Ván bài cân não

Ngày 20-6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran - ông Saeed Khatibzadeh tuyên bố trong một cuộc họp báo: Ngay ở thời điểm hiện tại, Iran sẵn sàng trở lại bàn đàm phán tại Vienna (Áo) để đạt được một thỏa thuận tốt đẹp.

Tuy nhiên, vẫn như những gì đã diễn ra trong câu chuyện này suốt 18 tháng qua, ông cũng làm rõ rằng điều này chỉ có thể được thực hiện nếu phía Mỹ thực thi các cam kết của mình. Nghĩa là, bước đột phá đích thực cho tiến trình hồi sinh thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vẫn còn rất xa vời.

Mùa hè nóng bỏng

Cho đến lúc này, những diễn biến liên quan tới JCPOA vẫn mang dáng dấp của một cuộc chơi thử thách lòng kiên nhẫn, từ cả Tehran và phương Tây.

Cuộc thương thảo trong mịt mờ.

Cuộc thương thảo trong mịt mờ.

Ngày 8-6, Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông qua một nghị quyết, theo đó chính thức chỉ trích Iran thiếu hợp tác với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp quốc. Nghị quyết do Mỹ, Anh, Pháp và Đức đề xuất nhưng bị Nga và Trung Quốc bỏ phiếu phản đối.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6-2020, IAEA ra nghị quyết chỉ trích Iran, trong bối cảnh các nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Tehran và các cường quốc hiện đang bế tắc. Cùng ngày, Mỹ, Anh, Pháp và Đức hối thúc Iran "thực hiện các nghĩa vụ pháp lý và hợp tác với IAEA".

Ngày 9-6, Bộ Ngoại giao Iran ra thông báo nêu rõ: "Iran lên án việc thông qua nghị quyết do Mỹ, Anh, Pháp và Đức đề xuất tại cuộc họp Hội đồng Thống đốc IAEA. Đây là một hành động mang tính chất chính trị, không mang tính xây dựng và sai trái", theo AFP.

Song song, Tổng Giám đốc IAEA - ông Rafael Grossi cho biết Iran đang gỡ bỏ 27 camera giám sát tại các cơ sở hạt nhân. Ông nhấn mạnh rằng, điều này "tất nhiên đặt ra thách thức nghiêm trọng", gây khó khăn cho công việc giám sát của IAEA tại đây.

Theo ông Rafael Grossi, về cơ bản, Iran đang loại bỏ tất cả thiết bị giám sát bổ sung của IAEA đã được lắp đặt theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà nước này ký với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) vào năm 2015. Hiện chỉ còn 3-4 tuần nữa là đến thời hạn chót khôi phục thỏa thuận này. Do đó, quyết định của Iran "sẽ là đòn giáng mạnh (đối với nỗ lực khôi phục thỏa thuận)".

Trước đó, ngay từ cuối tháng 5, Tehran đã lên tiếng cho rằng báo cáo của IAEA về việc phát hiện các vật liệu hạt nhân không được khai báo tại 3 cơ sở ở nước này (Marivan, Varamin và Turquzabad), là "không phản ánh thực tế các cuộc đàm phán giữa Iran và IAEA, và đó không phải là một báo cáo công bằng".

Iran cũng vẫn nhận được sự hậu thuẫn quan trọng từ Nga - nước tuyên bố không ủng hộ nghị quyết về Iran của IAEA. Đại sứ Nga tại Liên Hợp quốc Mikhail Ulyanov làm rõ lập trường của Moskva: "Ngày càng thấy rõ ý định của các đối tác phương Tây tham gia cuộc đàm phán ở Vienna để thông qua một nghị quyết về Iran tại phiên họp đang diễn ra của Hội đồng Thống đốc IAEA là rất phản tác dụng đối với JCPOA".

Tuy vậy, đến ngày 13-6, Bộ Ngoại giao Iran lại khẳng định: Mọi biện pháp mà nước này áp dụng để rút lại những cam kết theo JCPOA là "có thể đảo ngược". Đây có thể xem là sự hồi đáp dành cho lời kêu gọi của IAEA một ngày trước đó, hối thúc Iran nối lại tiến trình đàm phán "ngay lập tức", nhằm tránh khỏi một cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến "vô cùng nhiều khó khăn mới" trong nỗ lực cứu vãn JCPOA.

Như vậy, không những không tiến triển, các vận động liên quan tới JCPOA dường như còn có những biểu hiện "tụt lùi", cho dù từ đầu năm nay, các phía đều đã bày tỏ những niềm lạc quan rằng tiến trình hồi sinh thỏa thuận lịch sử này đã đến rất gần điểm quyết định cuối cùng.

Thời gian đứng về phía ai?

Từ nỗi lo lắng mà Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi bộc lộ, dường như, việc quỹ thời gian đã dần cạn kiệt lại đang được sử dụng như một "lá bài tẩy", nhằm đạt được những bước tiến trên bàn đàm phán có lợi cho mình, từ phía Tehran.

Tehran không vội vã. Trong một chiến lược xuyên suốt kể từ khi các cuộc đàm phán được nối lại, họ vẫn luôn sở hữu một lợi thế quan trọng, của kẻ "không có gì nhiều để mất". Một cách ngắn gọn, Mỹ và phương Tây khó có thể đưa ra thêm những biện pháp trừng phạt nặng nề hơn nữa, so với những lệnh cấm vận hà khắc đã liên tục được áp đặt lên nước cộng hòa Hồi giáo ở Trung Đông này, ở nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Dưới thứ sức ép ghê gớm từng liên tục được gia tăng và đẩy đến những giới hạn chịu đựng cuối cùng ấy, Tehran vẫn không sụp đổ. Họ đã đứng vững, ngay cả trong bối cảnh cực kỳ khó khăn của những năm đại dịch toàn cầu COVID-19 hoành hành. Do đó, Iran lại càng chẳng có nhiều lý do để phải vội vã "bập vào" bất cứ cam kết mới nào.

Trong khi đó, ngược lại, đến thời điểm hiện tại, Iran vẫn chưa chấp thuận xem Mỹ là phía tham gia đàm phán chính thức với mình, để hồi sinh JCPOA. Các phái đoàn Mỹ vẫn phải thương thảo gián tiếp, thông qua những cường quốc đồng minh châu Âu. Họ không có kênh liên lạc trực tiếp nào với Tehran và vẫn phải nỗ lực gửi đi những thông điệp khác nhau, hòng tác động vào các cuộc thương nghị.

Hiện tại, Iran đang là phía nắm giữ nhiều lợi thế hơn.

Vấn đề là, cho đến cuối tháng trước, khi Washington đe dọa rằng có thể sẽ lại tăng cường thêm các biện pháp trừng phạt đối với Iran, những cánh cửa dường như càng đóng chặt lại.

Vấn đề là, hơn cả chuyện quỹ thời gian dành cho đàm phán JCPOA đã dần cạn kiệt, chính quyền đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang phải đối diện với một thứ sức ép thời gian khác: Cuộc bầu cử giữa kỳ, diễn ra vào tháng 11 tới.

Tehran, cũng như giới quan sát quốc tế, đều biết rõ rằng chính quyền Mỹ hiện tại rất cần một thành công trên phương diện ngoại giao - mà hồi sinh JCPOA sẽ là thắng lợi lý tưởng - để "đánh dấu" thành tựu, sẵn sàng cho những đợt công kích sẽ đến từ phía đảng Cộng hòa đối lập. Đặc biệt, khi cuộc xung đột quân sự tại miền Đông Ukraine đã và đang tạo nên những hệ lụy to lớn cho nền kinh tế và tâm trạng xã hội toàn cầu nói chung cũng như nước Mỹ nói riêng, việc giải quyết dứt điểm được vấn đề JCPOA cũng là cách để xoa dịu đi những "bức bối" bởi giá xăng hay tình trạng lạm phát chi phí sinh hoạt.

Mới nhất, ngày 20-6, theo kết quả một cuộc khảo sát của tờ Wall Street Journal với các nhà kinh tế hàng đầu, xác suất Mỹ rơi vào suy thoái trong năm tới là khoảng 44%. Có tới 53 nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Wall Street Journal - những người được thăm dò ý kiến, sau đợt tăng lãi suất gần đây nhất, cho biết họ dự báo Cục Dự trữ liên bang (FED) sẽ tăng lãi suất lên 3,3% vào cuối năm nay. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen thì bi quan dự báo: Nền kinh tế Mỹ sẽ chậm lại và rất khó để chống lại suy thoái.

Áp lực chính trường, do đó, đang càng lúc càng đè nặng lên chủ nhân hiện tại của Nhà Trắng. Và, JCPOA sẽ không chỉ là một thành tựu ngoại giao đơn thuần. Bởi vì, chuyện hồi sinh thỏa thuận ấy đã từng được đưa vào cương lĩnh tranh cử cũng như chương trình hành động, bởi vì nó đã được xúc tiến suốt cả năm qua, nên nếu đến kỳ bầu cử cuối năm JCPOA vẫn bị đóng băng như hiện tại, nó sẽ trở thành một thất bại. Một mục tiêu công kích, như biểu hiện của sự bất lực.

Từ khía cạnh này, có thể thấy, phía "nóng ruột" hơn không phải là Tehran, mà là Washington. Song, họ lại không muốn, cũng không thể và chưa có cơ hội để thể hiện rằng mình cũng sẵn sàng nhượng bộ ở các điểm then chốt. Việc Mỹ từ chối lời đề nghị của Iran - đưa lực lượng Vệ binh Cách mạng quốc gia Iran khỏi danh sách "khủng bố" - là một biểu hiện điển hình. Nó cho thấy rằng hai phía vẫn còn đứng cách nhau rất xa về lập trường và thiếu rất nhiều niềm tin chiến lược. Do vậy, họ vẫn tiếp tục kéo nhau vào một ván bài cân não chưa hồi kết.

Để đạt được kết quả trong một cuộc thương thảo quan trọng như JCPOA, không thể không có những điểm thỏa hiệp và những nhượng bộ cốt lõi. Có lẽ những điều đó cuối cùng vẫn sẽ xuất hiện - có thể là đột ngột đến sững sờ, như cách quân đội Mỹ triệt thoái toàn bộ khỏi Afghanistan năm ngoái. Chỉ là, chưa ai dám chắc chúng sẽ xuất hiện ở thời điểm nào.

Đông Phong

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/van-bai-can-nao-i658176/