Vai trò văn học nghệ thuật trong bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người Lai Châu
Kể từ khi chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu đến nay, Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh đã trải qua 3 nhiệm kỳ Đại hội, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Hội nghiêm túc, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác Hội. Cùng với đó là sự nỗ lực của hội viên trong việc nâng cao chất lượng hoạt động, sáng tác đến nay đã đạt những kết quả đáng khích lệ.
Với 8 Hội, chi hội VHNT các huyện, thành phố trực thuộc và 6 Chi hội chuyên ngành: Văn học nghệ thuật các DTTS Việt Nam, Văn nghệ dân gian, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Âm nhạc, Múa, đội ngũ sáng tác của hội không ngừng phát triển, đến nay đã có 175 hội viên. Các hội viên không ngừng học hỏi, bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sáng tạo nhiều tác phẩm đa dạng về thể loại và có giá trị tư tưởng, nghệ thuật đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc ở miền đất phên dậu của Tổ quốc đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới.
Để nâng cao chất lượng, giá trị nghệ thuật của các tác phẩm văn học nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sỹ, trong những năm qua, Hội thường xuyên chăm lo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng sáng tạo cho hội viên; đến nay đã cử 80 lượt hội viên tham dự trại sáng tác do Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại: Vĩnh Phúc, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Nẵng...; mời 15 văn nghệ sỹ có uy tín ở các Hội chuyên ngành tập huấn, trại sáng tác và hướng dẫn thực hành tại các đợt thực tế sáng tác; tổ chức 20 trại sáng tác chuyên ngành và trại sáng tác ở địa phương với hơn 250 lượt hội viên tham gia; tổ chức 18 lớp tập huấn bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ và đi thực tế sáng tác dài ngày tại cơ sở cho gần 170 lượt hội viên, cộng tác viên tại địa bàn các bản, xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; các đồn, trạm Biên phòng trong tỉnh. Qua thực tế tác nghiệp cơ sở, hội viên các chuyên ngành đã sáng tác hàng nghìn tác phẩm văn học, bài văn nghệ dân gian, tác phẩm mỹ thuật, ca khúc và tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị góp phần bồi đắp tinh thần đoàn kết, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, định hướng thẩm mỹ, hình thành những tư tưởng tình cảm, nhân cách tốt đẹp, có lòng yêu nước, yêu quê hương, tự hào dân tộc đặc biệt là thế hệ trẻ. Hằng năm Hội luôn chú trọng tổ chức các đợt hỗ trợ, xuất bản tác phẩm cho các tác giả với 103 đầu sách gồm các tuyển tập thơ, văn in chung, tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, nhạc, nghiên cứu, phê bình, tranh, ảnh, góp phần lưu giữ, bảo tồn được nhiều công trình nghiên cứu dân gian dài hơi, có thể sử dụng trong các chương trình tài liệu giáo dục địa phương của ngành Giáo dục và đào tạo.
Với 104 tác phẩm thuộc 7 chuyên ngành: Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Văn nghệ dân gian, Văn xuôi, Thơ và Múa tham gia và đạt giải tại Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Lai Châu lần I, II, II đã khẳng định sự sáng tạo, tích cực trong các hoạt động sáng tác của đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh nhà. Nhiều tác phẩm chất lượng, khai thác sâu các giá trị truyền thống, mang đậm bản sắc các dân tộc trong tỉnh, khẳng định các nhân tố mới trong cuộc sống; tích cực đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất, thoái hóa về nhân cách đạo đức ở một bộ phận xã hội; định hướng cuộc sống của con người tới giá trị “chân, thiện, mỹ” đã có sức lan tỏa rộng rãi và để lại nhiều dấu ấn trong lòng độc giả. Nổi bật như: tác phẩm “Góc khuất” - tranh mỹ thuật của họa sĩ Nguyễn Hùng Cường đoạt giải Ba tại Triển lãm mỹ thuật khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc lần thứ 21 năm 2016; “May áo mới” - tác phẩm nhiếp ảnh của tác giả Nguyễn Văn Quang đạt Huy Chương Vàng Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 21 năm 2022; Ca khúc “Người Mông nhớ Bác” của tác giả Minh Cừ đạt Giải A - Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021-2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức; tác giả Vương Khon với ca khúc “Inh lả về Điện Biên đấy” được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải thưởng tác phẩm xuất sắc năm 2023; tác giả Đặng Thùy Tiên với tập truyện ngắn “Những ngọn gió thổi ngược” được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao Giải tác giả trẻ; Truyện ngắn “Thẳm sâu biên giới” của tác giả Phùng Thị Hải Yến đạt giải A cuộc vận động sáng tác truyện ngắn và ký với chủ đề “Người chiến sĩ công an cơ sở vì bản, làng bình yên, vì nhân dân phục vụ” năm 2024 do Bộ Công an tổ chức… năm 2019, tác giả Đỗ Thị Tấc đã tham gia đoàn Hội Nhà văn Việt Nam trình diễn thơ tại Ấn Độ; năm 2024 Nhạc sĩ Thành Chung, Minh Cừ và nghệ sĩ múa Hồng Thắm có các tác phẩm trình diễn, quảng bá tại Trung Quốc… Các tác phẩm không chỉ góp phần vun đắp, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và Nhân dân các dân tộc Lai Châu mà còn có những đóng góp tích cực trong công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh quê hương đất nước con người Lai Châu với bạn bè trong và ngoài nước.
Tạp chí văn nghệ Lai Châu phát hành 1 số/ 1 tháng và trang web vanhocnghethuatlaichau.vn với tác phẩm thuộc các lĩnh vực: ký, ghi chép - phóng sự, truyện ngắn, tản văn, thơ, văn nghệ dân gian, lý luận phê bình, nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc với 727.571 lượt truy cập đã thể hiện tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, làm cầu nối hai chiều giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân đã góp phần định hướng các giá trị chân - thiện - mỹ đến với nhân dân, độc giả.
Hằng năm, lãnh đạo tỉnh tổ chức gặp gỡ báo chí và các văn nghệ sĩ; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh trao giấy khen cho các tác phẩm chất lượng cao. Đây là nguồn động viên rất lớn, thể hiện sự quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị phục vụ công chúng trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, sự ra đời của Chỉ thị 12 - CT/TU, ngày 23/6/2022 về “Nâng cao chất lượng hoạt động, văn học nghệ thuật tỉnh Lai Châu giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” và Kế hoạch 3007/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị đã tạo điều kiện cho nền văn học nghệ thuật của tỉnh ngày càng phát triển và khẳng định sự quan tâm của tỉnh đến công tác văn học nghệ thuật.
Có thể nói, 20 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với sự cống hiến của bao thế hệ tác giả, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội VHNT Lai Châu đã tạo dựng một diện mạo văn học nghệ thuật Lai Châu đậm bản sắc riêng. Các văn nghệ sĩ Lai Châu đã khai thác thế mạnh vốn có của tỉnh là bản sắc văn hóa của các dân tộc. Trong thời đại hội nhập, VHNT Lai Châu vẫn giữ vững tính Đảng, kiên quyết đấu tranh với những quan điểm, tư tưởng trái với đường lối quan điểm của Đảng. Hội viên, cộng tác viên không có trường hợp tư tưởng trái chiều, sáng tác tác phẩm lệch lạc vì mục tiêu cá nhân. Các tác giả luôn hướng đến sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật mang đậm bản sắc địa phương, phản ánh rõ nét về con người, quê hương Lai Châu, về công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.