Vẫn chưa xác định được tiêu chí 'đô thị văn minh'

Chiều 23-4, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với các tiêu chí đô thị văn minh. Đây là một trong những bộ tiêu chí được thảo luận khá sôi nổi thời gian qua.

Chiều 23-4, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với các tiêu chí đô thị văn minh. Đây là một trong những bộ tiêu chí được thảo luận khá sôi nổi thời gian qua.

Bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị, bộ tiêu chí phải khơi dậy được ý thức tự giác của người dân trong thực hiện đô thị văn minh. Trong ảnh: Các cháu nhi đồng xếp hàng đi dự Lễ hội đình làng Hải Châu (P. Hải Châu 1, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ảnh: N.L

Bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị, bộ tiêu chí phải khơi dậy được ý thức tự giác của người dân trong thực hiện đô thị văn minh. Trong ảnh: Các cháu nhi đồng xếp hàng đi dự Lễ hội đình làng Hải Châu (P. Hải Châu 1, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ảnh: N.L

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, tháng 11-2015, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động toàn quốc Cuộc vận động (CVĐ) "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" trên cơ sở kế thừa, phát triển CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", CVĐ "Ngày vì người nghèo" và các phong trào, CVĐ khác đang diễn ra ở cơ sở, cộng đồng dân cư.

Qua 3 năm triển khai, CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh" đã góp phần quan trọng để các cấp có thẩm quyền công nhận 4.340 xã đạt chuẩn nông thôn mới ( đạt 48,68%); 69 huyện, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn hoặc hoàn thành xây dựng nông thôn mới. 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là: Đồng Nai, Nam Định, Bình Dương, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, việc xây dựng, công nhận đô thị văn minh còn gặp nhiều khó khăn, do chưa có tiêu chí cụ thể và thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện. Chính vì vậy, việc ban hành bộ tiêu chí trong phạm vi cả nước sẽ giúp MTTQ Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương trong hướng dẫn, đánh giá kết quả xây dựng đô thị văn minh.

Phản biện vào dự thảo tiêu chí đô thị văn minh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện, một số đại biểu cho rằng, cần làm rõ cơ sở pháp lý để ban hành văn bản quy định tiêu chí đô thị văn minh, đặc biệt, cần làm rõ nội hàm đô thị văn minh đúng, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam để cụ thể hóa thành một bộ tiêu chí phù hợp với các loại đô thị khác nhau.

Ông Trần Ngọc Tăng, Ủy viên Hội đồng tư vấn Văn hóa - xã hội cho rằng, việc xây dựng bộ tiêu chí phải dựa trên tình hình kinh tế, xã hội, tình hình các đô thị, khu vực để có các quy định rõ ràng, rành mạch. Việc ban hành quyết định về tiêu chí về trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận đô thị văn minh phải do Thủ tướng Chính phủ ban hành để đảm bảo sự đồng bộ với việc xây dựng nông thôn mới.

Từ thực tiễn cơ sở, bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị bộ tiêu chí phải khơi dậy được ý thức, huy động tự giác của người dân trong thực hiện đô thị văn minh. Việc xây dựng bộ tiêu chí cần lưu ý để không trùng lặp với các tiêu chí gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Việc công nhận đạt tiêu chí đô thị văn minh phải do Thủ tướng quyết định.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để xây dựng được một bộ tiêu chí toàn quốc về đô thị văn minh, cần tổ chức nhiều hội thảo, đánh giá tác động về các lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc đô thị,quản lý quy hoạch, kiến trúc, giao thông đô thị, chiếu sáng, vệ sinh môi trường, nhà ở, văn hóa xã hội, y tế, giáo dục.

THU THỦY - PHÚC HẰNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_205324_van-chua-xac-dinh-duoc-tieu-chi-do-thi-van-minh-.aspx