Văn chương thời mở cửa

Nói thế để thấy văn chương thời mở cửa, vấn đề hàng 'xịn' và hàng giả là rất khó giải quyết. Nếu lịch sử của nhân loại là lịch sử đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, thì chưa bao giờ cuộc đấu tranh ấy lại quyết liệt như hiện nay. Nó diễn ra ở mọi phương diện và ở mọi cấp độ. Nhưng những người chân chính thì không bao giờ đầu hàng, bởi nếu họ đầu hàng thì văn chương nghệ thuật nói riêng và nhân loại nói chung sẽ sụp đổ.

Hàng "xịn" và hàng giả

Hàng "xịn" và hàng giả ư? Khái niệm này đúng là trong cơ chế thị trường mới xuất hiện. Nhưng thực ra, thật và giả cũng có tự thuở xa xưa. Thời nỏ thần Kim Quy bị Trọng Thủy đánh cắp thay bằng lẫy nỏ giả. Thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh, lúc đầu chưa có tiền hối lộ cũng bị đưa cho bộ kinh giả đấy thôi. Rồi trong Hồng lâu mộng, chàng Giả Bảo Ngọc lấy vợ đã bị tráo Lâm Đại Ngọc bằng Tiết Bảo Thoa...

Tôi có một người bạn, nhà thơ nông thôn Nguyễn Thành, từ thời kỳ đầu đổi mới anh đã có thơ về hàng "xịn" và hàng giả rồi, chứ không phải chậm chễ như tôi đến giờ mới nói. Trong bài thơ "Lời người bán hoa giả" (1990), anh viết: "Là hoa giả mười mươi/ Mà nom như hoa thật/ Chợ đông, người bán đắt/ Khách hàng chen nhau mua". Bây giờ thì không chỉ có hoa giả, mà hàng giả tràn lan. Trong văn chương nghệ thuật thì sách giả đã làm chao đảo thị trường sách. Nhưng còn có một loại sách thật chứ không phải là sách nhái, mà lại là hàng giả. Đó là những sách chất lượng kém. Đối với sách văn học thì đó chưa phải là văn chương.

Nhiều nhà văn trong hội thảo về văn học nước ngoài được dịch vào Việt Nam đã khẳng định, trong những năm qua, sách văn học dịch ở Việt Nam chưa phải là tinh hoa của các nền văn hóa. Gần gũi với Việt Nam như văn học Trung Quốc, thì Báu vật của đời của Mạc Ngôn, Phế đô của Giả Bình Ao, hay Điên cuồng như Vệ Tuệ... đâu phải là những tác phẩm đỉnh cao của văn chương Trung Quốc thời mở cửa. Đó là những tác phẩm có cách nhìn khác về lịch sử, là những truyện tình thuộc loại "hàng khủng". Không phải sách bán chạy là sách hay. Điều này ai cũng rõ, nhưng cũng không ai làm gì để thay đổi. Cơ chế thị trường mà, tự do mua, tự do đọc. Thì đến như Bóng đè trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc mà vẫn có người cổ súy đấy thôi! Và còn có cả hàng giả được trao giải thưởng nữa, thậm chí là giải thưởng cao quý cơ (tặng thưởng thơ năm 2006 của Hội Nhà văn Việt Nam) và tác giả còn tỏ ra cao đạo không nhận chứ! Thật chẳng còn biết là thế nào!

Đa số sách của các nhà văn được khẳng định trong mấy chục năm qua, thì nay không bán được. Số lượng in mỗi cuốn thường không quá 1.000 bản. Sách thật, có chất lượng chỉ chiếm một phần mười thị trường sách. Điều ấy nói lên vấn đề gì? Có người lý giải đó là sự xuống cấp của văn hóa đọc, sự cáo chung của xuất bản giấy. Rõ ràng đời sống văn học nghệ thuật của chúng ta là không bình thường, đang có sự loạn chuẩn, đang khủng hoảng. Điều đáng lo ngại là những người có trách nhiệm lại không mấy quan tâm đến vấn đề này, và những người được giao đảm trách công việc này lại không có đủ năng lực tương xứng với nhiệm vụ. Nên những điều họ làm thì lại càng làm cho tình hình rối tung lên.

Đến như nơi được coi là hoàn toàn tâm linh là chốn tu hành mà của giả cũng luồn sâu vào: Tu giả, ăn giả. Tu giả là một vấn đề lớn mà tổ chức Phật giáo phải giải quyết. Tôi là người trần mắt thịt nên chỉ nói về ăn giả ở chốn tu hành thôi. Đó là thức ăn chay nhưng lại có hình thịt, cá, trứng... Tôi có bài thơ "Ăn chay" được một số người thích đọc, nhưng khi chọn lọc vào tập thơ mới cho tôi thì nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm lại bảo "không nên cho vào tập". Anh sợ động chạm đến tâm linh. Tôi thì cho rằng chẳng có gì phải sợ cả. Bản chất của Đức Phật là sự thật thà. Mà bài thơ của tôi thì hoàn toàn thật thà, vì mục đích trong sạch chốn nhà Phật. Tôi tin đức Phật còn phù hộ cho tôi ấy chứ: "Đã nguyện không sát sinh/ Lại ăn hình thịt cá/ Chưa chay tận tâm linh? Thì có thành chính quả?"...

Nói thế để thấy văn chương thời mở cửa, vấn đề hàng "xịn" và hàng giả là rất khó giải quyết. Nếu lịch sử của nhân loại là lịch sử đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, thì chưa bao giờ cuộc đấu tranh ấy lại quyết liệt như hiện nay. Nó diễn ra ở mọi phương diện và ở mọi cấp độ. Nhưng những người chân chính thì không bao giờ đầu hàng, bởi nếu họ đầu hàng thì văn chương nghệ thuật nói riêng và nhân loại nói chung sẽ sụp đổ.

Ẩn mình và khoe mình

Truyện Tam quốc diễn nghĩa của nước Trung Hoa có kể Khổng Minh thời trẻ đã ẩn mình chốn rừng sâu để anh em nhà Lưu Bị phải cầu hiền "tam cố thảo lư". Ở Việt Nam, có La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp cũng đi ở ẩn nơi núi rừng Thanh - Nghệ, khi Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc diệt quân Thanh phải qua hỏi ý kiến. Những người hiền thời xưa thường ẩn mình. Đấy là một phẩm chất của người quân tử... Tôi bỗng nghĩ đến điều này, bởi gần đây trong một buổi họp của Quốc hội, có nhiều ý kiến chất vấn ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ về vấn nạn chạy chức chạy quyền.

Thật đau lòng khi nghĩ rằng sau hàng nghìn năm phát triển của lịch sử, có những kẻ trong xã hội lại thụt lùi đến thế!

Nhưng đấy là chuyện của xã hội, đã có các cấp lãnh đạo có trách nhiệm giải quyết. Tôi chỉ xin bàn điều này trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật thôi. Mới vừa tối qua, trong chương trình truyền hình trực tiếp của một đài truyền hình khá có uy tín, mở đầu chương trình lại là ngâm bài thơ của ông Trưởng ban phụ trách chương trình. Nếu đấy là một bài thơ nổi tiếng thì còn khả dĩ (đấy là giả dụ, chứ là nhà thơ nổi tiếng thì không ai làm thế). Đúng là tra tấn khán giả ngay từ khi mở đầu bởi bài thơ dưới mức trung bình. Mấy năm trước, nhân kỷ niệm 50 năm của một tờ báo khá sang trọng, đáp ứng nhu cầu bạn đọc, Ban Biên tập có làm tinh tuyển thơ, truyện ngắn. Điều ấy rất đáng hoan nghênh. Chỉ tiếc rằng trong những tập tinh tuyển ấy, bên cạnh những trái núi sừng sững lại xen những mô đất mà không phải của ai khác là những người được tham gia làm tuyển. Và tôi, còn một ấn tượng phản cảm là trong một Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu, trong mấy chục bức chân dung khổ lớn của các nhà thơ tiêu biểu của thi đàn Việt Nam, bỗng lọt vào một bức chân dung của một người làm thơ chẳng mấy ai biết đến, nhưng lúc đó có uy thế trong việc in thơ của một tờ báo tham gia tổ chức Ngày Thơ... Thì ra, phẩm chất của người xưa sao lại khó học thế?

Không phải chỉ người xưa, ẩn mình vẫn là tấm gương sáng thời nay. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà cả xã hội đang học tập là một tấm gương ẩn mình. Thi sĩ Tố Hữu đã viết rất đúng về Bác: "Như đỉnh non cao tự giấu hình". Nhà thơ Hải Như viết cụ thể hơn về phẩm chất này của Người: "Bác Hồ đứng, người sau không bị khuất/ Ta đứng thường hay che lấp bạn mình". Thực ra, ẩn mình là phẩm chất tự nhiên của những tâm hồn lớn. Đời nào thì đó vẫn là những tiêu chí để mọi người học tập và làm theo. Hình tượng cây nấm hương của rừng sâu là một hình tượng đẹp, mọi người yêu thơ nói riêng và yêu văn học nghệ thuật nói chung mấy chục năm qua vẫn thích câu thơ của Nguyễn Duy: "Sống im lặng, đến tận cùng im lặng/ Mà tiếng thơm đi góc bể chân trời"...

Còn khoe mình thì ngược lại, chưa có bao giờ được ai ngợi ca. Dẫu ngày nay, cơ chế thị trường đã nảy sinh sự khoe mình ở rất nhiều lĩnh vực. Thì đấy, quảng cáo loạn chuẩn hàng ngày trên các phương tiện truyền thông là một ví dụ. Riêng trong văn chương nghệ thuật, sự khoe mình cũng đã đến... đỉnh cao. Có họa sĩ ghi ở trước cổng nhà mình, tự nhận là "họa sĩ bậc thầy của nền hội họa Việt Nam đương đại". Có những người mới tập viết văn đã tự nhận mình là người nổi tiếng. Có ca sĩ mới nổi, làm đĩa cho riêng mình cũng học các thiên tài âm nhạc tâm sự, nhưng lại không học được đức khiêm tốn của họ. Rồi sự khoe mình trên các bìa sách của nhiều người viết văn...

Có một điều, một quy luật mà ít người để ý. Đó là sự nổi chìm không thể dùng ý chí mà đạt được, nhất là trong văn chương nghệ thuật. Nó phải là trọng lượng thực của chính mình. Bao nhiêu ngôi sao được các ông bầu tạo dựng chỉ sau một thời gian ngắn là tắt ngấm. Sự khoe mình không hề có giá trị gì. Bởi muốn phát sáng lâu dài thì phải có nguồn năng lượng. Còn đã có nguồn năng lượng dồi dào, thì dẫu có ẩn mình, nguồn năng lượng đó vẫn tỏa sáng, không che giấu được.

Đinh Quang Tốn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/van-chuong-thoi-mo-cua-tintuc440244