Ván bài mạo hiểm của Mỹ - Hàn với Triều Tiên chuyển biến tích cực

Tổng thống Trump và Tổng thống Moon dường như đang đặt cược niềm tin rằng ông Kim Jong Un là một nhà cải cách vì hòa bình trong lúc hội nghị liên Triều lần 3 khép lại.

Ngày 19/9, trong chuyến thăm Bình Nhưỡng 3 ngày của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, ông Moon và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã ký tuyên bố chung trong lúc bộ trưởng Quốc phòng hai nước đạt thỏa thuận mới nhằm tiếp tục giảm thiểu căng thẳng giữa hai miền bán đảo Triều Tiên.

Financial Times, nhận định không chỉ có tổng thống Hàn Quốc, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như cũng đặt cược lớn vào niềm tin rằng ông Kim thực sự là một lãnh đạo với chủ trương cải cách.

Tuần trước, Tổng thống Trump chấp nhận lời mời gặp mặt lần thứ hai với ông Kim Jong Un bằng một dòng "tweet" thân thiện: “Cảm ơn Chủ tịch Kim. Chúng ta sẽ cùng chứng tỏ những người khác đã sai”.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thường khiến thế giới hoặc e sợ hoặc giễu cợt. Tuy nhiên, phải chăng ông Kim là một nhà cải cách ẩn dật và thực sự mong muốn giải trừ vũ khí hạt nhân, đem lại hòa bình?

Đặt cược vào "vị lãnh đạo trẻ tuổi"

Giả thuyết (hay hy vọng) của Tổng thống Moon là sự khó lường của ông Kim và ông Trump có thể tạo điều kiện cho hòa bình. Trong vài thập kỷ qua, nền chính trị trên bán đảo Triều Tiên đi theo hướng dễ dàng đoán định khi những nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt thế bế tắc giữa hai miền Bắc, Nam liên tiếp thất bại.

Mục tiêu của tổng thống Hàn Quốc trong hội nghị thượng đỉnh lần này là thuyết phục chính quyền Bình Nhưỡng có những bước đi lớn hướng tới giải trừ hạt nhân và từ đó, thuyết phục ông Trump đáp lại thiện chí với những động thái mạnh mẽ tương tự.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Ảnh: Reuters.

Theo giới quan sát, chính sách của Hàn Quốc dựa trên những đánh giá táo bạo về ông Kim, người mà họ gọi là “nhà lãnh đạo trẻ”. Các cố vấn của Tổng thống Moon nhận định nhà lãnh đạo Triều Tiên “đang chiến đấu trong trận chiến cô độc với chính hệ thống của mình” để thúc đẩy tiến tới phi hạt nhân hóa.

Xung quanh ông Kim là nhiều quan chức mạnh mẽ ủng hộ chương trình hạt nhân, nhưng các cố vấn Hàn Quốc tin rằng ông Kim rất khác cha và ông nội, những người tiền nhiệm tạo nên một Triều Tiên quân sự hóa và cô lập.

Chính quyền Tổng thống Moon nhìn nhận ông Kim Jong Un là người hiểu biết về thế giới bên ngoài và muốn chấm dứt tình trạng cô lập của đất nước. Để đạt được những mục tiêu đó, theo họ, vị lãnh đạo trẻ tuổi hiểu rằng Triều Tiên phải xóa bỏ vũ khí hạt nhân.

Lối tiếp cận thiện chí

Nhiều chuyên gia, tại cả Washington và Seoul, hoài nghi và quan ngại rằng ông Moon có thể quá ngây thơ. Họ cho rằng chính quyền Hàn Quốc đang “bị mắc câu” bởi “mồi” của Triều Tiên khi nước này giả vờ nhượng bộ nhằm xoa dịu sức ép quốc tế và tranh thủ hỗ trợ kinh tế.

Những người hoài nghi cảnh báo Triều Tiên có thể sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Họ nhắc tới tiến trình phi hạt nhân hóa gần như dậm chân tại chỗ kể từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim Jong Un gặp mặt tại Singapore hôm 12/6. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, đối với Seoul, tình trạng bế tắc hiện giờ không phải bằng chứng cho thấy cam kết phi hạt nhân hóa đang "chết" mà nó chứng tỏ tiến trình này cần được tiếp cận theo một cách khác.

Trong khi Mỹ muốn Triều Tiên giải giáp hoàn toàn vũ khí hạt nhân trước khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, chính quyền ông Moon cho rằng hai quá trình này cần được thực hiện cùng lúc. Theo Seoul, Bình Nhưỡng sẽ đi theo con đường phi hạt nhân hóa nếu nhận được sự động viên trên suốt quãng đường.

Tại buổi họp báo ngày 19/9, Tổng thống Moon đã nói rằng Triều Tiên đồng ý giải trừ khu thử động cơ tên lửa, bệ phóng và cho phép thanh sát viên vào thanh tra nếu Mỹ cũng có biện pháp đáp lại thiện chí.

Lối tiếp cận này có lẽ sẽ không thuyết phục được những quan chức "diều hâu" trong chính quyền Trump, đặc biệt là Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton. Dẫu vậy, đây là lúc Hàn Quốc mong chờ những động thái bất ngờ của ông Trump có thể là chất xúc tác hỗ trợ nỗ lực của họ.

Hàn Quốc hy vọng sự bốc đồng và tự hào đối với “nghệ thuật đàm phán” của Tổng thống Trump sẽ khiến ông bỏ qua “những người theo chủ nghĩa chính thống”, những người cần nhìn thấy cam kết phi hạt nhân hóa xác minh, để thử mạo hiểm cho hòa bình.

Tranh cãi "diều hâu" và "bồ câu"

Lối tiếp cận của chính quyền ông Moon gây tranh cãi không chỉ tại Washington mà ngay tại Seoul, cánh tả và cánh hữu có sự chia rẽ sâu sắc.

Cả hai nhóm tập trung bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại Seoul. Nhiều người thuộc phe bảo thủ giơ khẩu hiệu thúc giục Tổng thống Trump công kích Triều Tiên, trong khi phe cực tả yêu cầu Mỹ rút quân đội khỏi bán đảo.

Phe bảo thủ tại Seoul lo ngại về chiều hướng của cuộc đàm phán hòa bình. Họ sợ rằng Tổng thống Moon và "phe bồ câu" cùng sự tự cao của Tổng thống Trump có thể dẫn đến việc Mỹ và Hàn Quốc phải nhượng bộ quá nhiều. Họ lo ngại các bên sẽ đồng ý về một thỏa thuận hòa bình vừa cho phép Triều Tiên duy trì vũ khí hạt nhân vừa mang tới lợi ích cho nước này khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Ông Kim Jong Un gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP.

Hahm Chaibong, chủ tịch Viện Asan, cơ quan nghiên cứu chính sách đối ngoại hàng đầu ở Seoul, lo lắng một thỏa thuận hòa bình lỗi có thể dẫn tới việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc. Điều này sẽ đẩy toàn bán đảo Triều Tiên vào quỹ đạo của Trung Quốc đang lên.

Theo đuổi hòa bình

Tuy nhiên, hiện tổng thống Hàn Quốc có nhiều mối bận tâm cấp bách hơn. Mới chỉ năm ngoái, ông Kim Jong Un còn thử tên lửa đạn đạo và bom nhiệt hạch, còn tổng thống Mỹ đe dọa đáp trả với “lửa và giận dữ”.

Thế giới đối mặt với viễn cảnh chiến tranh giữa hai quốc gia trang bị hạt nhân. Nhớ lại giai đoạn đó, không có gì bất ngờ khi ông Moon nỗ lực mở đường cho hòa bình.

Kết thúc hội nghị liên Triều lần thứ ba trong năm, ván bài mà theo các chuyên gia là chứa đựng nhiều rủi ro dường như đã có đột phá.

Tổng thống Moon cho hay Triều Tiên sẽ đóng cửa "vĩnh viễn" bãi thử nghiệm tên lửa Tongchang-ri. Ông cũng khẳng định một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân "không còn xa nữa" và cho biết hai bên đã nhất trí về những bước đi cụ thể để phi hạt nhân hóa.

Hai nhà lãnh đạo đồng ý sẽ biến bán đảo Triều Tiên trở thành "mảnh đất hòa bình và không còn mối đe dọa từ vũ khí và hạt nhân".

Cái ôm giữa Bình Nhưỡng của lãnh đạo 2 miền Triều Tiên Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đến Bình Nhưỡng để cứu vãn tiến trình phi hạt nhân hóa đang bế tắc giữa Mỹ và Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã ra sân bay để đón ông Moon.

Ngọc Hà
Theo Financial Times

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/van-bai-mao-hiem-cua-my-han-voi-trieu-tien-chuyen-bien-tich-cuc-post878040.html