Vali tiền, đồng hồ siêu sang... hối lộ quan chức bệnh viện Trung Quốc

Kết quả một cuộc điều tra do hãng New York Times công bố cho hay, GE, Siemens và các hãng sản xuất thiết bị y tế khác đang thu được lợi nhuận nhờ chi tiền hối lộ các giám đốc bệnh viện tại Trung Quốc. Còn người phải trả giá là 1,4 tỉ dân của nước này.

Theo New York Times, một chuyến đi tắm hơi, một gói vào câu lạc bộ đánh golf, đồng hồ đắt tiền hay chiếc vali chứa tới 220.000 USD tiền mới cứng chỉ là một số trong vô vàn cách mà các công ty nước ngoài bị cáo buộc sử dụng để hối lộ các quan chức y tế ở Trung Quốc.

Những cọc tiền trong cốp xe

Cách thức thì có thể khác nhau nhưng mục đích của các công ty này thì đều giống nhau, đó là khiến các bệnh viện công đồng ý mua các thiết bị y tế có giá hàng triệu USD do các hãng này sản xuất.

New York Times cho biết, kết quả khảo sát hồ sơ của hàng chục phiên tòa tham nhũng trong lĩnh vực y tế tại Trung Quốc, các tài liệu nội bộ của các công ty cũng như phỏng vấn với những người làm việc trong các công ty trên do hãng tin này thực hiện cho thấy các hãng sản xuất nước ngoài có vai trò quan trọng trong việc khiến nạn tham nhũng trở nên tràn lan trong ngành y tế Trung Quốc.

Trong đó, theo hồ sơ của hàng chục vụ việc đã bị đưa ra tòa án Trung Quốc xét xử, nhân viên của các hãng như GE, Philips và Siemens khai nhận đã hối lộ các quan chức Trung Quốc vốn chỉ được nhận mức lương khiêm tốn tại các bệnh viện công.

Ví dụ, trong một vụ án được đưa ra xét xử năm 2016, Giám đốc một bệnh viện tên Wu Dagong đã nhận hối lộ 1 triệu USD từ 2 nhân viên bán hàng GE để đồng ý ký hợp đồng mua 1 máy chụp cắt lớp vi tính (CT) giá 4 triệu USD của công ty.

Ngoài ra, ông này cũng đã nhận hối lộ 220.000 USD từ một nhà thầu của bán hàng của G.E. Nhà thầu đã xếp những cọc tiền mới cứng vào trong một chiếc vali, sau đó cùng Wu đi ra xe của ông ta và nhẹ nhàng đặt chiếc vali vào cốp xe. Với hành vi nhận hối lộ, Wu sau đó đã phải nhận bản án 15 năm tù giam.

Năm 2016, giám đốc một bệnh viện ở thành phố Khâm Châu, Quảng Tây tên Chen Fengkun cũng đã nhận tổng cộng tới 900.000 USD tiền hối lộ từ đại diện bán hàng của hãng Siemens để đồng ý mua 1 chiếc máy máy chụp cộng hưởng từ (MRI) của hãng.

Trong vụ việc này, đại diện của Siemens cũng đã nhét những cọc tiền vào những chiếc hộp và tế nhị để vào cốp xe của Chen. Vụ việc bị phát giác, Chen cũng đã bị kết án 15 năm tù.

Ngoài ra, các bên thứ 3 – trên danh nghĩa là các công ty trung gian bán hàng cho cho các hãng sản xuất – cũng là một kênh đắc lực được sử dụng để đưa hối lộ. Phương thức này thuận tiện ở chỗ nếu bị phát hiện, các công ty sẽ tuyên bố chấm dứt quan hệ với các nhân viên hay đại diện bán hàng có sai phạm, đồng thời phủi trách nhiệm bằng cách khẳng định họ luôn tuân thủ luật pháp.

“Đại dịch” trong ngành y

Theo New York Times, khi Trung Quốc ngày càng trở nên giàu có hơn, người dân nước này cũng bắt đầu khao khát những chiếc điện thoại thông minh tinh vi, thực phẩm tươi sống hơn và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Điều này tạo ra cơ hội kinh doanh lớn cho các công ty phương Tây. Ở một số ngành như ngành y tế, thực trạng này làm nảy sinh “văn hóa” hối lộ và tham nhũng.

Trong khi đó, dù các công ty nội địa của Trung Quốc thời gian qua đã có những bước tiến vượt trội nhưng các công ty nước ngoài như G.E. và Siemens mới là những công ty đang thống trị thị trường máy chụp CT, MRI và các thiết bị khác mà Trung Quốc cần để phát hiện bệnh ung thư và các bệnh mãn tính khác. Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 22 tỷ USD các thiết bị y tế.

Các quan chức ở Trung Quốc và các nước khác trong nhiều năm đã tìm cách dẹp nạn tham nhũng. Ví dụ, hãng Siemens trong năm 2008 đã cam kết sẽ xem xét kỹ lưỡng các hoạt động mua bán của hãng này, bao gồm cả việc bán thiết bị y tế tại Trung Quốc, để phòng ngừa và phát hiện tham nhũng.

Giới chức Trung Quốc 5 năm trước cũng đã buộc nhà sản xuất dược phẩm GlaxoSmithKline của Anh phải trả gần 500 triệu USD vì hành vi hối lộ các bác sĩ và bệnh viện. Song, một cuộc điều tra do tờ báo Suddeutsche Zeitung của Đức hồi năm ngoái vẫn phát hiện hàng chục vụ nhân viên và đại diện bán hàng của công ty Siemens bị cáo buộc hối lộ các quan chức Trung Quốc.

Kết quả điều tra của New York Times cũng nhận thấy trong nhiều vụ việc đã bị phanh phui, các công ty của nước ngoài đã sử dụng nhiều lớp trung gian giữa nhà sản xuất và giám đốc bệnh viện để tiến hành việc hối lộ.

Chính những người trung gian đó đã thực hiện việc định giá và tính tiền hối lộ, hoa hồng. Các tài liệu của các hãng và các bệnh viện cho thấy, trong hàng chục thương vụ của Siemens và GE bị phát hiện có tiêu cực, giá của sản phẩm đã bị đẩy lên 50%, thậm chí gấp đôi so với giá thực khi có bên thứ 3 tham gia.

Những màn diễn xuất sắc

Theo điều tra của New York Times, về mặt lý thuyết, các bệnh viện ở Trung Quốc vẫn tiến hành đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị y tế. Có điều, với sự “can dự” của đồng tiền, những cuộc đấu thầu chỉ là “màn trình diễn”.

Trong vụ giám đốc một bệnh viện ở Bắc Kinh tên Xiao Feng phải ra tòa về cáo buộc nhận hối lộ 330.000 USD để mua các thiết bị Toshiba và Siemens, một quan chức khác của bệnh viện thừa nhận rằng việc đấu thầu “chỉ là hình thức”, để quá trình mua bán trở nên hợp pháp và hợp lý. Một đại lý bán hàng của Toshiba khi ra tòa cho hay, các công ty bán hàng đều biết rõ việc đấu thầu chỉ là hình thức. “Đây là quy tắc bất thành văn trong ngành. Chúng tôi bắt tay với nhau”, người này thừa nhận.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

New York Times cho hay, gần 1,4 tỉ người dân ở Trung Quốc cuối cùng chính là những người phải chịu những tổn thất do tình trạng tham nhũng gây ra. Bởi, các nhân viên bán hàng đã tăng giá các thiết bị để lấy tiền cho việc hối lộ và lại quả. Họ cũng từ chối giảm giá các thiết bị này để có tiền chi cho hoạt động phi pháp, kéo theo việc chi phí thực hiện các thủ thuật tại bệnh viện tăng tới 50% hoặc thậm chí hơn.

“Tham nhũng đang lan rộng như một đại dịch trong ngành y tế Trung Quốc”, ông Yanzhong Huang – một học giả cao cấp về y tế toàn cầu ở Hội đồng Quan hệ Quốc tế (CFR) – nhận định. Theo ông Huang, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là lương của các nhân viên trong ngành y tế nhà nước ở Trung Quốc quá thấp so với khu vực tư nhân. “Kết quả trực tiếp của tình trạng này là việc người bệnh phải trả chi phí thăm khám và điều trị cao hơn”, vị chuyên gia nhận định.

Điển hình là vụ việc cũng xảy ra vào năm 2016, trong đó giám đốc một bệnh viện ở tỉnh An Huy tên Gao Xuezhong đã bị kết tội nhận hối lộ từ giám đốc bán hàng của Siemens. Hồ sơ vụ việc cho thấy, khoản tiền hối lộ đã được chi trả cho Gao bằng tiền mặt, những ngôi nhà do vợ và con của ông ta đứng tên.

Kết quả là giá của 1 chiếc máy MRI mà bệnh viện của Gao mua từ Siemens đã bị “đội” giá từ 1,3 triệu USD lên 1,7 triệu USD. Khoản tiền chênh lệch được Gao và giám đốc bán hàng của Siemens chia nhau đút túi. Trong vụ việc này, Gao cũng đã phải trả giá bằng bản án 11 năm tù.

Trong vụ Siemens bán máy chụp MRI cho Học viện Y học Trung Quốc ở Bắc Kinh, giá thật của thiết bị này chỉ là 2.800 USD nhưng khi qua môi giới có giá lên tới 4.700 USD. Cựu giám đốc phụ trách tuân thủ luật pháp cho đơn vị y tế của Siemens ở Trung Quốc Meng-Lin Liu từng cáo buộc Siemens biết rõ về nạn hối lộ do các nhân viên của công ty tiến hành. Liu đã bị sa thải khi quyết định trở thành “người thổi còi”, tố giác sai phạm trong công ty của ông ta.

“Tất cả cấu kết với nhau... Mọi người đều biết. Vấn đề là làm sao để mọi người lên tiếng”, ông Liu nói.

Minh Ngọc / Pháp luật Bốn phương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/4-phuong/vali-tien-dong-ho-sieu-sang-hoi-lo-quan-chuc-benh-vien-trung-quoc-483186.html