Ván bài cuối cùng của Ngô Đình Nhu năm 1963 (Kỳ 1): Bẫy giả thành bẫy thật

Không phải là những kẻ khờ chịu để cho thuộc hạ làm đảo chính lật mình, Diệm Nhu đã biết trước vụ đảo chính và đã giăng ra một cái bẫy để bắt họ. Điều bất ngờ chỉ là đến phút cuối, chính cái bẫy giả mà họ giăng ra trở thành bẫy thật đối với chính họ.

Kế hoạch Bravo

Tình hình chính trị ở miền Nam Việt Nam từ tháng 5.1963 bắt đầu trở nên căng thẳng. Kể từ sau sự kiện Phật Đản ngày 8.5 ở Huế rồi đến vụ hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 11.6.1963, áp lực chính trị ngày càng gia tăng mạnh mẽ lên anh em Diệm Nhu.

Phía Mỹ cảm thấy mất kiểm soát đối với Diệm nên muốn thay Diệm. Còn trong nội bộ, một số đông tướng lĩnh bất mãn với Diệm cũng đang ráo riết vận động để đảo chính. Để đối phó tình hình này, Ngô Đình Nhu chuẩn bị một kế hoạch chống đảo chính mang tên kế hoạch Bravo.

Theo cuốn Cái chết của anh em nhà Ngô, Nhu sử dụng Nguyễn Khánh và Tôn Thất Đính làm con bài tẩy để thực hiện một cuộc đảo chính giả.

Kế hoạch gồm 2 bước. Bước I, Khánh và Đính có nhiệm vụ thăm dò và nhận lời với bất cứ ai rủ đảo chính. Khi đảo chính xảy ra, Diệm và Nhu sẽ bay ra Vũng Tàu để hóng mát chờ Tôn Thất Đính thực hiện bước II. Tức là sử dụng lực lượng quân đội của Đính để gom sạch vào rọ những kẻ tham gia đảo chính. Nhu tâm đắc gọi đây là chiêu “cháy nhà để lòi mặt chuột ra”. Ông ta tự tin bằng kế hoạch này sẽ triệt tiêu tất cả những mầm mống chống đối ở bên trong, đồng thời “vỗ mặt” Mỹ.

Cũng cần nói qua về lý lịch của 2 con bài tẩy trong kế hoạch của Ngô Đình Nhu là Nguyễn Khánh và Tôn Thất Đính. Nguyễn Khánh, vào đầu năm 1963 là Tư lệnh quân đoàn II, trấn thủ ở Tây Nguyên – một vùng quân sự hiểm yếu. Bất cứ ai muốn đảo chính quân sự sẽ phải bắt tay Khánh nếu không sẽ khó thành. Anh em Diệm tin tưởng Nguyễn Khánh như người nhà và có nhiều ưu đãi với viên tướng này kể từ sau vụ đem quân về “cứu giá” trong vụ Nguyễn Chánh Thi đảo chính hồi năm 1960.

Viên tướng được tin tưởng thứ 2 là Tôn Thất Đính – Tư lệnh quân đoàn III kiêm Tổng trấn Sài Gòn. Đính xuất thân từ sĩ quan thiết giáp trong quân đội Pháp, sau này nhận thấy anh em Diệm được Mỹ ủng hộ nên Đính lân la làm quen với Ngô Đình Cẩn rồi nhận Cẩn làm cha nuôi. Chính Đính là kẻ được Diệm - Nhu tin tưởng giao cho việc soạn thảo kế hoạch Bravo.

Đảo chính giả thành thật

Vào sáng ngày 1.11, tất cả tướng lãnh, sỹ quan cao cấp trong quân đội Sài Gòn được mời đến Bộ Tổng tham mưu để dự tiệc. Theo lệnh tướng Dương Văn Minh và Trần Văn Đôn, 2 xe thiết giáp và 1 tiểu đoàn tân binh được điều từ trung tâm huấn luyện Quang Trung về đây để hỗ trợ lính gác cổng. Họ được lệnh bắn bỏ bất cứ ai, kể cả cấp tướng nếu muốn rời khỏi cổng Bộ Tổng tham mưu mà không có lệnh của Đôn hay Minh.

Sau khi tập trung đầy đủ các tướng lĩnh, Minh tuyên bố đảo chính lật đổ Diệm Nhu. Giờ khởi sự được ấn định là 13h. Sau lời tuyên bố này, các đại tá: Lê Quang Tung – chỉ huy lực lượng đặc biệt, đại tá Huỳnh Hữu Hiển – Tư lệnh Không quân, Trần Văn Tư – Giám đôc Cảnh sát Sài Gòn và đại tá Cao Văn Viên tỏ ý chống đối bị bắt giam ngay.

13h30, quân đảo chính bắt đầu nổ súng, họ đeo một khăn quàng màu đỏ để phân biệt. Đầu tiên, họ tấn công vào Bộ tư lệnh Hải quân, trụ sở Bộ Quốc phòng, bưu điện Trung ương và sân bay Tân Sơn Nhất và nhanh chóng chiếm mục tiêu. Tổng nha Cảnh sát bị 500 lính thủy đánh bộ bao vây. Một tiểu đoàn dù đánh chiếm Đài phát thanh và đụng độ dữ dội với quân của Nhu. Tại dinh Gia Long – nơi Diệm Nhu ở, quân đảo chính và quân bảo vệ giao tranh dữ dội.

Thượng tọa Thích Quảng Đức tự thiêu trên đường Lê Văn Duyệt trong cuộc đảo chính.

Nghe tiếng súng nổ, Ngô Đình Nhu vẫn tin tưởng kế hoạch Bravo đang diễn ra đúng ý mình. Ông liên lạc với Tôn Thất Đính để biết tình hình nhưng không thể liên lạc được. Diệm cũng gọi cho Trần Văn Đôn vờ vịt hỏi: “Các anh làm cái gì vậy?”. Đôn trả lời thẳng rằng quân đội muốn lật đổ chính quyền Diệm, yêu cầu Diệm đầu hàng vô điều kiện. Diệm định cù cưa để điều quân ở ngoài về “cứu giá” như hồi năm 1960 nên mời các tướng vào dinh Gia Long để thương thuyết và chấp nhận giao chính quyền cho quân đội.

Phe đảo chính dí súng vào đầu Lê Quang Tung – một kẻ trung thành với Diệm, bắt Tung kêu gọi Diệm đầu hàng qua loa phóng thanh. Tung báo cho Diệm biết Khánh và Đính đã phản bội. Đến lúc này, Diệm Nhu mới bàng hoàng nhận ra tình thế đã không còn trong tầm kiểm soát của mình. Kế hoạch Bravo rõ ràng đã mất tác dụng vì 2 con bài tẩy đã phản phé.

Trong khi đó, quân hai phe vẫn đánh nhau điên cuồng. Diệm Nhu ra lệnh tử thủ ở dinh Gia Long. Phe đảo chính thì lệnh cho Nguyễn Cao Kỳ dùng máy bay ném bom vào dinh. Giao tranh vẫn còn tiếp diễn quyết liệt trong đêm 1.11. Phải đến khoảng 5h45 sáng ngày 2.11, Phạm Ngọc Thảo chỉ huy một đơn vị xe tăng xung phong mới đánh bật được lực lượng bảo vệ và vào được dinh. Tuy vậy, anh em Diệm Nhu đã mất hút từ bao giờ. Ván bài vẫn chưa kết thúc mặc dù tiếng súng đảo chính dường như đã thành công sau khi dập tắt được các ổ kháng cự.

Theo Trần Vũ (Đời Sống & Pháp Luật)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/van-bai-cuoi-cung-cua-ngo-dinh-nhu-nam-1963-ky-1-bay-gia-thanh-bay-that-929090.html