Vẫn có dư địa để giảm lãi suất trong quý II.2023

Đây là ý kiến được nêu ra tại Tọa đàm Tác động môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng năm 2023, do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cùng Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) Việt Nam tổ chức sáng 11.5, tại Hà Nội.

Quang cảnh tọa đàm

Quang cảnh tọa đàm

Phát biểu Khai mạc Tọa đàm, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội PGS. TS. Nguyễn Anh Thu đưa ra đánh giá, lãi suất là vấn đề rất lớn, có tác động sâu sắc tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, cũng như sự hoạch định chính sách trong thời gian tới. Kể từ năm 2021, cùng sự phục hồi của của các nền kinh tế lớn sau đại dịch Covid-19, lạm phát vẫn tăng cao ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, ở Việt Nam đã lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tốc độ tăng chỉ số tiêu dùng CPI của Việt Nam năm 2022 đạt 3,15% và đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là dưới 4%. Có được kết quả như vậy là do Việt Nam đã áp dụng và điều chỉnh các chính sách một cách linh hoạt và phù hợp để chủ động đối phó với những rủi ro lạm phát và những yếu tố rủi ro nội tại và rủi ro từ bên ngoài.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội PGS. TS. Nguyễn Anh Thu phát biểu tại tọa đàm

Phân tích về ảnh hưởng của lãi suất tới ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế, PGS. TS. Nguyễn Anh Thu cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, với mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% năm 2023 và dựa trên chỉ số lạm phát ở quý I năm 2023, với mức CPI bình quân tăng 4,18%, lạm phát cơ bản tăng 5,01% so với cùng kỳ năm trước, lãi suất vẫn là công cụ chủ yếu để kiểm soát lạm phát và việc tăng lãi suất điều hành sẽ giúp giảm bớt áp lực can thiệp vào thị trường ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên lãi suất tăng cao cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và các chỉ số phát triển doanh nghiệp, cũng như các chỉ số sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam trong năm 2023. Đặc biệt là trước bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, trong đó, có việc Fed điều chỉnh tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp vào ngày 3.5… Đây là những yếu tố quan trọng mà chúng ta cần quan tâm nhằm bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội đặt ra trong năm 2023.

Nhận định về tình hình kinh tế, Trưởng đại diện Văn phòng KAS tại Việt Nam Florian Feyerabend cho biết, sau đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới đã có sự phục hồi vao quý I năm 2022. Và ở Việt Nam, trong quý I đã có sự phục hồi mạnh mẽ, với 2,7 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tăng gấp 30 lần cùng kỳ năm 2022 và đạt 1/3 mục tiêu đề ra cho năm 2023. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam vì quý I năm 2023 kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng được khoảng 3.3%, sản lượng công nghiệp và xuất khẩu cũng đã giảm.

Trưởng đại diện Văn phòng KAS tại Việt Nam Florian Feyerabend

“Mặc dù, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để có những hướng đi, giải pháp giải quyết những nút thắt của nền kinh tế để thúc đẩy giải ngân và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên lãi suất cao vẫn là một hạn chế lớn cho các hoạt động kinh doanh và phát triển kinh tế. Lãi suất cao sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế - động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Do đó, cần có những giải pháp cụ thể để thúc đẩy nền kinh tế phát triển…”, Trưởng đại diện Văn phòng KAS tại Việt Nam Florian Feyerabend nói.

Đánh giá về môi trường lãi suất cao tác động tới kinh tế vĩ mô năm 2023, các chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất bắt đầu tăng từ tháng 7.2022 và đến tháng 2.2023 lãi suất vẫn tiếp tục được neo ở mức cao. Mức lãi suất cho vay bình quân khoảng 9 - 10,7% đã làm xói mòn năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt. Tính riêng năm 2022, chi phí lãi vay các doanh nghiệp và người dân Việt Nam phải chịu ít nhất là 1.135.091 tỷ đồng tương đương với 12% GDP cả nước…

Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV TS. Cấn Văn Lực đua ra dự báo, năm 2023 lạm phát của Việt Nam sẽ tăng cao hơn năm 2022. Chúng ta còn dư địa để giảm lãi suất, áp lực về tỷ giá thế giới đã giảm, thanh khoản ngân hàng của Việt Nam đã tốt hơn so với quý IV năm 2023, tín dụng tăng chậm… Nếu giải ngân đầu tư công tăng lên và giảm được nợ đọng vốn của doanh nghiệp, tiếp tục giải quyết tốt sự ách tắc, cải thiện được môi trường kinh doanh thì nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt.

Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại tọa đàm

“Lãi suất của Việt Nam năm 2023 còn cao vì trong năm 2022 nguồn cung tiền còn thấp, nhiều tín tổ chức dụng còn yếu kém do đó lãi suất còn cao… Tuy nhiên, nếu dung hòa được chính sách, chúng ta vẫn có dư địa để giảm lãi suất ngay trong quý II năm 2023…”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Đức Hiệp

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tai-chinh-doanh-nghiep/van-co-du-dia-de-giam-lai-suat-trong-quy-ii-2023-i327661/