Vẫn còn lao động nhận lương thấp hơn lương tối thiểu vùng

Theo kết quả khảo sát mới nhất của Tổng LĐLĐ Việt Nam về lao động, tiền lương, thu nhập của người lao động (NLĐ) làm việc trong các doanh nghiệp, tiền lương cơ bản hàng tháng của NLĐ, trong trường hợp làm đủ giờ công, ngày công, NLĐ nhận được trung bình là 4,67 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn một bộ phận NLĐ nhận lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Thông tin về kết quả khảo sát, PGS.TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết: Qua khảo sát từ 3.008 phiếu hỏi đối với NLĐ tại 25 tỉnh, thành phố, ngành trung ương có đông lao động công nghiệp, dịch vụ, đại diện cho các loại hình doanh nghiệp và vùng lương cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đã xây dựng thang, bảng lương.

Theo khảo sát, tiền lương cơ bản trung bình của NLĐ sản xuất trực tiếp là 4,23 triệu đồng/tháng.

Theo khảo sát, tiền lương cơ bản trung bình của NLĐ sản xuất trực tiếp là 4,23 triệu đồng/tháng.

Cụ thể, có 90% NLĐ được hỏi cho biết doanh nghiệp nơi họ làm việc đã có thang, bảng lương, trong đó doanh nghiệp Nhà nước là 92,1%; doanh nghiệp dân doanh là 90,6% và doanh nghiệp FDI là 88,0%. Bên cạnh đó cũng có 4,8% trả lời “chưa có” và 5,3% trả lời “không biết”.

Về hình thức, quy chế trả lương, kết quả khảo sát cho thấy, có 61% NLĐ được trả lương theo thời gian, trong đó NLĐ làm việc gián tiếp, nhân viên văn phòng có tỷ lệ cao nhất là 82,1%; lao động trong các doanh nghiệp FDI là 79,8%; doanh nghiệp dân doanh là 51,0%; doanh nghiệp nhà nước là 49,7%.

Khi tìm hiểu những về thái độ của NLĐ, những khó khăn, bức xúc liên quan đến tình hình việc làm, tiền lương và thu nhập tại doanh nghiệp, kết quả khảo sát cho thấy: 25,7% LĐ bức xúc vì lương thấp, không có thêm các khoản phụ cấp; làm thêm giờ, tăng ca nhiều: 5,3%; định mức lao động (mức khoán) cao: 4,9%; trả lương không đúng với sức lao động bỏ ra: 7%; trả lương không công khai, minh bạch: 1,8% và không thực hiện nâng lương định kỳ: 6,1%.

Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, NLĐ vẫn còn bức xúc, nhất là tỷ lệ NLĐ cho rằng mức tiền lương còn thấp và không có, hoặc có ít các khoản phụ cấp để nâng cao thu nhập bảo đảm cuộc sống. Các nội dung khác, tuy tỷ lệ có bức xúc không cao, nhưng cũng thể hiện sự không hài lòng của NLĐ với các nội dung liên quan.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng tranh chấp lao động và đình công vẫn còn xảy ra. Theo số liệu của Tổng LĐLĐ Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có 131 cuộc đình công, trong đó các doanh nghiệp FDI là 103 cuộc, chiếm 78,6%; ngành dệt may 48 cuộc, chiếm 36,6%; giày da có 27 cuộc, chiếm 20,6%; điện tử 20 cuộc, chiếm 15,3%.

Có 31,4% NLĐ được trả lương theo sản phẩm, có 7,6% NLĐ được trả lương theo hình thức hỗn hợp. Về thời hạn nâng lương, ngoài việc điều chỉnh mức lương tối thiểu thì các doanh nghiệp cũng đã thực hiện nâng lương định kỳ theo thang, bảng lương cho NLĐ.

Theo phân tích của PGS.TS Vũ Quang Thọ, hoạt động này được thực hiện tốt hơn ở các doanh nghiệp Nhà nước, song thời hạn nâng lương lại dài hơn các loại hình khác, thường là 2-3 năm/lần theo nền nếp trước đây. Các doanh nghiệp FDI và dân doanh thường nâng lương theo mức độ hoàn thành công việc, xếp loại hàng năm, thời hạn xét nâng lương cũng ngắn hơn, mức tăng trung bình 5%/bậc.

Cụ thể, có 94,4% NLĐ cho biết doanh nghiệp có nâng lương định kỳ cho NLĐ, trong đó tỷ lệ này ở doanh nghiệp Nhà nước là 98,4%; doanh nghiệp dân doanh là 97,6%; doanh nghiệp FDI là 88,7%. Thời hạn nâng lương 1 năm/lần, chiếm 48,6%; nâng 2 năm/lần, chiếm 18,4%; thời hạn 3 năm/lần là 29,5%.

Về tiền lương cơ bản hàng tháng của NLĐ, trong trường hợp làm đủ giờ công, ngày công, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, NLĐ nhận được trung bình là 4,67 triệu đồng, tăng 4,24% so với kết quả khảo sát năm 2017.

Theo thống kê từ các doanh nghiệp khảo sát, tiền lương cơ bản trung bình của NLĐ sản xuất trực tiếp là 4,23 triệu đồng/tháng (Vùng I là 4,76 triệu đồng; vùng II là 4,57 triệu đồng; vùng III là 4,14 triệu đồng; vùng IV là 3,32 triệu đồng); lao động gián tiếp, văn phòng là 6,52 triệu đồng/tháng; cán bộ quản lý người Việt Nam là 9,5 triệu đồng. Lao động và quản lý người nước ngoài là 30,3 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, đáng lưu ý là vẫn còn một bộ phận NLĐ nhận được mức lương cơ bản thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể, tỷ lệ này ở vùng I là 2,35%; vùng II là 10,87%; vùng III là 3,34% và vùng IV là 4,45%.

Qua tổng hợp báo cáo từ các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết có khoảng 90% số doanh nghiệp đã điều chỉnh, với 88,4% NLĐ được điều chỉnh lương tối thiểu, mức phổ biến trung bình là 208 nghìn đồng; mức trung bình cao nhất là 343 nghìn đồng; mức trung bình thấp nhất là 124 nghìn đồng.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh lương tối thiểu ở các loại hình doanh nghiệp cũng khác nhau. Nhiều doanh nghiệp điều chỉnh cho tất cả NLĐ; một số doanh nghiệp chỉ điều chỉnh cho bộ phận thấp hơn lương tối thiểu, chỉ để đóng bảo hiểm mà không điều chỉnh đơn giá sản phẩm nên tiền lương thực tế không tăng.

Các doanh nghiệp FDI thường điều chỉnh tăng đồng đều cho tất cả NLĐ sản xuất trực tiếp, mức tuyệt đối tương đương nhau, phổ biến từ 180-230 nghìn đồng/người; các doanh nghiệp dân doanh chủ yếu thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu ở những nơi có số lượng lao động tương đối lớn, nhiều doanh nghiệp chỉ điều chỉnh cho NLĐ có mức lương thấp hơn lương tối thiểu vùng và sắp xếp lại thang, bảng lương, còn các doanh nghiệp siêu nhỏ dưới 10 lao động ở khu vực này không được thống kê báo cáo và khó kiểm soát.

Thông tin thêm về mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2018, PGS.TS Vũ Quang Thọ cho biết, qua khảo sát, chỉ có 3,5% NLĐ tham gia khảo sát cho biết mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2018 là cao, 57,6% cho biết mức điều chỉnh là trung bình và có tới 39% NLĐ cho biết mức điều chỉnh còn thấp. Đặc biệt, có 5,2% NLĐ cho biết khi doanh nghiệp điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng thì họ bị cắt giảm một số khoản hỗ trợ.

Ngọc Lan

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/van-con-lao-dong-nhan-luong-thap-hon-luong-toi-thieu-vung-76725.html