Vai trò, vị thế và thành tựu của Kiểm toán Nhà nước Indonesia

Kiểm toán Nhà nước Indonesia (BPK) được thành lập ngày 1/1/1947, hiện có khoảng 6.000 cán bộ bao gồm cả Kiểm toán viên và cán bộ không phải là Kiểm toán viên.

Trụ sở Kiểm toán Nhà nước Indonesia. (Nguồn: finance.detik.com)

Nhân dịp Đại hội các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 16-22/9, TTXVN xin giới thiệu về quá trình phát triển, vai trò, vị thế và thành tựu của Kiểm toán Nhà nước Indonesia.

Kiểm toán Nhà nước Indonesia (BPK) được thành lập ngày 1/1/1947. Trụ sở đặt tại thủ đô Jarkata. BPK hiện có khoảng 6.000 cán bộ bao gồm cả Kiểm toán viên và cán bộ không phải là Kiểm toán viên.

Về địa vị pháp lý: Điều 23E, Mục 1 của Hiến pháp 1945 quy định: (i) “Để kiểm tra công tác quản lý và trách nhiệm giải trình về tài chính nhà nước, Ủy ban kiểm toán được thành lập và là một cơ quan độc lập; (ii) Kết quả kiểm toán tài chính nhà nước được trình lên Hạ Viện, Hội đồng Đại diện vùng; và (iii) Kết quả kiểm toán được các cơ quan hữu quan tiếp tục theo dõi.

Điều 23F, Mục 1 của Hiến pháp 1945 quy định: (i) Các ủy viên của Ủy ban kiểm toán do Hạ viện bầu và Tổng thống bổ nhiệm; (ii) Ban điều hành của Ủy ban kiểm toán được bầu từ và bởi các thành viên. Điều 23G, Mục 1 của Hiến pháp 1945 quy định: (i) Cơ quan kiểm toán đặt trụ sở tại thủ đô và có văn phòng đại diện đặt tại các tỉnh; (ii) Các quy định khác về Ủy ban kiểm toán được quy định bởi luật.

Ngoài ra, Chủ tịch BPK được đứng ngang hàng với cùng với Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội... BPK hoàn toàn độc lập trong mọi hoạt động, ngân sách, tổ chức và báo cáo. Nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Kiểm toán Nhà nước Indonesia hiện nay được quy định tại các luật: Luật số 15 năm 2006 về Ủy ban kiểm toán tối cao (thay thế Luật số 5/1973); Luật số 15 năm 2004 về kiểm toán quản lý và trách nhiệm tài chính nhà nước; Luật số 1 năm 2004 về ngân khố nhà nước; Luật số 17 năm 2003 về tài chính nhà nước.

Về cơ cấu tổ chức, Theo Luật số 15 năm 2006, việc điều hành hoạt động BPK được thực hiện bởi một Hội đồng gồm 9 thành viên (trong đó có 1 Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch và 7 thành viên khác). Các ủy viên Hội đồng này do Quốc hội lựa chọn và tiến cử để Tổng thống bổ nhiệm. Hỗ trợ cho Hội đồng là Ban Tổng Thư ký, Vụ Hỗ trợ và xây dựng thủ tục pháp lý, Vụ kiểm toán, Vụ Kế hoạch, đánh giá, nghiên cứu, phát triển và đào tạo, Vụ Thanh tra, Các phòng kiểm toán và Văn phòng khu vực.

Theo chức năng và nhiệm vụ, BPK thực hiện nhiều loại hình kiểm toán như kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động và kiểm toán theo mục đích đặc biệt. Trong đó, nhiệm vụ chính của BPK là kiểm toán đối việc quản lý tài chính và trách nhiệm giải trình của chính quyền Trung ương, chính quyền địa phương, các cơ quan nhà nước khác, Ngân hàng Indonesia, doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan dịch vụ công, các doanh nghiệp của chính phủ tại địa phương và các cơ quan, đơn vị khác liên quan đến quản lý tài chính nhà nước.

BPK tiến hành kiểm toán để xác định, phân tích và đánh giá về các vấn đề một cách độc lập, khách quan và chuyên nghiệp dựa trên các chuẩn mực kiểm toán nhằm đánh giá tính chính xác, hợp lý, tin cậy của các thông tin về quản lý tài chính nhà nước và trách nhiệm giải trình.

BPK báo cáo các phát hiện kiểm toán với Quốc hội, Hội đồng đại biểu cấp vùng và hội đồng lập pháp địa phương tùy từng trường hợp. Sau đó, các cơ quan pháp luật liên quan sẽ xử lý các phát hiện kiểm toán theo qui định nội bộ của họ. Các báo cáo kiểm toán được gửi tới các cơ quan lập pháp cũng được phổ biến rộng rãi công khai.

Để đảm bảo cho hành động tiếp theo, BPK cũng trình báo cáo kiểm toán của mình lên Tổng thống, người đứng đầu các tỉnh/quận/thành phố tùy từng trường hợp. Nếu BPK phát hiện các bằng chứng phạm tội trong khi kiểm toán, BPK sẽ gửi báo cáo tới cơ quan có thẩm quyền trong vòng 1 tháng kể từ khi thu thập được bằng chứng phạm tội.

Về quyền hạn, Trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình, BPK có quyền xác định đối tượng kiểm toán, lập kế hoạch và tiến hành kiểm toán, xác định thời gian và phương pháp kiểm toán, chuẩn bị và trình báo cáo kiểm toán lên các cơ quan liên quan.

BPK có quyền tìm kiếm thông tin hoặc tài liệu từ tất cả mọi người và mọi cơ quan trung ương và địa phương... liên quan đến quản lý tài chính nhà nước.

BPK có quyền tiến hành điều tra/kiểm tra tại chỗ lưu giữ tiền và tài sản nhà nước, tại nơi diễn ra hoạt động kế toán và quản trị tài chính nhà nước về mọi mặt: tính toán, chứng từ, hóa đơn, tài khoản... liên quan đến quản lý tài chính nhà nước.

BPK cũng được ủy quyền xác định các loại tài liệu, dữ liệu và thông tin liên quan đến quản lý tài chính nhà nước và trách nhiệm giải trình phải được đệ trình lên Ủy ban; dự thảo các chuẩn mực kiểm toán tài chính nhà nước có sự tư vấn của chính quyền trung ương và địa phương; xây dựng và thông qua qui tắc ứng xử của Kiểm toán viên; thuê chuyên gia bên ngoài và/hoặc Kiểm toán viên để tiến hành kiểm toán thay cho BPK; đào tạo Kiểm toán viên; tham gia ý kiến về chuẩn mực kế toán chính phủ và góp ý về hệ thống kiểm soát nội bộ của chính quyền trung ương và địa phương trước khi họ thông qua.

Liên quan đến thất thoát ngân sách nhà nước, BPK có quyền đánh giá và/hoặc xác định thất thoát do hành vi vi phạm pháp luật, chủ định hay không chủ định của người quản lý quỹ, của doanh nghiệp trung ương hoặc địa phương và các cơ quan, đơn vị khác liên quan đến quản lý tài chính nhà nước.

Việc đánh giá các khoản thất thoát và/hoặc xác định các cá nhân/đơn vị có trách nhiệm bồi thường thất thoát được thực hiện theo quyết định của BPK. BPK cũng có quyền đưa ra những kiến nghị liên quan đến phương pháp bồi thường thất thoát được quyết định bởi chính quyền trung ương và địa phương và/hoăc cung cấp chuyên gia làm bằng chứng trong các phiên tòa xét xử để đưa ra quan điểm về việc bồi thường các thất thoát.

Theo Luật của Ủy ban Kiểm toán năm 2006, việc quản lý tài chính và trách nhiệm giải trình của BPK được kiểm toán bởi một kế toán công do Hạ viện chỉ định dựa trên đề xuất của Ủy ban Kiểm toán và Bộ trưởng Tài chính, mỗi cơ quan đề xuất danh sách 3 kế toán công lên Hạ viện.

Các phát hiện kiểm toán về BPK được đệ trình lên hạ viện và sao gửi đến Chính phủ để chuẩn bị báo cáo quyết toán năm của Chính phủ.

Để bảo đảm các cuộc kiểm toán của BPK phù hợp với các chuẩn mực, luật 2006 qui định hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ của Ủy ban Kiểm toán phải được kiểm toán bởi cơ quan kiểm toán từ các quốc gia khác là thành viên của tổ chức kiểm toán tài chính nhà nước toàn cầu. Cơ quan kiểm toán quốc gia này do BPK đề cử sau khi có ý kiến của Hạ viện.

Với lịch sử thành lập 71 năm, BPK đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm kiểm toán trong các lĩnh vực kiểm toán, đặc biệt phải kể đến kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin, phòng chống tham nhũng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/vai-tro-vi-the-va-thanh-tuu-cua-kiem-toan-nha-nuoc-indonesia/522747.vnp