Văn bản trái luật ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội

Qua rà soát, năm 2021 Bộ Tư pháp phát hiện và đề xuất xử lý 69 văn bản trái luật do các Bộ, ngành hoặc địa phương ban hành. Nhiều văn bản trái luật ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, sự yên tâm của người dân, DN đối với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước.

UBND huyện Gia Lâm và UBND xã Ninh Hiệp cho thuê đất trái pháp luật là nguyên nhân không nhỏ khiến một loạt công trình xây dựng, nhà kho xuất hiện trên đất nông nghiệp. Ảnh: K.H

UBND huyện Gia Lâm và UBND xã Ninh Hiệp cho thuê đất trái pháp luật là nguyên nhân không nhỏ khiến một loạt công trình xây dựng, nhà kho xuất hiện trên đất nông nghiệp. Ảnh: K.H

Cần thu hồi văn bản cho thuê đất trái luật

Như PL&XH từng phản ánh trong bài báo: “UBND huyện Gia Lâm, Hà Nội: Ban hành văn bản cho thuê đất có đúng quy định?” ra ngày 16/9/2022, trước thời điểm năm 2018 hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp thuộc khu đất Soi Baza, xã Ninh Hiệp được nhiều hộ dân sử dụng, trong đó nhiều hộ dân sử dụng không đúng mục đích, thậm chí xây kho hàng, công trình kiên cố với diện tích lớn.

Ngày 27/3/2020, UBND huyện Gia Lâm có văn bản số 776/UBND-TN&MT do ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện ký chấp thuận đơn giá để tiếp tục cho thuê đất tại vị trí A1 nói trên. Kèm theo đó là danh sách 45 hộ thuê đất. Văn bản này cho thấy UBND huyện và xã đang hợp thức hóa cho các công trình xây kiên cố, kho hàng hiện diện trên đất nông nghiệp.

Cuối năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, quá trình về xã Ninh Hiệp làm việc theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Thanh tra TP Hà Nội phát hiện việc ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã trực tiếp ký hợp đồng thuê đất với người dân không thông qua hình thức đấu giá là vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 132 Luật Đất đai năm 2013.

Thanh tra TP kiến nghị tới UBND TP Hà Nội giao huyện Gia Lâm chỉ đạo UBND xã Ninh Hiệp tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến các tồn tại, vi phạm trong việc ký hợp đồng thuê đất, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất (xây dựng công trình trên đất nông nghiệp) của hộ ông L.D.C. Cùng với đó, chấm dứt việc cho 45 hộ dân trong xã thuê đất như danh sách kèm theo văn bản số 776/UBND-TN&MT, ngày 27/3/2020 của UBND huyện Gia Lâm. Việc cho thuê đất này không đúng quy định tại Điều 132 Luật Đất đai năm 2013.

Theo luật sư Nguyễn Phương Tuyến, Đoàn luật sư TP Hà Nội, văn bản của Thanh tra TP mới chỉ đề cập đến khâu xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân UBND xã Ninh Hiệp có liên quan đến sự việc nhưng vẫn chưa làm rõ trách nhiệm của ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện, người ra văn bản không đúng quy định tại Điều 132 Luật Đất đai năm 2013 cùng các cơ quan tham mưu. Mặt khác, văn bản của Thanh tra TP chưa đề cập đến việc kiến nghị tới UBND TP Hà Nội thu hồi văn bản số 776/UBND-TN&MT, ngày 27/3/2020 của UBND huyện Gia Lâm.

Văn bản trái pháp luật đều tác động xấu đến xã hội

Ông Đồng Ngọc Ba, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), Bộ Tư pháp đánh giá, các văn bản trái pháp luật đều tác động xấu đến xã hội, ít nhất là tốn kém thời gian, công sức, chi phí cho việc sửa đổi, bãi bỏ quy định sai phạm, mặt khác ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, sự yên tâm của người dân, DN đối với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước.

Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (khoản 7, khoản 8 Điều 7) có quy định về trách nhiệm đối với việc ban hành văn bản QPPL trái pháp luật. Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (điểm b khoản 2 Điều 134) cũng đã quy định: cán bộ, công chức trong quá trình tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ lỗi, nội dung trái pháp luật của văn bản, phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, tham mưu hoàn thiện quy định về đánh giá cán bộ, công chức, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, công chức tham mưu, ban hành văn bản trái pháp luật (Công văn số 248/VPCP-PL ngày 25/01/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 109/NQ-CP ngày 23/8/2018 của Chính phủ).

Phân tích thẩm quyền và trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc xử lý văn bản trái pháp luật, luật sư Nguyễn Phương Tuyến nói: “Điều 120 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền: Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND cấp dưới trực tiếp; Đình chỉ việc thi hành nghị quyết trái pháp luật của HĐND cấp dưới trực tiếp, báo cáo UBND để đề nghị HĐND cùng cấp bãi bỏ.

Điều 130 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định cụ thể về kết luận kiểm tra văn bản trái pháp luật: Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản gửi kết luận kiểm tra cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch HĐND hoặc Chủ tịch UBND nơi có văn bản được kiểm tra để chỉ đạo, tổ chức việc xử lý văn bản theo quy định…”.

Quay trở lại câu chuyện ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm ban hành Văn bản số 776/UBND-TN&MT, ngày 27/3/2020 đồng tình để UBND xã Ninh Hiệp cho dân thuê đất nông nghiệp. Thanh tra TP Hà Nội khẳng định việc cho thuê đất không đúng quy định tại Điều 132 Luật Đất đai năm 2013. Mới đây, UBND TP Hà Nội cũng có văn bản đồng ý với quan điểm của Thanh tra TP. Như vậy, UBND TP Hà Nội là cấp có thẩm quyền kiểm tra, bãi bỏ văn bản của cấp dưới do mình quản lý.

Việc thu hồi văn bản và làm rõ trách nhiệm người ra văn bản trái luật cùng cơ quan tham mưu rất quan trọng. Nhìn nhận câu chuyện cho người dân thuê đất nông nghiệp tại xã Ninh Hiệp đang tồn tại câu chuyện bất hợp lý. Vẫn là diện tích đất đó, theo văn bản của UBND huyện Gia Lâm, việc cho thuê đất là đúng. Nhưng khi người dân kết thúc hợp đồng thuê đất với UBND xã Ninh Hiệp mà vẫn sử dụng lại thành sai. Sự bất hợp lý này khiến UBND TP Hà Nội phải ra văn bản yêu cầu UBND huyện Gia Lâm chấm dứt việc cho thuê đất trái quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Ngày 09/6/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản 3590/VPCP-PL truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022. Theo đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chủ động, kịp thời xử lý các quy định trái pháp luật theo kết luận kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm đúng pháp luật và tiến độ theo quy định.

Khắc Hạnh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/van-ban-trai-luat-anh-huong-khong-nho-den-doi-song-xa-hoi-308220.html