Vai trò thực sự của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản

Tổ chức tiền thân của lực lượng này là cục an ninh trên biển. Đây là tổ chức cảnh sát quân sự hóa, một lực lượng dự bị quan trọng của Nhật Bản.

Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) đảm nhiệm nhiều công tác khác nhau như: Tuần tra lãnh hải, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế; Đấu tranh chống tội phạm trên biển; Tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn; Điều hành giao thông; Nghiên cứu hải dương học, sinh thái học, chống ô nhiễm môi trường biển; Bảo vệ tài nguyên biển...

JCG nằm trong Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch. Cơ quan này được đặt dưới sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Thủ tướng và Bộ trưởng. Cơ cấu của JCG gồm bộ máy trung tâm và 11 vùng bảo vệ biển, quan trọng nhất là vùng 1. Dưới 11 vùng có 66 phòng ở các thành phố lớn và 51 ban ở các điểm dân cư ít quan trọng.

Máy bay trong biên chế của JCG. Ảnh: Airbus

Máy bay trong biên chế của JCG. Ảnh: Airbus

JCG có hơn 12.200 nhân viên, trong đó bộ máy trung tâm khoảng 1.600 người, 6.100 người thuộc các phi hành đoàn và thủy thủ đoàn. JCG có quyền điều động 6 trung tâm liên lạc biển, 14 căn cứ không quân, 3 trung tâm bảo vệ, cứu hộ và chữa cháy cơ động, 11 trung tâm thông tin liên lạc, 4 trạm quan sát thủy văn, 1 trung tâm vô tuyến điện dẫn đường hệ thống Loran, 79 trạm phục vụ giao thông đường thủy.

Lực lượng này được trang bị một số lượng lớn ca-nô, các tàu có tổng lượng giãn nước khoảng 150.000 tấn và nhiều máy bay bảo vệ biển. Đội tàu gồm 124 tàu tuần tiễu và 224 canô. Tàu tuần tiễu được trang bị pháo 40mm (35mm) và súng máy 20mm (15mm). Tàu tuần tiễu lớn lớp PLH có nơi để trực thăng. Đội máy bay có 30 máy bay SAAB-340, Phalcon-90 IS-11A, Bitrkrapt-200T; 46 trực thăng loại Bell-212, 412 và 206B, AS-332LI, S-76C.

JCG thường xuyên phối hợp hành động với Lực lượng Phòng vệ trên biển. Trong tình trạng khẩn cấp, JCG sẽ chịu sự chỉ huy trực tiếp của Lực lượng Phòng vệ trên biển. Khi có chiến tranh, các lực lượng an ninh trên biển chuyển sang chế độ sẵn sàng chiến đấu, giám sát vùng trời, vùng biển, tuần tra bảo vệ cảng, bảo vệ giao thông ven biển...

Khu vực chịu trách nhiệm của JCG rộng khoảng 4,05 triệu km2 mặt nước, trong đó vùng đặc quyền kinh tế rộng 430.000km2. Ngoài ra, theo Hiệp định An ninh Nhật - Mỹ, JCG có nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ trên Thái Bình Dương trong cự li 1.200 hải lý tính từ vùng Tokyo trong phạm vi từ 165 độ kinh Đông và 17 độ vĩ tuyến Bắc.

Hoạt động tuần tra, tuần tiễu được thực hiện suốt ngày đêm. Ở vùng biển xa bờ chủ yếu sử dụng tàu tuần tiễu lớn và trung bình, thời gian tuần tiễu ở vùng biển xa bờ từ 7-11 ngày; canô tuần tiễu ở vùng biển gần bờ từ 2-5 ngày.

Năm 2000, cùng với việc đổi tên Cục An ninh trên biển thành Lực lượng Bảo vệ bờ biển, Nhật Bản đã thành lập Hải đội đặc biệt chống khủng bố (SST). Đây là một lực lượng cơ động, được trang bị vũ khí và phương tiện liên lạc hiện đại có nhiệm vụ vô hiệu hóa các nhóm khủng bố, giải thoát con tin, bắt giữ tội phạm và các chức năng khác.

Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đang thực hiện nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị trực thuộc, như hoàn thiện hệ thống tuần tra và tăng cường chống cướp biển, buôn lậu vũ khí, ma túy; Tăng cường hợp tác với cơ quan chức năng các nước về đảm bảo an ninh trên biển; Hoàn thiện việc đảm bảo giao thông đường thủy...

JCG cũng chú trọng bổ sung trang thiết bị kỹ thuật mới cho tàu thuyền và máy bay. Các hải đội được trang bị phương tiện chỉ huy và liên lạc hiện đại.

Để nâng cao hiệu quả phối hợp hoạt động với Lực lượng Phòng vệ trên biển, JCG còn tham gia các cuộc tập trận chung, hoàn thiện hiệp đồng tác chiến, tổ chức thông tin liên lạc, bắt giữ các tàu vi phạm. Đặc biệt, JCG tích cực cử nhân viên sang Mỹ nghiên cứu kinh nghiệm chống khủng bố quốc tế và các hoạt động chống phá khác trên biển.

Nguyên Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ho-so/vai-tro-thuc-su-cua-luc-luong-bao-ve-bo-bien-nhat-ban-680451.html