Vẫn còn chênh lệch về chất lượng khám, chữa bệnh giữa các vùng

Ước tính cả nước hiện còn khoảng 35% số trạm y tế xã cần được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, trong đó vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm tỷ lệ tới 31%. Nguồn nhân lực hiện cũng chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng để có thể triển khai có chất lượng các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, cũng như công tác phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.

Đại biểu Dương Xuân Hòa, đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn.

Đại biểu Dương Xuân Hòa, đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn.

Đây là những chia sẻ tâm huyết của đại biểu Dương Xuân Hòa, đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tại Quốc hội trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội những ngày qua. Theo đại biểu, với vai trò là cơ sở nền tảng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, Đảng, Nhà nước thường xuyên chăm lo, củng cố, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về công tác y tế cơ sở nên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước đi đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân.

Đến nay, đã có 53/63 tỉnh, thành phố đã sắp xếp lại các cơ sở y tế dự phòng tuyến tỉnh thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Có 555/713 huyện đã hợp nhất Trung tâm y tế và Bệnh viện huyện thành Trung tâm Y tế đa chức năng, trực tiếp quản lý trạm y tế xã, góp phần tinh gọn đầu mối, giảm số lượng người làm việc ở các bộ phận quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động ở đơn vị.

Việc xây dựng và thực hiện mô hình 26 trạm y tế xã điểm theo nguyên lý y học gia đình đang triển khai nhân rộng trên toàn quốc. Phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình ở những nơi có điều kiện tốt. Rất nhiều trạm y tế cơ sở đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, theo dõi, quản lý và điều trị một số bệnh không lây nhiễm và công tác lập hồ sơ sức khỏe cá nhân.

Ngành y tế cũng thực hiện nhiều giải pháp phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong dự phòng và khám chữa bệnh cho nhân dân. Công tác phòng, chống dịch bệnh được kiểm soát, không để bùng phát, lan rộng; triển khai đồng bộ hệ thống quản lý tiêm chủng tới tất cả các điểm tiêm chủng; tăng cường quản lý môi trường y tế, vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích, y tế học đường…

Tuy nhiên, theo Báo cáo thẩm tra số 1646 ngày 18-10-2019 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, vẫn có sự chênh lệch lớn về chất lượng khám chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng. Mạng lưới y tế cơ sở tuy rộng khắp nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao. Tình trạng quá tải tuyến trên vẫn là vướng mắc lớn của ngành y tế trong nhiều năm.

Theo đại biểu Dương Xuân Hòa, so với yêu cầu nhiệm vụ thì hoạt động của tuyến y tế cơ sở vẫn còn khó khăn. Đại biểu này dẫn chứng, “Về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, ước tính cả nước hiện còn khoảng 35% số trạm y tế xã cần được đầu tư, chủ yếu là vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm tỷ lệ khoảng 31%. Nhiều xã chưa có trạm y tế phải đi mượn cơ sở khác hoặc xã có trạm nhưng bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh được trang bị từ nhiều nguồn, nhiều thời điểm khác nhau nên thiếu tính đồng bộ, tương thích”, đại biểu Hòa nói.

Đại biểu này cũng chỉ ra thực tế, chất lượng nguồn nhân lực trong ngành y tế còn có mặt hạn chế. Các bác sĩ có trình độ, năng lực chuyên môn chưa thực sự yên tâm làm việc tại tuyến y tế cơ sở mà muốn làm việc ở tuyến trên. Đội ngũ cộng tác viên y tế thôn bản còn có mặt hạn chế, chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao, người dân chưa thực sự tin tưởng về chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu tại tuyến y tế cơ sở, chưa bảo đảm tính sẵn có và tính tiếp cận, các thuốc thiết yếu phục vụ tại tuyến cơ sở.

Công tác theo dõi, quản lý, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, người khuyết tật còn có mặt thực hiện chưa tốt. Mặt khác, số người được cấp thẻ bảo hiểm y tế ở các xã tuy đạt tỷ lệ cao nhưng số người khám, chữa bệnh mức độ thụ hưởng các dịch vụ, mức chi trả bình quân trên thẻ bảo hiểm y tế đạt thấp. Cơ chế hoạt động chưa tạo được động lực để trạm y tế xã phát triển, phát huy nội lực và tính chủ động để thực hiện vai trò khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Do đó, ông Hòa cho rằng, cần phải nghiên cứu bổ sung để hoàn thiện hành lang pháp lý về y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, nhằm bảo đảm thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ như trong Báo cáo số 481 ngày 13-10-2019 của Chính phủ đã đề ra, đó là đáp ứng các dịch vụ y tế cơ bản của người dân ngay tại nơi cư trú, góp phần khắc phục cơ bản tình trạng quá tải của bệnh viện tuyến trên. Bên cạnh đó, cần xem xét, đổi mới cơ chế tài chính cho y tế cơ sở để bảo đảm đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, có chính sách thu hút, tăng cường năng lực toàn diện cho tuyến y tế cơ sở.

Việc truyền thông, giáo dục sức khỏe cần được tăng cường để người dân có kiến thức, kỹ năng về y tế dự phòng, dân số, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm thay đổi hành vi thực hiện lối sống lành mạnh cũng như khuyến khích người dân tin tưởng và sử dụng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, tăng cường công tác y tế dự phòng, có giải pháp cụ thể, quan tâm chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, người khuyết tật.

THIÊN LAM - Ảnh: DUY LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/y-te/tieu-diem/item/42137202-van-con-chenh-lech-ve-chat-luong-kham-chua-benh-giua-cac-vung.html