Vẫn còn đường lui

Những diễn biến căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Mỹ và Iran đang khiến mùi thuốc súng ở Trung Đông trở nên rõ ràng hơn. Liệu có còn đường lui cho cả hai, trong bối cảnh các phương tiện chiến tranh được Mỹ điều tới vùng Vịnh và Iran đang tỏ ra cạn dần sự kiên nhẫn?

Trong lịch sử đối đầu xung quanh vấn đề hạt nhân giữa Mỹ và Iran đã xảy ra không ít thời điểm tăng nhiệt kiểu này và thường kết thúc cao trào giữa hai bên vẫn là trên bàn đàm phán. Trong thời điểm hiện nay, ngay cả khi tàu sân bay USS Abraham Lincoln cùng các tàu chiến hộ tống, tàu đổ bộ, máy bay ném bom chiến lược và tổ hợp tên lửa phòng không Patriot-những công cụ chiến tranh hùng hậu của Mỹ-triển khai tới vùng Vịnh, cũng không có nghĩa là chiến tranh xảy ra đến nơi. Người ta không còn xa lạ với chiến lược điều binh bố trận nhằm gây sức ép kiểu này của Washington trong các cuộc đối đầu nói chung giữa Mỹ và đối phương, không riêng gì với Nhà nước Hồi giáo Iran.

Các động thái quân sự hiện nay của Mỹ là bước leo thang mới trong chiến lược gây sức ép tối đa với Iran, hòng buộc nước này trở lại bàn đàm phán về chương trình hạt nhân gây nghi ngại của Tehran. Ngay trước đó, Washington đã tung đòn trừng phạt kinh tế nhắm thẳng vào ngành dầu mỏ-động mạch chủ của nền kinh tế Iran.

Dường như điều khiến người ta lo ngại hơn là những tin tức cho biết, Mỹ đã bắt đầu chặn các tàu chở dầu của Iran ở vùng Vịnh-động thái cực đoan dễ khiến Iran mất bình tĩnh và làm gia tăng khả năng va chạm trên biển giữa hai bên. Súng đạn vô tình cùng những “cái đầu nóng”, khó có thể biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu tình hình không được kiểm soát.

Nhưng trên thực tế, cả Mỹ và Iran đều hiểu quá rõ mình muốn gì và phải làm gì trong cuộc đối đấu bất phân thắng bại suốt thời gian qua. Những cuộc đấu khẩu giữa hai bên cho dù có mùi thuốc súng cũng chưa đủ để làm bùng phát một cuộc chiến như người ta lo ngại. Những hành động gây sức ép bằng kinh tế của Mỹ đối với Iran tưởng chừng khó vượt qua cũng chưa bao giờ kết thúc bằng súng đạn. Mỹ và Iran đều không muốn bị đẩy vào cuộc chiến mà cả hai sẽ phải gánh chịu hậu quả thảm khốc.

Xét về mặt lợi ích của cả hai phía, chiến tranh dường như ít có khả năng xảy ra. Với Tổng thống Mỹ Donald Trump, vẫn còn đó lời hứa với cử tri sẽ đưa binh sĩ Mỹ từ những nơi hòn tên mũi đạn như Trung Đông trở về nước. Trong khi đồng minh số 1 của Mỹ ở Trung Đông mà Washington luôn bảo vệ tới cùng là Israel, nhiều khả năng khó tránh được đòn trả đũa từ Nhà nước Hồi giáo nếu Mỹ tấn công Iran. Chính Nhà nước Do Thái đã lường trước được hậu quả với việc lên tiếng về nguy cơ những quả tên lửa sẽ bay thẳng sang lãnh thổ Israel từ phía Iran nếu xung đột Mỹ-Iran thành hiện thực.

Về phần Iran, một cuộc đối đầu với đối phương mạnh hơn như Mỹ sẽ không bao giờ là lựa chọn khả dĩ, nhất là khi nền kinh tế nước này đang trong tình trạng khó khăn do các lệnh cấm vận. Bằng kinh nghiệm bao năm đối phó với các lệnh trừng phạt và hành động gây sức ép của Mỹ, Iran dường như luôn chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống căng thẳng leo thang. Nhà nước Hồi giáo cũng luôn biết cách kiềm chế và kiểm soát để tránh làm bùng nổ xung đột với Washington.

Diễn biến căng thẳng mới nhất về bản chất không có gì thay đổi nhiều so với những lần mâu thuẫn bùng nổ trước đó. Bất đồng cốt lõi vẫn là Washington muốn ép Iran nhượng bộ hơn nữa trong vấn đề hạt nhân, cụ thể là từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân mà nước này đang theo đuổi. Nhưng lần này dường như sự việc đang bị đẩy đi quá xa khi Mỹ cho thấy, bằng mọi cách ép Iran trở lại bàn đàm phán, nhằm đạt một thỏa thuận mới thay thế thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 (JCPOA) mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đơn phương rời bỏ.

Sau một thời gian nỗ lực đối phó với các lệnh trừng phạt bổ sung của Mỹ, Iran đã có các phản ứng cứng rắn đầu tiên cho thấy, sẽ tìm mọi cách để hạn chế tối thiểu các thiệt hại. Nhà nước Hồi giáo vừa tuyên bố chính thức tạm ngừng thực hiện một số điều khoản trong JCPOA, đồng thời ra “tối hậu thư” cho các nước còn lại của nhóm P5+1 trong vòng 60 ngày phải đàm phán với Iran để tìm ra giải pháp giúp Tehran bảo vệ quyền lợi liên quan tới lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng. Nếu không, Iran có thể dừng tuân thủ JCPOA, tiến hành làm giàu uranium tới một mức độ nhất định và khôi phục lò phản ứng hạt nhân vốn bị đóng cửa ở Arak.

Nguy cơ JCPOA bị phá bỏ bởi Iran ngày càng rõ hơn bởi việc chống lại lệnh trừng phạt nghiêm khắc và bài bản của Mỹ không phải là điều dễ làm đối với các nước còn lại trong P5+1 là Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga và Đức. Hành động gây sức ép lên các nước này của Iran phần nào cho thấy chiến lược gây sức ép tối đa của Tổng thống Donald Trump đang phát huy tác dụng. Sản lượng dầu xuất khẩu của Iran trong 3 tháng đầu năm 2019 đã giảm sút rõ rệt bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, việc Iran có chấp nhận đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận mới trong bối cảnh hiện nay hay không còn phải xem xét. Điều người ta lo ngại nhất lúc này chính là nếu tình hình không được kiểm soát sẽ tạo cớ để các nhân vật cứng rắn ở cả hai nước thúc đẩy các hành động có thể kích động chiến tranh. Những người theo đường lối cứng rắn ở Iran luôn muốn Nhà nước Hồi giáo tái khởi động chương trình hạt nhân như một biện pháp răn đe đối thủ. Và có lẽ đây chính là điều mà các nhân vật “diều hâu” ở Mỹ mong muốn để có cớ tấn công quân sự Iran và loại bỏ chế độ ở quốc gia Hồi giáo từ lâu đã như cái gai trong mắt Washington. Bài học cuộc chiến ở Iraq năm 2003 vẫn còn đó, cho dù hoàn cảnh hiện nay sẽ không cho phép chính quyền Washington phát động một cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo dưới cái cớ ngăn chặn nước này sản xuất vũ khí hạt nhân.

Nhưng những hệ lụy của bất đồng Mỹ và Iran mới là điều đáng lo ngại. Trong đó bao gồm nguy cơ tạo ra một cuộc xung đột mở ở khu vực, với các hành động leo thang quân sự của Mỹ tại đây cùng các hành động lôi kéo đồng minh nhằm cô lập Iran. Ở chiều ngược lại, các lực lượng được cho là ủy nhiệm của Iran tại đây cũng sẵn sàng cho các cuộc tấn công có mục tiêu gây tổn hại cho các đồng minh của Mỹ ở khu vực như Arab Saudi hay Israel.

Hy vọng những hành động đẩy căng thẳng lên tới đỉnh điểm của cả hai phía như những lần trước đây là để cuối cùng ngồi vào bàn đàm phán, trước khi chiến tranh trở thành điều không thể tránh khỏi.

MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/van-con-duong-lui-574276