Vẫn chờ thu hồi sau 20 năm 'mắc kẹt' trong dự án

Hàng loạt dự án ở Khu Nam (TPHCM) hơn 20 năm vẫn chưa đền bù xong, nay vừa được Thanh tra Chính phủ đề nghị thu hồi. Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn tiếp tục phải chờ quyết định thu hồi từ cơ quan thẩm quyền của TPHCM.

Nhiều hộ dân sống trong cảnh tạm bợ, lụp xụp do “mắc kẹt” dự án suốt 20 năm qua tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM

Nhiều hộ dân sống trong cảnh tạm bợ, lụp xụp do “mắc kẹt” dự án suốt 20 năm qua tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM

Thiệt đơn thiệt kép

Trở lại con đường đất vào khu dự án của Công ty Xây dựng hạ tầng số 9 (ấp 1A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) làm chủ đầu tư, khung cảnh vẫn vắng vẻ như 3 năm trước. Khu dân cư hiện còn hơn chục hộ dân nằm lọt thỏm giữa bốn bề cây dại, dột nát do xuống cấp. Năm 2004, phần lớn hộ dân ấp 1A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh nhận được quyết định giao nhà đất cho Công ty Xây dựng hạ tầng số 9 để đầu tư Khu đô thị Thăng Long, nhưng một số hộ bám trụ ở lại.

Bà Nguyễn Hồng Dũng, một trong những hộ dân ở lại, ngậm ngùi: “Tụi tui chưa một lần tiếp xúc chủ đầu tư, chỉ thấy cán bộ xã yêu cầu người dân chuẩn bị bàn giao nhà đất, không được sửa chữa, xây dựng mới. Nhà cửa, đường sá cứ thế xuống cấp, ruộng vườn bỏ hoang, còn khu dự án treo hàng chục năm nay”. Tương tự, phía mé đường Nguyễn Văn Linh (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh), một phần đất cũng nằm trong dự án treo. Trong căn nhà lụp xụp, bà Lưu Thị Thu cho biết, nhà đất của gia đình bị thu hồi giao cho Công ty TNHH Xây dựng thương mại Kiêm Khải làm dự án đã gần 20 năm, cán bộ xã không cho sửa chữa nhà cửa, không đầu tư hạ tầng đường sá. Ông Trần Thanh Hoàng ở nhà số D19/522E Nguyễn Văn Linh, ấp 4, xã Phong Phú cũng bức xúc: “Công tác đền bù quá chậm, có nguyên nhân từ việc giao đất thực hiện dự án không đúng quy trình và quy hoạch. Người dân thiệt đơn thiệt kép khi quy hoạch một đằng, làm một nẻo”.

Theo tìm hiểu, số lượng dự án được giao đất trên dưới 20 năm chưa đền bù xong tại Khu Nam không dừng lại ở 13 dự án như Thanh tra Chính phủ đề nghị thu hồi, mà lên đến vài chục. Trong số đó, có nhiều dự án tỷ lệ đền bù quá thấp, như dự án do Công ty CP Đất Phương Nam đầu tư, có diện tích 48,55ha (bắt đầu triển khai từ năm 2001 đến nay mới đền bù được 61%); dự án khu dân cư 9A-2 do Công ty CP ĐT-PT BĐS Việt Liên Á đầu tư có diện tích 19,21ha (triển khai từ năm 2002 đến nay mới đền bù được 58%); dự án Trung tâm Thương mại - dịch vụ và bãi đậu xe 194 do Công ty Đầu tư xây dựng 194 làm chủ đầu tư, có điện tích 2,95ha (triển khai từ năm 2001 đến nay mới đền bù được 54%)... Riêng Công ty CP ĐT-KD Nhà, chủ đầu tư 3 dự án (Khu dân cư Intresco diện tích 6.91ha; đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính Khu 6B diện tích 21,73ha và dự án phát triển nhà ở tại lô số 3 diện tích 6,73ha) đều được thực hiện từ năm 2001 nhưng đến nay mới đền bù lần lượt: 64%, 56% và 62%.

Cần sớm có quyết định thu hồi

Chủ tịch UBND xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh Trần Minh Hà cho biết, chủ đầu tư đã được giao đất không chỉ chậm đền bù, bồi thường cho người dân mà còn thường xuyên thay đổi dự án. Chính quyền địa phương nhiều lần kiến nghị cấp trên buộc chủ đầu tư phải thực hiện đền bù, triển khai dự án nhưng họ vẫn chây ỳ. Còn theo Phó Ban quản lý Khu Nam Phạm Văn Toàn, tính đến thời điểm này, các dự án ở Khu Nam đã đền bù hơn 1.800ha, đạt tỷ lệ khoảng 66%, nhưng còn hàng ngàn hécta đất chưa được đền bù, giải phóng mặt bằng. Trong đó, 13 dự án mà Thanh tra Chính phủ vừa đề nghị thu hồi chỉ là số ít.

“Đây không phải lần đầu tiên cơ quan chức năng đề nghị thu hồi. Năm 2012, Khu Nam đã đề xuất thu hồi 38 dự án do chậm triển khai, đền bù giải tỏa. Tuy nhiên, tỷ lệ 34% diện tích còn lại đã hàng chục năm không được giải tỏa, gắn liền với số phận hàng ngàn gia đình lay lắt sống trong các khu dự án treo”, ông Phạm Văn Toàn cho biết. Nguyên nhân chủ đầu tư chậm thực hiện đền bù được Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng nhìn nhận là do Khu Nam và huyện Bình Chánh dành quá nhiều ưu đãi cho chủ đầu tư(!?). Dựa vào Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch chung Khu đô thị Nam thành phố số 749/TTg ngày 8-12-1994, chính quyền ban hành quyết định thu hồi đất của người dân giao cho doanh nghiệp, phê duyệt quy hoạch nhưng thực tế doanh nghiệp thiếu năng lực, thiếu phương án đền bù hài hòa cho dân…

Đánh giá việc thu hồi các dự án chậm trễ, trả lại cuộc sống cho người dân, tạo điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng là cần thiết, luật gia Nguyễn Văn Khôi (TW Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, bảo vệ quyền lợi đối tượng bị thu hồi đất và tránh lãng phí tài nguyên đất đai đã được Luật Đất đai 2003 quy định. Trong đó nêu rõ, thu hồi dự án nếu chủ đầu tư chậm thực hiện. “Theo quy định, chủ đầu tư bị thu hồi đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện đầu tư mà không thực hiện trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao trên thực địa. Quy định còn được cụ thể hóa trong Nghị định 43/2014 và Nghị định 01/2017 của Chính phủ. Vì vậy, UBND TPHCM sớm có quyết định thu hồi để người dân sớm ổn định cuộc sống”, luật gia Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh.

TRẦN YÊN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/van-cho-thu-hoi-sau-20-nam-mac-ket-trong-du-an-731782.html