Vẫn còn nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động 'bát nháo'

Bên cạnh nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có trách nhiệm với người lao động vẫn còn một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) làm ăn 'bát nháo', chưa hiệu quả, thiếu trung thực, gây ảnh hưởng đến hình ảnh công tác XKLĐ trong thời gian qua.

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Công tác truyền thông với lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng” mới diễn ra gần đây.

Bên cạnh nhiều doanh nghiệp có trách nhiệm với người lao động vẫn còn một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động làm ăn “bát nháo”

Cảnh báo lừa lao động đi làm việc tại Nhật Bản

Mạnh tay với doanh nghiệp yếu kém

Nâng hiệu quả xuất khẩu lao động

Nhiều doanh nghiệp hoạt động “bát nháo”

Hiện nay, cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp XKLĐ có giấy phép đang hoạt động, nhiều doanh nghiệp XKLĐ hoạt động hiệu quả và có trách nhiệm, đạo đức trong việc tuyển chọn đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp XKLĐ còn nỗ lực tìm kiếm và mở rộng thị trường lao động tại các nước để đưa người lao động động đi làm việc có thời hạn, với nhiều ngành nghề phù hợp và mức thu nhập cao, ổn định. Điển hình như: Công ty Esuhai, Công ty TNHH Dịch vụ quốc tế Sài Gòn, Công ty Hiteco, Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực LOD,… đã đầu tư hệ thống cơ sở vật chất với trị giá hàng triệu USD để phục vụ công tác XKLĐ. Nhờ đó, XKLĐ đã đóng góp quan trọng trong công tác giải quyết việc làm hàng năm, bình quân khoảng 130.000 - 135.000 người lao động, đạt tỷ lệ 10% trong công tác giải quyết việc làm của cả nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, vẫn còn một số doanh nghiệp XKLĐ làm ăn chưa hiệu quả, không trung thực, gây ảnh hưởng đến hình ảnh công tác XKLĐ trong thời gian qua.

Bà Dương Thị Thu Cúc - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ quốc tế Sài Gòn - cho biết: Thực tế hiện nay có tình trạng bát nháo của không ít doanh nghiệp XKLĐ. Nhiều doanh nghiệp không trung thực, thiếu trách nhiệm với người lao động, cố tình cung cấp thông tin sai, “đem con bỏ chợ”. Những chi nhánh, công ty XKLĐ trái phép, công ty “cò” thành lập tràn lan, đăng tải thông tin tuyển dụng XKLĐ trên Intenet lừa gạt người lao động rồi bỏ trốn, làm không ít người lao động lao đao, khốn đốn, rơi vào cảnh nợ nần, đặc biệt là người lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi, người dân tốc thiểu số.

Một thực trạng nữa cũng được bà Cúc chỉ ra, đó là người lao động bỏ trốn vẫn còn nhiều khi ra nước ngoài làm việc. Nguyên nhân của tình trạng này theo bà Cúc, do doanh nghiệp thu phí của người lao động cao nên khi đi xuất khẩu không đủ để trả nợ; công tác đào tạo người lao động còn chưa đến nơi đến chốn, dẫn đến mâu thuẫn giữa doanh nghiệp với người lao động…

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Doãn Mậu Diệp - cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp XKLĐ không hề mong muốn xảy ra bất kỳ một sự cố nào trong đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, thị trường lao động luôn có đặc thù mà khó có thể tránh khỏi những sự cố, rủi ro. Vẫn có tình trạng người lao động bị ngược đãi, ốm đau, thậm chí tử vong.

Tăng cường phối hợp báo chí với doanh nghiệp XKLĐ

Để hạn chế, tránh tổn thất cho người lao động và bảo vệ uy tín cho các công ty XKLĐ hoạt động nghiêm túc, “rất cần sự hỗ trợ truyền thông từ các cơ quan báo chí để thông tin đến người lao động một cách rõ ràng, chính xác và cụ thể về các doanh nghiệp XKLĐ được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động về XKLĐ. Đồng thời, công khai các ngành nghề tuyển dụng, các điều kiện hợp đồng, các mức phí của từng thị trường cho người lao động biết” - bà Cúc kiến nghị.

Đồng tình với ý kiến truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc thông tin tuyên truyền và định hướng hoạt động đưa người lao động đi làm việc nước ngoài, ông Nguyễn Xuân Lanh- Công ty Esuhai - cũng đề xuất 5 ý kiến liên quan đến công tác truyền thông cũng như phối kết hợp giữa các cơ quan báo chí và doanh nghiệp trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể như: Báo chí cần đóng vai trò tư vấn cho người lao động và doanh nghiệp; định hướng thông tin tích cực; dành nhiều sự quan tâm và đưa tin hơn cho hoạt động XKLĐ.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp: Các doanh nghiệp cần phối hợp và định kỳ 6 tháng một lần cung cấp thông tin về XKLĐ cho các cơ quan báo chí để tuyên tuyền chính xác và hiệu quả đến người lao động.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/van-con-nhieu-doanh-nghiep-xuat-khau-lao-dong-bat-nhao-108640.html