'Ván cờ' dài hơi của ông Putin

Bất đồng giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraina có thể trở thành một vấn đề ngoại giao nan giải và nhiều rủi ro.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại buổi họp báo chung ở Moscow, sau cuộc hội đàm hôm 7/2. Ảnh: Thời báo New York

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại buổi họp báo chung ở Moscow, sau cuộc hội đàm hôm 7/2. Ảnh: Thời báo New York

'Cuộc chiến bất tận'

Theo tờ Thời báo New York dẫn lời các nhà phân tích, binh sĩ Nga đang tập trung gần biên giới với Ukraina với số lượng lớn. “Tôi cho rằng cuộc khủng hoảng này sẽ còn tiếp diễn dưới nhiều hình thức, ít nhất trong cả năm 2022”, Andrei Sushentsov, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế tại Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow (Nga) nói.

Theo ông Sushentsov, những bế tắc ở thời điểm hiện tại chỉ là bước đầu trong nỗ lực của Nga nhằm buộc phương Tây chấp nhận một cấu trúc an ninh mới cho Đông Âu. Đó là khởi đầu của một giai đoạn mới trong căng thẳng kéo dài nhiều năm giữa Nga và phương Tây, với rủi ro cao hơn.

Đã quá lâu rồi, người dân Tây Âu cho rằng một cuộc chiến mới trên lục địa này là điều bất khả thi. “Tình trạng hòa bình kéo dài quá lâu đã khiến nhiều người ‘sinh hư’. Họ cho rằng an ninh giống như một thứ có sẵn và miễn phí hơn là đạt được qua thương lượng. Đây là một sai lầm”, ông Sushentsov nhận định.

Đối với phương Tây, cách tiếp cận này có thể đồng nghĩa với việc họ sẽ bị cuốn vào một “cuộc chiến bất tận” - một dạng xung đột tiêu tốn ngày càng nhiều thời gian và tiền bạc mà không có chiến lược thoái lui rõ ràng.

Sự tồn vong của nước Nga

Tuy nhiên, những yêu cầu của Nga khiến một số nhà phân tích không mấy lạc quan vào khả năng các bên đạt được một thỏa thuận tầm cỡ.

Theo nhà phân tích quân sự Nga Ruslan Pukhov, ngay cả khi phương Tây và Ukraina có “xuống nước” trong những tuần tới để ngăn chặn một cuộc xung đột vũ trang, họ sẽ khó có thể làm thỏa mãn Nga về lâu dài. Nguy cơ về một cuộc chiến mới vẫn có thể xuất hiện vào năm sau.

“Phương Tây không hiểu rằng đây là vấn đề sống còn đối với chúng tôi”, ông Pukhov, người đang điều hành Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ, một viện chính sách tư nhân ở Moscow, cho biết. "Từ quan điểm của tôi và của Nga, việc kết nạp Ukraina vào NATO sẽ tương đương một cuộc chiến tranh nguyên tử".

Xe bọc thép của Nga tại vùng Rostov vào cuối tháng 1. Ảnh: Reuters

Những ngày gần đây, Tổng thống Putin đã đưa ra lời cảnh báo rất rõ ràng về nguy cơ xảy ra chiến tranh nguyên tử vì vấn đề Ukraina, lần lượt trong các cuộc họp báo với Thủ tướng Hungary Viktor Orban vào tuần trước và với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 7/2.

Cả hai lần, ông Putin đều chỉ ra kịch bản trong đó Ukraina sau khi gia nhập NATO sẽ cố gắng tái chiếm Crưm, bán đảo được Nga sáp nhập năm 2014.

Dmitri Kiselyov, một trong những người dẫn chương trình hàng đầu của Nga, hôm 6/2 cũng cảnh báo những gì xảy ra tiếp theo (nếu NATO kết nạp Ukraina) sẽ là một cuộc chiến hạt nhân, kéo cả Nga và phương Tây vào một kết cục bi thảm.

Giới chức phương Tây từng nói khả năng Ukraina gia nhập NATO là điều khó xảy ra trong tương lai gần. Tuy nhiên, Điện Kremlin khẳng định dù chỉ tồn tại ở mức khả năng, đây vẫn là nguy cơ đối với sự tồn vong của nước Nga.

Dựa trên ảnh vệ tinh và video binh sĩ di chuyển được đăng trên mạng xã hội, các nhà nghiên cứu cho biết Nga đang triển khai quân lực và trang thiết bị chỉ cách biên giới với Ukraina có vài cây số.

Tuy nhiên, Điện Kremlin hôm 8/2 cho biết Nga sẽ rút hàng nghìn binh sĩ được điều động tới Belarus, nước láng giềng phía bắc của Ukraina, sau khi hai nước kết thúc tập trận chung vào ngày 20/2 tới.

Việt Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/van-co-dai-hoi-cua-ong-putin-814718.html