo lắng cho người dân, nhất là khu vực đô thị. Tính trong 10 tháng đầu năm 2019, cả nước có 73 vụ ngộ độc với gần 2.000 người mắc; 8 người tử vong; Cả nước phát hiện 65.000 cơ sở vi phạm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã cung cấp thông tin cơ bản về các tiêu chí đánh giá an toàn thực phẩm liên quan tới thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng, vấn đề thông tin nhiễu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên thực phẩm.

Chủ tịch CropLife Việt Nam Phạm Văn Lợi nêu dẫn chứng về việc thông tin cường điệu hóa có thể gây hoang mang cho công chúng. Chẳng hạn như về việc thuốc bảo vệ thực vật. Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu chăn nuôi quốc tế ILRI, nếu không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì sản phẩm nông sản sẽ bị hư hỏng, thiệt hại tới 50% sản lượng. Trong bối cảnh yêu cầu về năng suất chất lượng để đảm bảo an ninh lương thực ngày càng cao, thuốc bảo vệ thực vật là yếu tố không thể thiếu, giúp giảm gánh nặng cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Vấn đề là phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách và đúng liều lượng như nhà sản xuất khuyến cáo.

Những thông tin sai lệch về sản phẩm biến đổi gen cũng gây hoang mang cho người tiêu dùng, trong khi các nhà khoa học đã kiểm chứng và khẳng định đây là loại thực phẩm an toàn. Chủ tịch CropLife Việt Nam nêu dẫn chứng: Viện Khoa học quốc gia, tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc, Tổ chức Y tế Thế giới, Hiệp hội dược phẩm Hoa Kỳ và Hiệp hội tiến bộ Khoa học Hoa Kỳ đã phân tích hàng ngàn công trình khoa học, và kết luận rằng, thực phẩm làm từ cây trồng biến đổi gen an toàn và không gây ra rủi ro nào với sức khỏe con người.

Đánh giá cao những bài phân tích của các nhà khoa học đã đưa ra cái nhìn tổng quát về xu hướng tin giả- tin nhiễu hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm và truyền thông nguy cơ về an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định, các cơ quan truyền thông báo chí- với tinh thần trách nhiệm, cần tiếp cận nguồn thông tin có kiểm chứng, đưa đến cho người dân những thông tin chính xác, kịp thời, qua đó, tránh được tin giả, tin nhiễu, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh chân chính và ổn định xã hội.

Lê Kim Liên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/van-con-nhieu-thong-tin-ve-an-toan-thuc-pham-chua-chinh-xac-gay-hoang-mang-trong-xa-hoi-d167263.html