Ván bài cân não của Nga giữa Trung Quốc và Ấn Độ

Trong khi Nga đang xích lại gần Trung Quốc, liệu Moscow sẽ làm như thế nào để duy trì mối quan hệ thân thiện lâu nay với một trong những đối thủ trong khu vực tương lai của Bắc Kinh?

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Vladivostok để tham gia Diễn đàn kinh tế phương Đông thường niên gần đây, Moscow và New Delhi đã ký 15 thỏa thuận về các lĩnh vực từ quốc phòng đến năng lượng. Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng đã cam kết đầu tư 1 tỷ USD cho vùng Viễn Đông của Nga, một khu vực mà Điện Kremlin từ lâu đã tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù ông Modi là khách mời chính của diễn đàn năm nay, Trung Quốc vẫn là tâm điểm chú ý của nhiều nhà quan sát nước ngoài tại sự kiện này. Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng là nhân vật chính và sự gắn kết giữa Moscow và Bắc Kinh là một trong những câu chuyện địa chính trị lớn nhất trong thập kỷ này. Với việc Nga đang tiến gần hơn đến Trung Quốc, Moscow có thể xoay sở ra sao để duy trì mối quan hệ cân bằng với cả Ấn Độ?

Thu hút sự chú ý tới Viễn Đông

Với sự tham dự của ông Modi, Diễn đàn kinh tế phương Đông đã tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ tư. Sự kiện này đã được hoan nghênh khi Nga thúc đẩy trục kinh tế xoay sang phía đông, hướng về châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, để buôn bán và đầu tư. Trong đó, khu vực Viễn Đông kém phát triển là một trong những ưu tiên hàng đầu của Moscow.

Ông Modi là khách mời chính tại Diễn đàn kinh tế phương Đông năm nay. Ảnh: Reuters.

Ông Modi là khách mời chính tại Diễn đàn kinh tế phương Đông năm nay. Ảnh: Reuters.

Dù vậy, cho tới nay, Artyom Lukin, phó giám đốc nghiên cứu của Trường Nghiên cứu khu vực và quốc tế thuộc Đại học Liên bang Viễn Đông cho rằng kết quả từ những nỗ lực của Moscow để thu hút đầu tư từ châu Á đến vùng Viễn Đông còn mờ nhạt.

Theo nghiên cứu của Lukin, chỉ có bốn dự án đầu tư lớn của Trung Quốc ở Viễn Đông Nga và tổng giá trị của chúng chưa đến 1 tỷ USD. Bốn dự án này là một sòng bạc gần Vladivostok, một mỏ khai thác than ở Lãnh thổ vùng lãnh thổ Trans-Baikal, một mỏ khai thác vàng cũng ở Trans-Baikal, và một công ty khai thác quặng sắt ở Khu tự trị Do Thái.

Dù Moscow có nhiều ưu đãi, các nhà đầu tư Trung Quốc và nước ngoài khác không đổ xô đến Viễn Đông vì hai lý do chính. Đầu tiên, các lệnh trừng phạt của phương Tây là một rào cản lớn với cái giá phải trả rất cao đủ răn đe nhiều nhà đầu tư. Thứ hai, khai thác tài nguyên thiên nhiên, ưu điểm chính lớn của Viễn Đông Nga, cũng tiềm ẩn nguy cơ thâm hụt vốn do điều kiện môi trường khắc nghiệt và thiếu cơ sở hạ tầng thích hợp. Đối với các doanh nhân nước ngoài từng nghĩ tới khu vực này, lợi tức đầu tư đắt đỏ của họ không được đảm bảo.

Do đó, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã chọn tìm kiếm nguyên liệu thô ở những nơi như Brazil hoặc Indonesia chứ không phải ở vùng Viễn Đông của Nga.

Khi sự đầu tư của Trung Quốc cho đến nay là chưa nhiều, Moscow đã bắt đầu hướng tới New Delhi. Chuyên gia Lukin giải thích rằng việc Modi làm khách mời chính tại Diễn đàn kinh tế Đông phương năm nay được thúc đẩy một phần bởi ý tưởng muốn khơi dậy cảm giác cấp bách hơn ở Bắc Kinh.

Tôi nghĩ rằng bằng cách mời ông Modi đến Vladivostok, ông Putin có lẽ đang mong muốn dấy lên phản ứng từ Trung Quốc, để cho Trung Quốc thấy rằng nếu bạn không muốn đầu tư vào Viễn Đông thì người Ấn Độ sẽ làm".

Tại Diễn đàn kinh tế phương Đông năm nay, Moscow và Delhi đã ký một số bản ghi nhớ cấp cao, bao gồm: kế hoạch phát triển hành lang hàng hải từ Vladivostok đến thành phố cảng Ấn Độ Chennai, một thỏa thuận cho Ấn Độ sản xuất phụ tùng cho các thiết bị quân sự của Nga, một thỏa thuận của các công ty Ấn Độ H-Energy và Petronet LNG để mua LNG của Nga và dự án khai thác chung giữa công ty nhà nước Ấn Độ Coal India Limited và hai công ty Nga.

Hơn nữa, ông Modi tuyên bố rằng Ấn Độ cũng sẽ đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế ở Viễn Đông Nga.

Cán cân nghiêng về Trung Quốc, nhưng Nga vẫn có thể "xoay sở"

Tuy nhiên, Ấn Độ còn một chặng đường dài trước khi có thể cạnh tranh với Trung Quốc để giành thị trường Viễn Đông Nga hoặc bất kỳ nơi nào khác tại Nga. Năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa Nga và Ấn Độ là 11 tỷ USD. Trong cùng khoảng thời gian đó, giao dịch thương mại giữa Nga và Trung Quốc được định giá 107 tỷ USD.

Về quốc phòng, câu chuyện là tương tự. Mặc dù Nga và Ấn Độ có một lịch sử hợp tác quân sự lâu dài và phong phú, Bắc Kinh đã làm lu mờ New Delhi trong một số khía cạnh quan trọng. Viktor Murakhovsky, tổng biên tập tạp chí quốc phòng Nga Arsenal of the Fatherland tuyên bố rằng, trong khi Nga là đối tác chiến lược chính thức với cả Trung Quốc và Ấn Độ, thì sự phối hợp quân sự với người trước sâu sắc hơn nhiều so với người sau.

Chúng tôi có quan hệ đối tác chiến lược với cả Trung Quốc và Ấn Độ, ông nói. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rất rõ rằng mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc có tầm quan trọng và chất lượng khác với mối quan hệ với Ấn Độ.

Nếu chúng ta nói về sự tương tác giữa quân đội của cả hai nước, tập trận quân sự chung và lập kế hoạch quân sự chung, thì mối quan hệ của chúng ta với Ấn Độ trong lĩnh vực này chủ yếu là chính thức và mang tính biểu tượng", Murakhovsky nói.

Tất cả các chuyên gia Nga mà tờ National Interest đã tiếp xúc đều bày tỏ sự tin tưởng rằng Moscow sẽ không chọn giữa Bắc Kinh và New Delhi. Họ cho rằng, mặc dù các phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin về một cuộc cạnh tranh đang gia tăng giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai nước vẫn chưa đi tới mức là đối thủ của nhau. Nhìn vào mối quan hệ Trung-Ấn trong những năm gần đây, các chuyên gia Nga đã thấy một số dấu hiệu đáng khích lệ, chẳng hạn như Bắc Kinh và New Delhi đã giảm leo thang thành công cuộc khủng hoảng biên giới năm 2017, không có sự triển khai quân sự lớn từ một trong hai nước nhắm vào nước kia, và thái độ tích cực của ông Modi và ông Tập Cận Bình đối với nhau.

Những yếu tố này kết hợp lại đã khiến Moscow tin tưởng rằng cả Bắc Kinh và New Delhi sẽ không phản đối những nỗ lực của Nga nhằm duy trì mối quan hệ thân thiện với bên kia. Hơn nữa, một số nhà phân tích Nga cũng nhìn thấy cơ hội từ việc phương Tây căng thẳng với Ấn Độ về vấn đề Kashmir.

Andranik Migranyan, một cố vấn không chính thức cho chính phủ Nga, cho rằng, bằng cách chỉ trích ông Modi, phương Tây đang lặp lại sai lầm đã đẩy Nga từ sau năm 2014 tiến gần hơn đến Trung Quốc.

Ông còn dự đoán rằng nếu phương Tây tiếp tục gây sức ép với Ấn Độ thì New Delhi sẽ tiến tới giải quyết các bất đồng với Trung Quốc và cùng Nga, Trung tạo dựng liên minh chống lại phương Tây.

Quý Hoàng

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/van-bai-can-nao-cua-nga-giua-trung-quoc-va-an-do-2019091211193239.htm