Vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ là gì?

Trong tháng 4/2021, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) lần thứ hai, đồng thời cũng là kỳ đảm nhận vị trí chủ tịch cuối cùng của Việt Nam trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2020-2021.

HĐBA LHQ là một trong sáu cơ quan chính của LHQ, chịu trách nhiệm đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế, khuyến nghị kết nạp các thành viên mới của LHQ vào Đại hội đồng, thông qua bất kỳ thay đổi nào đối với Hiến chương LHQ. Quyền hạn của HĐBA bao gồm: Thiết lập hoạt động gìn giữ hòa bình, ban hành lệnh trừng phạt quốc tế và cho phép hành động quân sự. HĐBA là cơ quan duy nhất của LHQ có thẩm quyền ban hành nghị quyết ràng buộc đối với các quốc gia thành viên.

HĐBA bao gồm 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực: Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ. Đây là những cường quốc, hoặc các quốc gia kế thừa (ví dụ Liên Xô, sau là Nga-PV), những nước chiến thắng trong Thế chiến thứ hai. Các thành viên thường trực có thể phủ quyết bất kỳ nghị quyết thực chất nào, bao gồm cả những nghị quyết về việc kết nạp các quốc gia thành viên mới vào LHQ hoặc nhân sự được đề cử vào chức vụ tổng thư ký. 10 thành viên còn lại được bầu trên cơ sở khu vực để phục vụ nhiệm kỳ hai năm. Theo un.org (trang web của Liên Hợp Quốc), Chủ tịch HĐBA lần lượt do từng thành viên (kể cả thường trực và không thường trực) nắm giữ trong một tháng, theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Anh tên các quốc gia thành viên.

Các nghị quyết của HĐBA thường được thực thi bởi lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, lực lượng quân sự do các quốc gia thành viên tự nguyện cung cấp và được tài trợ độc lập với ngân sách chính của LHQ.

Về trách nhiệm của Chủ tịch HÐBA

Chủ tịch HĐBA chịu trách nhiệm lãnh đạo HĐBA. Người đứng đầu phái đoàn của nước chủ tịch được gọi là Chủ tịch HĐBA LHQ. Chủ tịch HĐBA có nhiệm vụ điều phối các hành động của hội đồng, quyết định tranh chấp chính sách và đôi khi có chức năng như một nhà ngoại giao hoặc trung gian giữa nhóm xung đột.

Vai trò của chủ tịch liên quan đến việc triệu tập các cuộc họp của HĐBA, phê chuẩn chương trình nghị sự tạm thời (do tổng thư ký đề xuất), chủ trì các cuộc họp, quyết định những câu hỏi liên quan chính sách và giám sát mọi cuộc khủng hoảng.

Chủ tịch đại diện cho HĐBA trước các cơ quan khác của LHQ và những quốc gia thành viên. Chủ tịch cũng đồng thời đại diện cho nước mình. Nếu quốc gia của họ tham gia một cuộc xung đột mà HĐBA đang thảo luận, họ được cho là sẽ tạm thời từ chức.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vai-tro-trach-nhiem-cua-chu-tich-hoi-dong-bao-an-lhq-la-gi-post1327393.tpo