Vai trò quyết định của Đại cử tri đoàn trong bầu cử tổng thống Mỹ

Ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ vào năm 2016 dù kém bà Clinton gần 3 triệu phiếu phổ thông, nguyên nhân nằm ở những lá phiếu của Đại cử tri đoàn.

Khi người dân Mỹ bỏ phiếu cho một ứng viên tổng thống, thực chất họ đang bầu ra các đại cử tri.

Trên thực tế, 538 đại cử tri được bầu từ 50 bang và đặc khu Columbia (tức thủ đô Washington) mới chính là những người đóng vai trò quyết định trong quá trình xác định tổng thống và phó tổng thống Mỹ cho nhiệm kỳ mới.

 Ảnh: UNECGH.

Ảnh: UNECGH.

Nguyên tắc "được ăn cả, ngã về không"

Mỗi tiểu bang được ấn định một số phiếu đại cử tri nhất định, dựa trên số lượng khu vực quốc hội mà họ có, cộng với hai phiếu bầu bổ sung đại diện cho các ghế Thượng viện của tiểu bang. Đặc khu Columbia cũng được ấn định 3 phiếu đại cử tri, mặc dù không có đại diện biểu quyết trong Quốc hội.

Ứng viên tranh cử vào vị trí đứng đầu Nhà Trắng cần giành được ít nhất 270 trong số 538 phiếu đại cử tri để đắc cử tổng thống.

Đại cử tri đoàn đóng vai trò then chốt trong quá trình xác định tổng thống Mỹ của nhiệm kỳ mới. Ảnh: BBC.

Tùy theo bang hoặc theo đảng, quy trình bầu ra đại cử tri đôi khi có một số điểm khác biệt, nhưng nhìn chung vẫn được thực hiện theo một trong hai cách: thông qua các kỳ đại hội toàn quốc hoặc đề cử bởi ủy ban trung ương của mỗi đảng.

Vào ngày bầu cử, Đại cử tri đoàn bầu lên theo nguyên tắc “được ăn cả, ngã về không”, trong đó ứng viên có số phiếu cao nhất ở một bang sẽ thay mặt toàn bộ cử tri tại bang đó đứng ra bầu cử. Tại Maine và Nebraska, số đại cử tri thắng được tính theo từng khu vực quốc hội của tiểu bang.

Ảnh: Guardian, Việt hóa bởi Zing.

Ví dụ, vào năm 2016, ông Trump đánh bại bà Clinton ở Florida với chênh lệch chỉ 2,2%, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc ông Trump đã giành được tất cả 29 phiếu đại cử tri quan trọng của Florida.

Việc giành lợi thế dù nhỏ nhưng tại các bang tranh chấp quan trọng đã giúp ông Trump đắc cử tổng thống, bất chấp việc bà Clinton giành được nhiều phiếu phổ thông hơn.

Tình huống tương tự có thể xảy ra vào cuộc bầu cử năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc ông Biden sẽ phải tập trung vận động tranh cử tại một số bang quan trọng nếu muốn giành chiến thắng.

Tại sao Mỹ sử dụng hệ thống phiếu đại cử tri?

Thời điểm hiến pháp Mỹ được soạn thảo vào năm 1787, việc bầu cử tổng thống dựa theo nguyên tắc đầu phiếu phổ thông trên quy mô toàn quốc gần như là bất khả thi.

Điều này xuất phát từ diện tích rộng lớn (gần 10 triệu km2) của nước Mỹ và những giới hạn trong giao thức truyền thông thời điểm đó, vốn vẫn còn thô sơ.

Do đó, các nhà lập pháp đã ấn định ra cử tri đoàn, cho phép mỗi bang lựa chọn ra các đại cử tri và đại diện người dân địa phương đi bỏ phiếu.

Hệ thống đại cử tri đoàn có bề dày lịch sử 233 năm. Ảnh: Reuters.

Những bang ít dân ủng hộ hình thức bầu cử thông qua đại cử tri đoàn bởi hệ thống này giúp họ có tiếng nói hơn so với việc bỏ phiếu phổ thông toàn quốc để chọn ra tổng thống.

Thời điểm nước Mỹ lập quốc, hệ thống đại cử tri cũng được các bang miền Nam ủng hộ bởi nô lệ tại những khu vực này không có quyền bầu cử nhưng vẫn được tính bằng 3/5 công dân bình thường khi thống kê dân số.

Sự không đồng đều trong phân bổ phiếu đại cử tri

Nguyên tắc phân bổ tối thiểu 3 phiếu đại cử tri mỗi bang khiến giá trị tương đối của những lá phiếu quan trọng này trở nên thiên lệch và phần nào không phản ánh được nguyện vọng của cử tri tại các bang có dân số khác nhau, Guardian nhận định.

Mỗi phiếu đại cử tri tại Wyoming đại diện cho 193.000 người đi bỏ phiếu. Trong khi đó, ở California, một lá phiếu đại cử tri đại diện cho 718.000 người, gấp 3,7 lần so với tỷ lệ ở Wyoming. Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ cho sự phân bố không đều của những lá phiếu đại cử tri.

Ảnh: Guardian, Việt hóa bởi Zing.

Đại cử tri đoàn ủng hộ ai?

Mô hình Đại cử tri đoàn đã nhận nhiều chỉ trích kể từ sau cuộc bầu cử năm 2000 với chiến thắng thuộc về ông George W. Bush dù kém cựu Phó tổng thống Al Gore gần 500.000 phiếu phổ thông.

“Hệ thống Đại cử tri đoàn vi phạm nguyên lý cốt lõi của nền dân chủ, trong đó cho rằng mỗi phiếu bầu đều có giá trị tương đương nhau. Tại sao lại cần tổ chức một cuộc bầu cử nếu chúng ta không quan tâm đến việc ai giành được nhiều phiếu nhất?”, Giáo sư George Edwards III tại Đại học Texas A&M nhận xét.

Ảnh: Guardian, Việt hóa bởi Zing.

Theo nguyên tắc “được ăn cả, ngã về không”, mức chênh lệch số phiếu phổ thông của hai ứng viên tại mỗi bang trở nên vô nghĩa.

Vào năm 2016, dù thắng áp đảo ở các bang như California hay New York nhưng bà Clinton chung cuộc vẫn thất bại trước ông Trump vì giành được ít phiếu đại cử tri hơn.

Trong khi đó, việc chiến thắng sít sao ở những bang tranh chấp như Pennsylvania và Michigan đã giúp ông Trump giành 270 phiếu đại cử tri, qua đó đắc cử tổng thống.

Trong đó, riêng 6 bang chiến trường trọng yếu là Florida, Iowa, Michigan, Ohio, Pennsylvania và Winsconsin đã đem về cho ứng viên đảng Cộng hòa 99 phiếu đại cử tri.

Ảnh: Guardian, Việt hóa bởi Zing.

Đối tượng dân cư tại các bang này đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng bất ngờ của ông Trump.

So với mức trung bình của toàn nước Mỹ, cử tri tại đây bao gồm nhiều người da trắng hơn, lớn tuổi hơn và ít người có trình độ đại học hơn.

Theo Guardian, người mang những đặc điểm này thường có xu hướng ủng hộ đảng Cộng hòa, góp phần giúp ông Trump đắc cử vào năm 2016.

Chỉ trích

Một trong những khía cạnh được xem là hạn chế chính của hệ thống đại cử tri đoàn nằm ở tính công bằng, vì đôi khi ứng viên đắc cử tổng thống không phải là người giành được nhiều phiếu phổ thông hơn, như trường hợp của ông Al Gore (năm 2000) và bà Hillary Clinton (năm 2016).

Trong cuộc bầu cử năm 2000, cựu Phó tổng thống Al Gore thất cử dù hơn ông George W. Bush gần 500.000 phiếu phổ thông. Ảnh: AP.

Việc giành được ít phiếu phổ thông hơn cũng phản ánh thực tế tân tổng thống không nhận được sự ủng hộ từ đa số cử tri.

Một vấn đề khác khiến hình thức bầu cử lâu đời nói trên vấp phải nhiều chỉ trích nằm ở các trường hợp “đại cử tri bất tuân”.

Từ khi hình thành, hệ thống đại cử tri đoàn đã xuất hiện 157 đại cử tri bầu cử ngược với lá phiếu trước đó họ đã cam kết với người dân tại bang sở tại. Có 21 bang không bắt buộc đại cử tri phải trung thành với lời cam kết.

Zing từ Mỹ: Lo ngại về bạo lực và tranh chấp sau ngày bầu cử Ngày bầu cử đã cận kề, nhiều người Mỹ không cho rằng cuộc đua sẽ kết thúc vào ngày 3/11, kéo theo đó là nỗi lo về bạo lực và tâm lý mua sắm súng trước ngày bầu cử.

Đại Hoàng
Đồ họa: Nhân Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vai-tro-quyet-dinh-cua-dai-cu-tri-doan-trong-bau-cu-tong-thong-my-post1146523.html