Văn chương Việt bao giờ ra 'biển lớn'?

Nhớ lại truyện ngắn 'Đời thừa' của Nam Cao có chi tiết cuốn sách 'Ðường về' của một đồng nghiệp văn sĩ Hộ được dịch ra tiếng Anh với tiền bản quyền khá cao.

Hộ sửng sốt không phải vì anh bạn văn sắp có món tiền ấm vào thân trong khi mình vẫn lo sợ “đứt bữa”, mà là cuốn sách theo đánh giá của Hộ chỉ có “giá trị địa phương” tầm thường lại sắp bước thế giới “biển lớn” văn chương.

Mong ước tác phẩm tinh túy của văn học dân tộc đi ra thế giới chưa bao giờ nguôi trong tâm trí giới cầm bút. Trừ tiểu thuyết là thể loại văn chương ít có thành tựu, còn thơ và truyện ngắn hiện đại Việt Nam dám chắc chẳng chịu thua bạn kém bè. Khổ nỗi tác phẩm văn học vẫn chưa thể “thông quan” khiến giới viết văn “lực bất tòng tâm” chỉ biết thở dài. Người viết văn ở đâu cũng thế, đều là những bậc thầy ngôn từ, bậc thầy kể chuyện chứ không phải là những chuyên gia đàm phán, tiếp thị tác phẩm. Thỉnh thoảng cũng có những tác phẩm văn chương Việt được “xuất khẩu” nhưng không theo con đường chính ngạch. Cứ vài năm lại có một hội nghị quảng bá văn học Việt Nam song dường như tính chất hội hè, giao lưu vui vẻ thì nhiều, công việc chính là giải quyết chuyện xuất ngoại cho tác phẩm văn chương lại không mấy hiệu quả. Cường quốc như nước Nga lên danh sách hàng trăm tác phẩm cổ điển và đương đại, tài trợ kinh phí cho hơn 40 quốc gia dịch thoải mái và tặng luôn sách. Thôi thì cách làm “đại gia” kể trên chúng ta không thể theo thì có thể học Indonesia khi chuẩn bị tham gia hội chợ sách quốc tế, liền có ngay dự án dịch một lúc hơn trăm tác phẩm văn học. Các nhà xuất bản lớn cứ thế mang về nghiền ngẫm, nếu thấy có giá trị, phù hợp có thể kinh doanh được sẽ liên hệ với tác giả để mua bản quyền. Phải chăng sự đầu tư, quảng bá tác phẩm văn học của chúng ta đang đi chệch hướng, cách làm không đúng trọng tâm, trọng điểm?

Đa phần các tác phẩm văn chương Việt Nam hiện nay đều đi theo con đường tiểu ngạch. “Số đỏ” (Vũ Trọng Phụng), “Cánh đồng bất tận” (Nguyễn Ngọc Tư), “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” (Nguyễn Nhật Ánh)… được các dịch giả, nhà nghiên cứu văn học nước ngoài yêu thích nên tự nguyện làm “đại sứ” quảng bá những tác phẩm đó của người Việt. Không chịu rơi vào tình cảnh "há miệng chờ sung" nên có một vài cây bút như nhà thơ Mai Văn Phấn kiên trì tự thân quảng bá tác phẩm của mình. Qua nhiều năm làm quen, được sự giúp đỡ của các dịch giả, thơ Mai Văn Phấn đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp. Nhờ những bản dịch chất lượng nên các tập thơ của nhà thơ đang sống ở Hải Phòng bán khá chạy trên các trang thương mại điện tử. Từ những ngôn ngữ mang tính toàn cầu, thơ Mai Văn Phấn tiếp tục được dịch sang tiếng Thụy Điển, Serbia, Thái Lan,… mang lại cho ông những giải thưởng văn học quốc tế như Cikada (Thụy Điển), giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoàng gia Cộng hòa Serbia.

Xu hướng hiện nay là nhà văn cần phải tự biết quảng bá, tiếp thị tác phẩm nhưng con đường này đầy khó khăn, không phải ai cũng đủ điều kiện và kiên trì theo đuổi để thành công. Cần đề ra chiến lược với sự quan tâm của các cơ quan chức năng, những tác phẩm được tuyển chọn đại diện cho văn học Việt Nam mới có cơ hội vươn ra thế giới. Việc này không phải chúng ta chưa từng làm, còn nhớ những năm 1960 với sự bảo trợ của Nhà nước, học giả Nguyễn Khắc Viện đã có bản dịch tiếng Pháp tài hoa đưa “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du tỏa sáng ra thế giới. Đúng là chuyện đưa văn chương xuất ngoại không thể đòi hỏi khẩn trương như chuyện xuất khẩu hàng hóa khác nhưng nếu làm sớm, có chất lượng sẽ góp phần làm tăng “sức mạnh mềm” của văn hóa nước nhà trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Còn nếu không có cách làm bài bản, ai thích thì làm, hoặc không có sự hỗ trợ cần thiết của Nhà nước, thì nhiều tác phẩm văn chương Việt dù hay đến mấy, có giá trị nội dung và nghệ thuật đến mấy, cũng đành phải "quẩn quanh" phát hành trong nội địa. Điều này thật đáng tiếc!

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/van-chuong-viet-bao-gio-ra-bien-lon-599348