Vẫn chưa tìm được tiếng nói chung

Thời gian gần đây, các tiểu thương tại chợ Đại Mỗ, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm bày tỏ bức xúc khi chợ bị Ban Quản lý rào đóng tất cả các lối ra vào, toàn bộ điện nước nơi đây cũng bị cắt khiến hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Suốt 2 tháng qua, chợ Đại Mỗ rơi vào cảnh đìu hiu, tiểu thương kinh doanh theo kiểu cầm chừng. Đáng lo ngại hơn, nguy cơ xảy ra mất an ninh trật tự luôn thường trực tại đây.

Bức xúc từ chuyện tăng thuế thu chợ

8h sáng ngày 11/6, chợ Đại Mỗ tập trung rất đông người dân, thế nhưng không phải để buôn bán mà tiểu thương đã tập trung trước cổng chợ phản đối việc công ty quản lý, điều chỉnh tăng giá dịch vụ, thậm chí còn khóa cửa, cắt điện, cắt nước. Sự việc này diễn ra thường xuyên trong vòng gần 2 tháng trở lại đây.

Chợ Đại Mỗ bị khóa, tiểu thương kinh doanh ra vào bằng một cửa phụ.

Chợ Đại Mỗ bị khóa, tiểu thương kinh doanh ra vào bằng một cửa phụ.

Trước đó, ngày 26/4, gần 300 tiểu thương chợ Đại Mỗ đã tập trung phản đối đơn vị quản lý chợ này điều chỉnh tăng phí dịch vụ và khóa cổng chợ. Đỉnh điểm, đến ngày 31/5, tại đây đã xảy ra xô xát giữa tiểu thương và ban quản lý chợ khiến một số người bị thương, mất an toàn trật tự trong khu dân cư…

Qua tìm hiểu, chợ Đại Mỗ do Công ty TNHH Đầu tư thương mại xây dựng Hoa Mai (Công ty Hoa Mai) quản lý. Năm 2009, tại thời điểm mới trúng thầu, giá thu phí dịch vụ tại chợ là 9.000 đồng/m2/tháng, và tiếp tục tăng giá thu phí trong các năm sau. Đến năm 2016, giá thuê tại chợ loại 1 là 60.000 đồng/m2/ tháng; loại 2 là 55.000 đồng/m2/ tháng, tiểu thương vẫn chấp hành đầy đủ.

Gần 2 tháng trở lại đây, tiểu thương kinh doanh theo kiểu cầm chừng

Tuy nhiên, năm 2017, công ty điều chỉnh tiền thuê mặt bằng kinh doanh tăng gấp đôi, là 120.000 đồng/m2 thì tiểu thương bắt đầu phản ứng mạnh mẽ. Sau đó, công ty hạ mức giá xuống 75.000 đồng/m2 nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của tất cả các hộ kinh doanh.

Thời điểm này, Công ty Hoa Mai đưa ra 2 phương án: Phương án thứ nhất là năm 2019 sẽ giữ nguyên mức giá như năm 2018 là 75.000 đồng/m2, nhưng các hộ kinh doanh chỉ được ký hợp đồng trong vòng 1 năm. Phương án thứ hai, các hộ kinh doanh sẽ được ký hợp đồng 3 năm, năm 2019 sẽ đóng mức giá 81.000 đồng/m2, các năm tiếp theo sẽ điều chỉnh tăng thêm 8% mỗi năm. Cả hai phương án này không được các tiểu thương thống nhất, chính vì vậy, từ thời điểm tháng 7/2017 đến nay, các hộ kinh doanh trong chợ không ký hợp đồng và nộp tiền cho công ty.

Bà Nguyễn Thị Thoa, một tiểu thương bức xúc: “Trước đó, Công ty Hoa Mai đưa ra mức giá thu chợ tăng gấp đôi khiến tiểu thương chúng tôi phản đối gay gắt. Thế nhưng sau khi đã hạ xuống thì phía công ty cũng không đưa ra được phương án phù hợp. Với các phương án mà Công ty Hoa Mai đưa ra vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý, bởi chúng tôi muốn ký hợp đồng lâu hơn để có thể yên tâm buôn bán, nhưng mức giá lại quá cao”.

Bà Thoa cũng băn khoăn: Chợ sáng Đại Mỗ là chợ hạng 3, cũng giống như các chợ Thị trấn Nhổn thuộc quận Nam Từ Liêm, chợ họp cả ngày nhưng thu phí diện tích mặt bằng kinh doanh sạp hàng loại 1 là 60.000 đồng/m2/tháng, loại 2 là 55.000 đồng/m2/tháng, loại 3 là 50.000 đồng/m2/tháng. Còn chợ Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) cũng chỉ có 25.000 đồng/m2/tháng. Vậy, tại sao chợ sáng Đại Mỗ chỉ họp buổi sáng lại phải đóng phí gấp đôi các chợ khác?

Các tiểu thương cũng cho rằng, việc nộp phí và thuế là nghĩa vụ và trách nhiệm của các hộ kinh doanh nhưng trên cơ sở phải hợp lý và công bằng, không thể cùng xếp loại hạng chợ như nhau mà chỗ này thu một kiểu chỗ kia thu kiểu khác. “Do chưa thống nhất được mức giá, lại đang trong quá trình các bên gửi đơn kiện nên chúng tôi chưa đóng phí thời gian qua.

Chúng tôi yêu cầu phía công ty cũng như các cơ quan chức năng xem xét lại mức giá, đảm bảo công bằng, lợi ích cũng như phù hợp với đặc trưng của chợ sáng Đại Mỗ. Nếu như phía công ty đưa ra giá thuê mặt bằng phù hợp, cam kết không tăng quá cao, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận đóng đủ tiền, không thiếu một đồng”, một tiểu thương trong chợ cho biết.

Cần đảm bảo quyền lợi cho cả 2 bên

Theo quan sát, tại chợ Đại Mỗ, Công ty Hoa Mai đã khóa 2 cửa và chỉ mở một cửa phụ rất nhỏ, đủ lối cho một người ra vào. Thậm chí gần nửa tháng nay, Công ty Hoa Mai đã cắt điện, nước, khóa cửa nhà vệ sinh trong chợ. Mặc dù vậy, các tiểu thương vẫn mang hàng vào chợ để buôn bán, nhiều tiểu thương còn phải mang máy phát điện để có thể sử dụng quạt và đèn.

“Tôi còn nuôi 2 đứa con đi học, từ khi chợ đóng cửa, kinh tế gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, tôi rất mong sự việc sớm được giải quyết để gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định”, chị Liên, một người bán hàng cá cho hay.

Việc tiểu thương không có chỗ kinh doanh thì còn rất nhiều vấn đề khác ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Việc một số tiểu thương mang hàng ra đường để buôn bán, gây ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông. Chưa kể, vẫn còn hàng trăm ki ốt phía trong chợ, trong thời tiết nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hỏa hoạn.

Trao đổi với PV báo Lao động Thủ đô, ông Nguyễn Viết Hùng - Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ cho biết: “Công ty Hoa Mai là đơn vị trúng thầu khai thác chợ Đại Mỗ từ năm 2009 và chưa từng có vấn đề gì. Kể từ tháng 6/2017 chợ bắt đầu có quyết định tăng giá thuê chỗ địa điểm kinh doanh và bắt đầu gặp phải sự phản đối của các hộ kinh doanh.

Sau khi có việc tăng giá khiến các tiểu thương phản ứng, UBND phường Đại Mỗ cũng phối hợp với Phòng Kinh tế quận Nam Từ Liêm về làm việc rất nhiều lần. Phường rất quan tâm đến việc làm sao để có thể đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên, bởi từ năm 2017 đến nay người dân chưa nộp tiền khiến công ty cũng gặp nhiều khó khăn. Phường cũng đã chủ động tuyên truyền, vận động, để 2 bên có được sự thỏa thuận, thống nhất. Nếu tính ra các cuộc họp đến thời điểm này cũng đến 15, 16 lần. Thời gian gần đây 2 bên vẫn chưa thống nhất được giá, dẫn đến nhiều việc sau này như khóa cửa, cắt điện, cắt nước...”.

Ông Hùng cũng cho biết, về việc phân loại chợ Đại Mỗ là do quận Nam Từ Liêm quản lý, UBND phường Đại Mỗ chỉ là đơn vị phối hợp. Do vậy, theo ông Hùng, UBND phường không có chức năng xử xý vấn đề này mà quyết định thuộc về các cơ quan quản lý cấp trên. Quận chỉ giao cho phường tuyên truyền, vận động, nếu khó khăn thì báo cáo quận.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, đại diện Công ty Hoa Mai vẫn khẳng định, nếu các hộ kinh doanh nộp tiền đầy đủ thì sẽ mở cửa chợ, không nộp tiền thì sẽ nhất quyết không mở. Cả hai bên vẫn mâu thuẫn gay gắt do chưa thể tìm được tiếng nói chung. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc để tìm cách tháo gỡ, xử lý dứt điểm những mâu thuẫn giữa tiểu thương và Ban Quản lý chợ Đại Mỗ, đảm bảo quyền lợi của các bên và đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

K. Tiến – L. Thắm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/van-chua-tim-duoc-tieng-noi-chung-92481.html