Vẫn còn hạn chế cố hữu trong đấu thầu

Tỷ lệ giảm thầu quá thấp và những ách tắc trong triển khai đấu thầu điện tử là những hạn chế khi thực hiện mục tiêu cạnh tranh, công bằng minh bạch trong đấu thầu.

Hạn chế cố hữu

Nổi bật trong các báo cáo thường niên của các địa phương là sự hạn chế tỷ lệ giảm thầu. Theo đó, tỷ lệ giảm thầu ở một số địa phương rất thấp, thậm chí tại nhiều gói thầu, tỷ lệ giảm chỉ ở mức “gọi là có”. Cần phải nhấn mạnh rằng, hầu hết các cuộc thầu hiện này đều được tổ chức theo quy trình rất chặt chẽ, song mục tiêu tiết kiệm ngân sách thông qua đấu thầu để nâng cao hiệu quả kinh tế của đồng vốn đang khiến các nhà làm kế hoạch chạnh lòng.

Triển khai đấu thầu qua mạng tiếp tục là trở ngại đối với nhiều địa phương

Báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu của tỉnh Bình Dương cho thấy, năm 2017, địa phương này phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho 1.403 gói thầu, với giá trị hơn 5.758 tỷ đồng, tổng trị giá trúng thầu là 5.453 tỷ đồng. Như vậy, tại Bình Dương, tỷ lệ giảm thầu chỉ là 5,3%. Đáng chú ý, trong 3 gói thầu được thực hiện bằng hình thức đầu thầu qua mạng, nhưng tỷ lệ giảm thầu tương đương 1,8%. Năm qua, theo ghi nhận của cơ quan hữu trách, tỷ lệ giảm thầu của tỉnh Bình Dương giảm so với năm trước và đây là điều bất ngờ, bởi theo đánh giá chung, các quy định, quy chế và phương pháp tổ chức của công tác đấu thầu tại địa phương này đã được nâng cao rõ rệt.

Một ví dụ khác. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, năm 2017, Hà Nội thực hiện lựa chọn nhà thầu cho 7.734 gói, với tổng giá trị gói thầu là 24.989 tỷ đồng, tổng giá trị trúng thầu 24.063 tỷ đồng tiết giảm được hơn 926 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ giảm thầu khoảng 3,7% .

Tỷ lệ giảm thầu ở mức khiêm tốn không chỉ diễn ra ở các tỉnh, thành phố lớn, mà còn xảy ra tại các tỉnh nhỏ như Lai Châu. Tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu của địa phương này thấp so với mặt bằng chung cả nước. Năm qua, tỉnh Lai Châu thực hiện lựa chọn nhà thầu cho 1.708 gói thầu, trong đó 1.395 gói thầu lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu, với tổng giá gói thầu là 446,3 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 439,3 tỷ đồng. Tính chung tỷ lệ giảm thầu chỉ khoảng 1%. Tại Bình Phước, tình hình cũng tương tự, khi tại địa phương này, tỷ lệ giảm giá, tiết kiệm trong đấu thầu năm 2017 trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 1,2%.

Nhìn vào con số tỷ lệ giảm thầu siêu thấp như đã nói ở trên, nhiều nhà thầu bày tỏ ý kiến với phóng viên Báo Đầu tư rằng, phải đặt nghi vấn tính cạnh tranh trong các cuộc thầu, dù phần lớn các gói thầu được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Một nhà thầu lĩnh vực xây lắp ở TP.HCM cho biết mô - típ chỉ có một nhà thầu độc diễn trong vòng tài chính làm tính cạnh tranh giảm mạnh và khiến mục tiêu tiết giảm giá gói thầu khó đạt như kỳ vọng. Theo nhà thầu này, thêm một nguyên nhân nữa là việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu cũng khiến tỷ lệ giảm thầu thêm thấp. Minh chứng cho nhận định của mình, nhà thầu này dẫn chứng rằng, năm 2017, tại TP.HCM có tới trên 60% gói thầu mua sắm sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên tại địa phương này được thực hiện chỉ định thầu. Các gói thầu dạng này có tỷ lệ giảm thầu khoảng 6,4%, tỷ lệ này thấp so với một số hình thức lựa chọn nhà thầu khác.

Lúng túng đấu thầu qua mạng

Tại Hội nghị tổng kết công tác đầu tư công của tỉnh Bình Dương diễn ra mới đây, một hạn chế trong công tác đấu thầu được lãnh đạo địa phương này chấn chỉnh là, tỷ lệ các gói thầu thực hiện theo hình thức đấu thầu qua mạng còn thấp.

Nhiều chủ đầu tư còn khá lúng túng, không biết triển khai thế nào để đạt mục tiêu lựa chọn qua mạng. Hạn chế này ảnh hưởng không nhỏ tới công tác lựa chọn nhà thầu và tiến độ giải ngân đầu tư công. Năm 2017, cả tỉnh Bình Dương chỉ có 3 gói thầu thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng, khiến việc thực hiện lộ trình theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT - BKH - BTC trở nên chông gai. Lãnh đạo Bình Dương kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hỗ trợ tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, các nhà thầu áp dụng lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia.

Với lộ trình thực hiện đấu thầu qua mạng tại TP.HCM, kết quả đạt được vẫn còn thấp. Cụ thể, năm 2017, TP.HCM có 53 gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng, chiếm 0,82% tổng số gói thầu. Nguyên nhân cũng được chỉ ra là “chưa nắm rõ quy trình lựa chọn nhà thầu qua mạng” nên các đơn vị vẫn ưu tiên tổ chức lựa chọn nhà thầu theo cách thông thường. Để cải thiện tình hình, năm 2018, TP.HCM sẽ ban hành Kế hoạch triển khai đấu thầu qua mạng, giao chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị, tăng cường các biện pháp nâng cao nhận thức của chủ thể và có chế tài đối với các tổ chức, cá nhân không đạt chỉ tiêu.

Đấu thầu qua mạng còn chưa phổ biến cũng là hạn chế trong đấu thầu của TP. Hà Nội. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, hầu hết các chủ đầu tư trên địa bàn Thủ đô chưa thực hiện đấu thầu qua mạng. Nguyên nhân vì đấu thầu qua mạng là vấn đề mới, kết cấu hạ tầng và kiến thức, kỹ năng về áp dụng công nghệ thông tin của các chủ đầu tư, bên mời thầu và đặc biệt là các nhà thầu còn hạn chế.

Có lẽ không cần phải bàn cãi thêm về những lợi ích của hình thức đấu thầu qua mạng, nhưng vì sao việc tiết kiệm về thời gian, chi phí và góp phần giảm thiểu tiêu cực trong đấu thầu, giúp nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch lại trở nên khó thực hiện đến vậy? Theo chuyên gia đấu thầu Phạm Đại Hải, nếu loại trừ các yếu tố từ ý thức chủ quan của những người vẫn cố níu kéo cái cũ để “kiếm chác”, để các địa phương có thể thực hiện tốt lộ trình đầu thầu qua mạng, hạ tầng thông tin, đơn giản hóa quy trình thực hiện sẽ là điều kiện tiên quyết. Hơn thế, ông Hải còn cho rằng, minh bạch hóa quá trình đấu thầu để gia tăng sự giám sát của cả xã hội đối với quá trình này là điều kiện tối quan trọng.

Ngọc Tuấn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/van-con-han-che-co-huu-trong-dau-thau-d78945.html