Ván bài 'may rủi' của Iran

Căng thẳng ngoại giao giữa Iran và các nước phương Tây tiếp tục leo thang xung quanh tuyên bố của Iran đưa ra ngày 8-7 về việc tăng cấp độ làm giàu uranium vượt mức cho phép theo Thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Một cơ sở hạt nhân tại miền Nam Iran. Ảnh: AFP

Một cơ sở hạt nhân tại miền Nam Iran. Ảnh: AFP

Phát biểu trước báo giới, đại diện của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran cho biết, cấp độ làm giàu uranium của Iran đã vượt mức giới hạn 3,67% và hiện đang ở mức 4,5%. Động thái của Iran được cho là nhằm gây áp lực buộc các nước châu Âu thiết lập lại các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào năm ngoái. Thỏa thuận được ký kết năm 2015 đã kiềm chế các hoạt động sử dụng năng lượng hạt nhân của Iran và nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với nước này.

Iran cho rằng, kể từ khi Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại đối với Iran, các quốc gia châu Âu đã không hỗ trợ, khiến Tehran thiệt hại nặng nề về kinh tế. Trong tuyên bố mới nhất, Iran đã đưa ra thời hạn đến ngày 5-9, châu Âu cần tái thiết lập điều khoản thỏa thuận, nếu không, Iran sẽ thực hiện tiếp các bước nhằm vi phạm thỏa thuận hạt nhân.

Một tuần trước, Iran cho biết, đã vi phạm giới hạn dự trữ uranium được cho phép trong thỏa thuận hạt nhân. Sau đó, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã xác nhận, kho dự trữ uranium của Iran đã vượt mức cho phép giới hạn trong khoảng 300kg. Phản ứng trước động thái của Iran, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, Iran thực sự chưa bao giờ nghiêm túc thực hiện thỏa thuận. Thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn được biết đến với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết giữa Iran với 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Nga, Anh, Trung Quốc, Mỹ, Pháp) và Đức năm 2015, đã quy định giới hạn về cấp độ làm giàu uranium cũng như khối lượng giới hạn mà Iran được phép sở hữu. Văn bản thỏa thuận cũng quy định cụ thể rằng, trong 15 năm, Iran phải duy trì kho dự trữ uranium dưới 300kg và cấp độ làm giàu uranium cho phép là 3,67%.

Theo nhìn nhận của một số nhà lãnh đạo châu Âu, các động thái của Iran đều có thể được kiểm soát và là một phần chiến thuật đàm phán của nước này. Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố, kêu gọi Iran giảm dự trữ kho uranium đúng theo mức giới hạn cho phép trong thỏa thuận.

Điều khoản về giới hạn kho dự trữ uranium chỉ là một chi tiết tương đối nhỏ trong thỏa thuận hạt nhân, cũng như cấp độ làm giàu uranium hiện của Iran là 4,5% - một con số rất thấp, bởi uranium phải làm giàu lên đến 90% thì mới có thể sử dụng để làm vật liệu phân hạch trong vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia nhận định, không thể đánh giá thấp tác động về mặt ngoại giao trong các hành động vi phạm thỏa thuận của Iran. Nếu thỏa thuận hạt nhân sụp đổ, các nhà phân tích dự đoán, điều này sẽ một lần nữa cản trở tiến trình phi hạt nhân hóa tại Iran.

Trong những năm qua, sau khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết, không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, Iran đã tự củng cố cơ sở vũ khí và quân sự. Cơ sở hạt nhân của Iran tại thành phố Natan được bao quanh bởi các loại súng phòng không. Chương trình tên lửa của Iran cũng đã vươn xa hơn nhiều so với trước đây, một phần là do trong thỏa thuận hạt nhân không đề cập đến việc hạn chế chương trình tên lửa của Iran.

Phạm vi ảnh hưởng của Iran trong khu vực cũng đã lớn hơn, Iran đã giúp các lực lượng dân quân các nước như Lebanon, Syria, Iraq và Yemen xây dựng cơ sở. Vì vậy, rất có thể, các lực lượng này sẽ giúp Iran trả đũa trong cuộc chiến với các nước phương Tây. Bên cạnh đó, Iran cũng có khả năng tấn công cơ sở hạ tầng an ninh mạng của phương Tây, như trước năm 2015, Iran đã từng tấn công hệ thống của các ngân hàng Mỹ. Giờ đây, các nước phương Tây đang phải lựa chọn cách đối phó với Iran thông qua đàm phán, hoặc giảm biện pháp trừng phạt, hay thậm chí là phương án quân sự.

Hà Thu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/van-bai-may-rui-cua-iran/