Vài ý kiến về cuốn sách 'Bồi dưỡng kiến thức môn Ngữ văn trung học cơ sở'

Đó là cuốn 'Bồi dưỡng kiến thức môn Ngữ văn trung học cơ sở' (Dành cho học sinh tỉnh Sóc Trăng) do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản, tháng 02/2020.

Đây là một dạng “Đề cương ôn tập” phổ biến của các Sở Giáo dục trước đây nhằm “định hướng” kiến thức trong đề thi tốt nghiệp trung học cơ sở và thi tuyển vào lớp 10 (trước đây thi tốt nghiệp trung học cơ sở, sau này xét tốt nghiệp, không thi).

Cái được của cuốn sách này là giúp học sinh hệ thống hóa kiến thức cơ bản môn Ngữ văn cấp trung học cơ sở một cách bài bản, khoa học.

Bên cạnh đó là học sinh được làm quen một số dạng, kiểu đề thi theo hướng mới để tự tin hơn khi làm bài thi sau này.

Mặt khác, cuốn sách “còn hỗ trợ, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho những học sinh có năng khiếu và nguyện vọng tuyển sinh vào trường chuyên, thi học sinh giỏi lớp 9” (trích trong “Lời nói đầu”).

Cái chưa được của cuốn sách có thể có nhiều nhưng tôi chỉ đưa ra một số mặt hạn chế trên tinh thần cầu thị như trong “Lời nói đầu” đã nêu rõ:

Chúng tôi mong nhận được sự đóng góp ý kiến quý báu từ phía giáo viên, học sinh để cuốn sách hoàn thiện hơn trong lần tái bản”.

Cuốn sách “Bồi dưỡng kiến thức môn Ngữ văn trung học cơ sở” (Dành cho học sinh tỉnh Sóc Trăng) do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản (Ảnh do tác giả cung cấp)

Thứ nhất, một số kiến thức chưa phù hợp với học sinh trung học cơ sở vì những bài này có dung lượng kiến thức lớn; tầm kiến thức còn cao so với tâm lý lứa tuổi.

Cụ thể trong “Phần B. Văn học”, chủ đề 1. Đọc hiểu thơ (trang 43). Các “Khái niệm” về thơ Đường luật; vần, luật bằng trắc, đối, các bộ phận trong thơ Đường luật… đều rất khó đối với học sinh trung học cơ sở Sóc Trăng (nhất là học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Khmer… của tỉnh). Phần này nên giản lược, biên soạn lại dễ hiểu hơn, phù hợp với đặc điểm vùng miền hơn.

Đề thi học sinh giỏi lớp 9 năm học 2017- 2018; yêu cầu còn cao so với khả năng và trình độ nhận thức của học sinh lớp 9 (lứa tuổi 15).

Trong “Câu 2 (12 điểm)”, đề thi yêu cầu hiểu được đạo lý làm người, cách sống nhân nghĩa trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu và chứng minh qua tác phẩm Lục Vân Tiên.

Trong chương trình Ngữ văn lớp 9, hoc sinh chỉ được học hai đoạn trích trong truyện “Lục Vân Tiên” (Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga; Lục Vân Tiên gặp nạn) và một đoạn trích đọc thêm (Kiều Nguyệt Nga đi cống giặc Ô Qua).

Như vậy, rất khó cho học sinh ở phần chứng minh vì phải đọc nhiều lần về tác phẩm Lục Vân Tiên chứ không phải qua vài đoạn trích mà bao quát hết được vấn đề!

Lỗi chính tả của học sinh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số cách khắc phục

Thứ hai, một số trích dẫn làm ví dụ thiếu sự chính xác vì một trong những yêu cầu của kiến thức là phải đảm bảo tính chính xác.

Cụ thể: Trang 3, ví dụ về từ đơn: Trích dẫn bài thơ “Cảm tưởng đọc Thiên gia thi- Hồ Chí Minh), câu “Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông” không có dấu phẩy giữa các từ mà lại viết “Mây/ gió/ trăng/ hoa/ tuyết/ núi/ sông”.

Theo tôi, khi để dấu gạch chéo vẫn phải giữ nguyên dấu phẩy (Mây,/ gió, /trăng,/ hoa,/ tuyết,/ núi, /sông).

Trang 8, Ví dụ: Ai chiến thắng mà không hề chiến bại

Ai nên không mà chẳng dại đôi lần. (Tố Hữu- Dậy mà đi).

Ví dụ này thiếu dấu hỏi (?) sau câu cuối.

Trang 16, Ví dụ. Mình đi, có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù? ( Tố Hữu- Việt Bắc).

Sau câu cuối, không có dấu chấm hỏi (?).

Trang 23. Ví dụ. Bàn tay ta làm nên tất cả

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm. (Ca dao)

Ca dao phần nhiều là thể lục bát hoặc lục bát biến thể. Hơn nữa, đây không phải là ca dao mà là thơ của tác giả Hoàng Trung Thông trong bài thơ “Bài ca vỡ đất”.

Trang 24, Ví dụ: Bác đã đi rồi, sao Bác ơi!

Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời. (Tố Hữu- Bác ơi).

Đặt sai vị trí dấu phẩy ở câu thứ nhất. Chính xác là “Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!”.

Trang 25, Ví dụ. Con cá đối nằm trên cối đá

Con mèo đuôi cụt nằm mục đuôi kèo. (Ca dao).

Đồng ý ca dao luôn có dị bản, trong trường hợp này, nên sử dụng “Con mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo” thì vừa dễ hiểu, vừa có tính hình tượng, chính xác hơn. Nếu sử dụng ý “nằm mục đuôi kèo” thì rất khó hiểu!

Theo Từ điển tiếng Việt (Nhà xuất bản Đà Nẵng- Trung tâm từ điển học, 1997, trang 630) có định nghĩa: “Mút: Đầu tận cùng của vật có độ dài đáng kể”. Ở đây, câu ca dao nhằm chỉ con mèo nằm ở chỗ tận cùng của cây kèo nhà.

Trang 85, câu 1. Nhan đề Bài thơ về Tiểu đội xe không kính được kết hợp từ Bài thơ Tiểu đội xe không kính. Ở đây, từ Tiểu trong “Tiểu đội” không phải viết hoa.

Trang 37. Ví dụ. Hỏi thăm sư.

Có rất nhiều chuyện cười trang nhã, mang tính giáo dục cao. Theo tôi, nội dung truyện cười này không phù hợp tâm lý lứa tuổi và có ẩn ý phỉ báng đạo Phật; không mang tính giáo dục về tự do tín ngưỡng .

Cần bỏ ví dụ này, thay bằng ví dụ khác trong những lần tái bản sau này.

Tài liệu tham khảo:

- Bồi dưỡng kiến thức môn Ngữ văn trung học cơ sở (Dành cho học sinh tỉnh Sóc Trăng). Tái bản làn thứ nhất, có bổ sung.(Châu Tuấn Hồng (chủ biên). Lâm Thị Thiên Lan, Trần Minh Thương, Bùi Đình Quang. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2020).

- Tố Hữu, Thơ, Nhà xuất bản Giáo dục, 1998.

- Từ điển tiếng Việt (Nhà xuất bản Đà Nẵng- Trung tâm từ điển học, 1997).

- 100 bài thơ chọn lọc thế kỷ 20- Gia Dũng biên soạn- tuyển chọn, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2007.

HOÀNG SA VIỆT

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vai-y-kien-ve-cuon-sach-boi-duong-kien-thuc-mon-ngu-van-trung-hoc-co-so-post207570.gd