Văn chương làm sáng đẹp số phận

Giọng văn 'như nhiên và tự nhiên' đượm phóng dục của tôi là ngẫu nhiên. Tôi viết hoàn toàn bản năng, không dụng công màu mè chữ nghĩa gì hết. Rất ít sử dụng phép tu từ. Tôi luôn nghĩ nhà văn là người kể chuyện- Nhà văn Trần Thanh Cảnh.

Nhà văn Trần Thanh Cảnh.

Nhà văn Trần Thanh Cảnh.

Nguyễn Tham Thiện Kế: Khi viết văn ông cầu mong điều gì? Sự nổi tiếng? Hay là phương thức để khai phóng tâm thế và lý giải thế sự với nhân quần?

Nhà văn Trần Thanh Cảnh: Khi tôi viết văn là lúc mọi sự trong cuộc đời tôi gần như đã an bài. Và tôi đã chấp nhận đó là số phận của mình. Nên điều mong muốn nhất khi cầm bút là tôi được viết, được đưa đến bạn đọc của mình những trang viết thật sự vắt ra từ trí não, tâm huyết của mình. Những trang viết nói về nhân tình thế thái. Về số phận gian lao cay đắng của dân tộc mình, đất nước mình... Còn sự nổi tiếng? Tôi hoàn toàn không nghĩ đến! Có thể nói tôi cứ viết còn sự đón nhận của độc giả đến đâu thì hoàn toàn phó mặc cho số phận. Chính xác viết với tôi là cứu cánh, là chốn nương náu, là sự khai phóng tâm thế khi đó đang có nhiều dồn nén và ẩn ức.

Cư dân mạng gọi ông là Kỳ Nhân làng Ngọc. Ông đã chết danh với tác phẩm của mình sau giải thưởng Hội Nhà văn. Ông có nghĩ giải thưởng bảo đảm sự nổi tiếng? Tác phẩm này được sáng tác như thế nào?

- Tôi thì lại không nghĩ là mình chết danh với Kỳ Nhân Làng Ngọc! Mặc dù đó là cuốn sách được giải của tôi! Bởi đời văn chương của tôi mới chỉ bắt đầu, như nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên có định nghĩa vui lúc trà dư tửu hậu là, “Dược sỹ già nhà văn trẻ”! Tôi mới chính thức cầm bút từ cuối năm 2012 thôi. Cho nên tôi vẫn nghĩ cuộc đời văn học của mình đang ở phía trước! Tôi được giải thưởng của Hội Nhà Văn như một sự tình cờ, một sự may mắn nữa. Khi tập truyện Kỳ Nhân Làng Ngọc in ra, người đọc đón nhận khá là nồng nhiệt. Nhiều người khen hay. Tôi cảm thấy tự tin và lại đọc được thông báo mời gọi bèn tự mình giới thiệu mình, đem sách gửi dự thi với Hội Nhà Văn! Thế rồi tôi được giải. Giải nào thì tôi không biết chứ giải văn xuôi năm đó của tôi thì phải nói thế này, các nhà văn trong hội đồng văn xuôi, trong ban chung khảo đã cực kỳ công minh vô tư khi chấm giải. Bởi tôi hầu như lúc đó là một kẻ vô danh trên văn đàn, không phải hội viên, không có bất cứ một mối quan hệ nào với các nhân vật tai to mặt lớn trong thế giới văn nhân nước Việt. Vậy mà rồi tôi vẫn được giải với số phiếu tuyệt đối ở hội đồng chung khảo năm 2015: 11/11 phiếu. Được giải như vậy quả là niềm vui. Nhưng vui hơn là tác phẩm của mình được bạn đọc đón nhận đánh giá cao. Còn sự nổi tiếng do giải thưởng mang lại cũng có, nhưng tôi không nghĩ là nó quan trọng. Quan trọng nhất vẫn là chất lượng của tác phẩm. Là nhà văn đã nói cùng tiếng nói với bạn đọc. Nói hộ được cho nỗi lòng của họ. Vậy là nhiều người thích, biết đến. Vậy thôi. Giải thưởng là vui, nhưng rõ ràng nó không đảm bảo cho sự nổi tiếng. Trong nhiều trường hợp, nó còn phản lại. Trên văn đàn đã có nhiều minh chứng về các tác phẩm được giải này nọ. Thế nhưng độc giả không đón nhận. Và rất nhanh chóng chìm vào quên lãng.

Cuốn Kỳ Nhân Làng Ngọc ra đời như thế này: Sau khi đọc và in truyện Kỳ Nhân Làng Ngọc trên báo Đại Biểu Nhân Dân, nhà văn Hồ Anh Thái phụ trách trang văn nghệ của báo khi ấy có trao đổi với tôi là nên viết một seri các câu chuyện về một ngôi làng Kinh Bắc- Làng Ngọc điển hình. Rồi tập hợp lại thành một tập, in ra. Tập sách này được nhà văn Hồ Anh Thái biên tập, viết lời giới thiệu. Nhân đây tôi cũng phải nói thêm là tuy tôi vào văn đàn muộn, thế nhưng tôi lại rất may mắn được gặp các nhà văn lớn có tính cách liên tài đã giúp đỡ và chỉ bảo rất tận tình. Âu đó cũng là cái tình của nhà văn với nhau!

Tôi nghĩ rằng ngôn ngữ văn chương của ông từ truyện ngắn đến tiểu thuyết “như nhiên và tự nhiên” đượm phóng dục, (chữ Hoài Nam dùng với tác phẩm của ông ở một trường khác) không vịn tu từ làm chủ đạo nhịp văn, nhưng nó hòa bện với bản thể của một vùng văn hóa cổ xưa Kinh Bắc. Ông dụng công, hay ngẫu nhiên có giọng văn như vậy?

- Giọng văn “như nhiên và tự nhiên” đượm phóng dục của tôi là ngẫu nhiên. Tôi viết hoàn toàn bản năng, không dụng công màu mè chữ nghĩa gì hết. Rất ít sử dụng phép tu từ. Tôi luôn nghĩ nhà văn là người kể chuyện. Người kể cho bạn đọc của mình câu chuyện nào đó, trước hết để mua vui... Tôi là người sinh ra lớn lên ở vùng Kinh Bắc. Văn hóa làng xã vùng Kinh Bắc nó tự nhiên thấm đượm trong tôi. Nhưng câu chuyện tôi kể cho bạn đọc hầu hết gắn bó với quê hương tôi, vùng Kinh Bắc. Vậy thì cái giọng văn của tôi nó đương nhiên mà ra như vậy. Như lời ăn tiếng nói hàng ngày của tôi mà thôi. Còn chữ phóng dục của nhà phê bình văn học Hoài Nam dùng thì tôi nghĩ là nó chưa được chính xác lắm. Vùng Kinh Bắc có một cái di sản văn hóa tiêu biểu là Quan Họ. Quan Họ không chỉ là hát, mà là cả một lối sống... Mà bản chất của âm nhạc Quan Họ là giao duyên, trữ tình. Cái chất huê tình trong quan họ rồi trong cả lối sống của người dân vùng tôi là rõ. Có một bài hát của nhạc sĩ nào đó viết, “Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình...”. Có lẽ chữ “huê tình” là đúng hơn.

Viết văn và kinh doanh khác và giống nhau ở điểm nào? Có phải là sự ngẫu hứng và phiêu lưu không? Hay là cả hai công việc đều không có điểm dừng?

- Viết văn là viết ra chữ làm nên tác phẩm, còn kinh doanh là kiếm tiền xây dựng nên sự nghiệp. Nghe qua thì có vẻ có điểm chung. Nhưng tôi là người đã trải qua cả hai việc, và đều có những thành công nhất định tôi thấy về cơ bản nó đối nghịch nhau. Tôi còn nói vui là chữ, nó tương kỵ với tiền kia! Mà hình như có vẻ đúng luật trời. Bởi trời không cho ai tất cả mọi thứ bao giờ. Viết văn và kinh doanh chỉ có một điểm giống nhau đó là đều làm việc trí óc còn sự khác nhau thì vô vàn. Kinh doanh cần sáng tạo như viết văn nhưng ngẫu hứng thì không được, mà kinh doanh luôn phải có kế hoạch, chiến lược rất rõ ràng rành mạch, chi tiết. Văn nhân có thể phiêu lưu nhưng làm chủ doanh nghiệp mà phiêu thì rất dễ đưa đến phá sản. Còn điểm dừng của văn nhân và doanh nhân thì khá giống nhau: Văn nhân đã cạn cảm hứng thì nên dừng lại. Còn doanh nhân khi đã mất động lực khát khao kiếm tiền, cũng nên dừng lại. Nếu không biết điểm dừng, cả văn nhân và doanh nhân đều dễ dẫn đến những bi kịch!

Trước và sau khi thành công với văn chương công việc kinh doanh của ông thế nào? Văn chương có hỗ trợ cho ông trong kinh doanh? Hiện giờ ông nhiều bạn văn chương hay bạn thương gia?

- Trước khi đến với văn chương tôi là một doanh nhân. Vì sao đang là một doanh nhân tôi lại đi viết văn? Để trả lời câu hỏi này thì bản thân tôi cũng thấy khó. Nó có những nguyên nhân sâu xa và duyên cớ trực tiếp. Khi đó công việc kinh doanh của tôi gặp những bế tắc và khó khăn nhất định. Tôi chỉ định tìm đến văn chương như một sự giải tỏa, một thú vui. Như có lúc tôi nói với bạn bè doanh nhân rằng, tôi viết văn cũng như các ông chơi chim hoa lá cá... gì đấy mà thôi. Sau khi viết văn và có những thành công nhất định thì công việc kinh doanh của tôi cũng vẫn ổn định như vậy: không có những bước đột phá, nhưng cũng không còn những khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi. Văn chương hầu như không hỗ trợ gì cho công việc kinh doanh của tôi. Mà ngược lại công việc kinh doanh hỗ trợ văn chương là chính: Tôi có thể yên tâm ngồi viết và bay bổng với các dự án văn chương của mình khi con người doanh nhân của tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Doanh nhân nuôi văn chương, hai trong một! Mặc dù về danh nghĩa, hiện nay tôi vẫn là doanh nhân. Thế nhưng sau khi bước chân vào và đắm đuối với văn chương thì tôi bỗng nhiên lại chỉ thích chơi với các bạn văn chương, thích ngồi nói chuyện văn chương hoặc những câu chuyện thế sự tầm phào nào đó hơn là ngồi với bạn bè kinh doanh. Tôi bỗng nhiên hình như đang mất dần đi ham muốn kiếm tiền. Nhu cầu cuộc sống của tôi bỗng nhiên giản dị đi một cách đáng ngờ...

Lý do ông viết tiểu thuyết Đức Thánh Trần? Có phải vì Trần Thanh Cảnh- là hậu duệ nhà Trần nên trả nghĩa tổ tiên chăng? Hay là một cách tuyên ngôn nghệ thuật khi mà truyện ngắn không đủ dung lượng chứa tư tưởng nghệ thuật của ông? Ước nguyện của ông với tác phẩm này là gì?

- Có rất nhiều lý do để bắt tôi phải viết tiểu thuyết lịch sử Đức Thánh Trần. Tôi vốn là người thích đọc sách lịch sử. Sử ta, sử Tây, sử Tàu tôi đều thích đọc. Tiểu thuyết lịch sử thì tôi lại càng thích. Một trong những bộ sách đầu tiên tôi đọc khi biết chữ chính là Tam Quốc Diễn Nghĩa rồi đến Ba Chàng Ngự Lâm... Ở Việt Nam tôi thích tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Và tôi đã đọc hết các cuốn của ông từ lâu. Rồi tôi nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng kêu ca về nỗi dân ta không thuộc sử ta. Các cháu học sinh chán môn Sử. Tôi âm thầm tìm hiểu. Tôi thấy có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân tôi rút ra là các nhà văn Việt Nam viết tiểu thuyết lịch sử quá khô cứng, không hấp dẫn được giới trẻ! Tôi nghĩ mình nên viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử khác với phong cách thường thấy, sao cho hấp dẫn được giới trẻ. Từ đó họ đọc, họ thích thú và rồi họ sẽ nhớ đến lịch sử, đến các nhân vật anh hùng trong lịch sử nước nhà. Nên tôi quyết định viết về một võ tướng oai hùng bậc nhất trong lịch sử dân tộc: Đức ông Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn mà dân gian tôn sùng là Đức Thánh Trần.

Còn việc tôi là hậu duệ của nhà Trần mà viết về tổ tiên mình thì cũng là một lý do. Chuyện là thế này, hồi đầu năm 2012, lúc đó kinh tế khó khăn bế tắc khủng hoảng, tôi đi... chùa Yên Tử cho thanh thản, nhẹ đầu. Tôi có đứng thầm khấn trước tượng cụ Trần Nhân Tông trên chùa Đồng. Rồi rất lạ là đến hôm ấy tôi mới đọc được bài “Cư Trần Lạc Đạo” của cụ. Tôi vô cùng thích thú, thấy nhẹ nhõm hẳn. Về nhà một thời gian công việc kinh doanh vẫn bế tắc chưa thấy đường ra tôi bỗng nảy sinh ra ý nghĩ đi viết văn. Và tôi viết. Và có những thành công nhất định. Và rồi những khó khăn kinh tế cũng qua đi. Tôi chợt nghĩ, có lẽ do tổ tiên nhà mình phù hộ nên tôi vẫn tâm niệm trong đầu là phải viết một cuốn sách để trả nghĩa các cụ... Nên khi có một lời gợi ý từ nhà văn Hồ Anh Thái tôi đã lập tức bắt tay vào viết ngay. Khi viết cuốn này thực ra tôi cũng chẳng có ý định tuyên ngôn nghệ thuật to tát gì đó như ông nói. Tôi vốn viết nhiều truyện ngắn. Trong đó khá nhiều truyện ngắn của tôi đã được các bạn bè nhận xét là truyện ngắn nhưng có dung lượng của tiểu thuyết. Tôi viết tiểu thuyết Đức Thánh Trần đơn giản như là việc đến lúc cần phải làm vậy thôi. Thế nhưng sau khi đọc tài liệu, đi điền dã, đọc tham khảo các bộ tiểu thuyết khác đã viết về triều Trần tôi thấy mình phải tìm cho ra con đường riêng của mình. Tôi phải lý giải con đường của một võ tướng người trần mắt thịt đã hiển thánh trong tâm linh người Việt thế nào.Tôi muốn dùng con mắt của người hiện đại, được trang bị các tri thức về khoa học hiện đại giải các điểm còn mù mờ trong lịch sử nhân vật. Để thấy họ đã từng là những con người vĩ đại ra sao. Mà từ những con người đó, họ đã được nhân dân tôn thờ là bậc thánh nhân của dân tộc. Còn cũng như mọi nhà văn khi cầm bút viết một cuốn sách, tôi chỉ có một ước nguyện duy nhất là tác phẩm của mình được bạn đọc đón nhận. Cho đến giờ phút này, có vẻ như ước nguyện của tôi cũng đạt được phần nào!

Chắc ông không lạ Aleksey Tolstoy với bộ tiểu thuyết lịch sử còn dang dở bắt đầu xuất bản tập 1 năm 1930: Pie đệ Nhất – người cai trị đế quốc Nga từ 1682-1725, nhà cải cách- đưa nước Nga nông nô ngụp trong men voka trở thành cường quốc châu Âu. Và bộ tiểu thuyết Bão táp triều trần của Hoàng Quốc Hải, tường trình bối cảnh nhà Trần giành quyền thay nhà Lý làm chủ Đại Việt, cao trào là cuộc chiến chống Nguyên Mông cho đến lúc triều đại này kết thúc trong bi kịch. Ông có liên tưởng gì về hai tác phẩm này không? Đương nhiên là hai văn tài viết văn về đề tài lịch sử không phải là để kể đơn thuần lịch sử.

- Quả thực đây là hai tác giả, hai bộ tiểu thuyết mà tôi đã đọc, nghiền ngẫm để tham khảo khi có ý định viết cuốn Đức Thánh Trần. Nhà văn Hoàng Quốc Hải trong nhiều bài nói chuyện mà tôi được tham dự có chia tiểu thuyết lịch sử ra làm ba dòng: Dòng thứ nhất là viết làm sáng rõ chính sử. Dòng thứ hai là viết như dã sử. Dòng thứ ba là sự hư cấu tưởng tượng vô giới hạn như A. Dumas nói, đại ý, lịch sử chỉ là cái đinh cho tôi neo trí tưởng tượng, với tiểu thuyết lừng danh: Ba Người Lính Ngự Lâm. Tôi thì thấy hai tác phẩm kể trên của hai nhà văn khá giống nhau. Họ cũng vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về mọi mặt đời sống chính trị xã hội trong đất nước họ vào thời khắc chuyển giao quyền lực. Sự chuyển mình của một xã hội một đất nước đang cùng hoang tàn để trở thành một cường quốc oai hùng khi đó. Tôi nghĩ đây là một ý tưởng thú vị, nếu có một nhà nghiên cứu nào triển khai đề tài này thì sẽ rất hay, nhiều vấn đề học thuật sẽ được mở ra.

Đức Thánh Trần của tôi thuộc dòng thứ ba, tưởng tượng và hư cấu là chính. Tôi luôn nói với độc giả của mình rằng, các bạn đang cầm trên tay cuốn tiểu thuyết lịch sử. Vậy các bạn hãy đọc và tiếp nhận nó như là một cuốn tiểu thuyết! Tôi đã trộn đủ thứ vào đó: chiến công, tình yêu, sex, âm mưu thủ đoạn và cả những cuộc đấu tay đôi hoành tráng của những cao thủ võ nghệ....!

Tính cách trội nhất của ông là gì? Ông sợ điều gì nhất đến với bản thân miền quê Kinh Bắc trong hoàn cảnh xã hội đang tăng tốc sang thời 4.0. Từ Hoàng Cầm đến Trần Thanh Cảnh đã bãi bể hóa nương dâu. Ông dự liệu tương lai Kinh Bắc không? Nếu được lên con tàu xuyên thời gian, thì ông sẽ mang theo những cuốn sách nào?

- Tính cách trội nhất ở tôi là sự thẳng thắn. Có lẽ chính vì vậy tôi không thể thành công và phù hợp trong môi trường doanh nhân hay chính trị. Chỉ đến khi đi viết văn, khi đối diện với trang giấy trắng, tôi được trải lòng mình ra hết, tôi cảm thấy thoải mái, thấy được sống với chính con người thật của mình. Có lẽ định mệnh cuộc đời tôi là viết văn thì phải. Một trong những lý do để tôi viết rất nhiều truyện về làng Ngọc, về miền quê Kinh Bắc của tôi đó là do tôi sinh ra lớn lên ở làng quê. Dù có đi đâu, làm gì thì tôi vẫn cứ gắn bó chặt chẽ với quê hương. Khi xưa, làng quê Kinh Bắc rất đẹp, với đầm sen, cánh đồng lúa xanh rờn bát ngát. Với cây đa bến nước sân đình. Với chợ phiên quanh vùng tấp nập. Với hội hè đình đám suốt cả mùa xuân... Thế nhưng làng quê Kinh Bắc đang dần dần mất đi cái vẻ phong lưu thanh bình vốn có. Có thể nói ngắn gọn về làng quê Kinh Bắc bây giờ là: Làng không ra làng mà phố chưa ra phố.

Tôi vốn là người hoài niệm. Thấy các vẻ đẹp xưa dần mai một tôi tiếc nuối lắm. Nhưng cuộc sống là một dòng chảy khổng lồ không ai cưỡng được. Tất cả chúng ta đều phải chấp nhận thôi. Nhưng trong tâm khảm sâu xa tôi vẫn đau đớn về những cái điều mất đi không lấy lại được kia. Tôi đành tự an ủi mình bằng cách viết về những hoài niệm ký ức tươi đẹp chưa xa của quê hương tôi. Tôi muốn lưu giữ bằng ngôn từ những hình ảnh cho thế hệ sau được biết quê ta đã như thế nào, con người ở đó đã sống, đã yêu nhau ra sao...

Kinh Bắc là một trong những vùng văn hóa làm nên diện mạo văn hóa Việt. Mọi thứ có thể thay đổi nhưng một khi những cái nền tảng văn hóa, ngôn ngữ của vùng miền, của cả nước còn giữ gìn được thì dân tộc Việt và nước Việt sẽ trường tồn. Bãi bể hóa nương dâu là tất nhiên của sự vận động vật chất. Chúng ta chấp nhận quy luật ấy. Còn trong thế giới ngày nay, mọi ranh giới hầu như đã bị san phẳng thì sự độc đáo của văn hóa vùng miền nào đó rồi sẽ chỉ mang tính ước lệ. Thế nhưng vẫn có những cái đặc sắc mà mang ra khỏi lãnh thổ địa phương đó lập tức nhạt nhòa ngay. Nên tôi cho là dù mai đây cả vùng quê Kinh Bắc sẽ nhanh chóng hiện đại hóa, thì những bản sắc làm nên văn hóa Kinh Bắc sẽ vẫn tồn tại và âm thầm phát triển, như là một nét đặc sắc của quê hương tôi. Tôi nghĩ văn hóa Kinh Bắc sẽ trường tồn trong nhịp sống hiện đại.

Nếu bây giờ mà được lên một con tàu xuyên thời gian để đi về quá khứ, đi tới tương lai, tôi sẽ chỉ mang theo các cuốn sách của mình! Trở về quá khứ, tôi sẽ gặp đức ông Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và thưa với ngài rằng, con đã viết về ngài như thế này đây! Và tôi tin là đức ông sẽ vuốt râu mỉm cười. Còn tới tương lai, tôi sẽ cho con cháu của mình xem những cuốn sách mình đã viết và bảo, có một thời xa xưa chúng tao đã sống, đã làm việc, đã đánh nhau, đã yêu nhau như thế này đây!

Nguyễn Tham Thiện Kế (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/van-chuong-lam-sang-dep-so-phan-tintuc421410