VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA QUỐC HỘI TRONG BẢO ĐẢM THỰC HIỆN HIỆU QUẢ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Phát triển bền vững không chỉ là cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế mà còn xuất phát từ nhu cầu nội tại mang tính tất yếu của nước ta, phù hợp với chủ trương chiến lược của Đảng là 'phát triển nhanh và bền vững, đặt con người và chất lượng cuộc sống là yếu tố trung tâm trong hoạch định và thực thi chính sách'. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh khẳng định trong quá trình đó, Quốc hội luôn đồng hành, sát cánh cùng Chính phủ để triển khai thực hiện ngày càng hiệu quả chủ trương về phát triển bền vững.

Mục tiêu phát triển bền vững số 13 về biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) được Liên Hợp Quốc đề ra vào năm 2015. Theo đó, mục tiêu SDGs số 13 là: “Hành động về khí hậu” cụ thể hơn: “Hành động cấp thiết để chống lại biến đổi khí hậu và tác động của nó”.

Các mục tiêu phát triển bền vững

Các mục tiêu phát triển bền vững

Căn cứ các Nghị quyết số 98/2015/QH13 ngày 10/11/2015 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; và các văn bản liên quan khác của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017. Trong đó, để phù hợp với điều kiện, đặc điểm của Việt Nam, mục tiêu số 13 về BĐKH được cụ thể hóa thành “Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai”, bao gồm 03 mục tiêu cụ thể:

Mục tiêu 13.1: Tăng cường khả năng chống chịu và thích nghi với rủi ro liên quan tới BĐKH, ứng phó với thiên tai và các thảm họa tự nhiên khác

Mục tiêu 13.2: Lồng ghép các yếu tố BĐKH vào các chính sách, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển

Mục tiêu 13.3: Giáo dục, nâng cao nhận thức, năng lực và thể chế trong cảnh báo sớm, ứng phó với BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh cho biết, để góp phần thực hiện các mục tiêu cụ thể của mục tiêu SDGs số 13 đã đề ra nêu trên, thông qua việc thực hiện các chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đã thảo luận, thông qua các đạo luật, nghị quyết, quyết định ngân sách cho chương trình mục tiêu liên quan đến phát triển bền vững; chú trọng đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng để bảo đảm phát triển bền vững.

Vai trò của Quốc hội trong hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với mục tiêu BĐKH

Trong hoạt động lập pháp, Quốc hội đã luôn đổi mới, chủ động, tích cực xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nhiều đạo luật đã được xây dựng và sửa đổi bổ sung để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho Chính phủ chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện mục tiêu SDGs số 13 về BĐKH cũng như thực hiện các mục tiêu đề ra trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2020 của Việt Nam và các cam kết quốc tế khác về BĐKH mà Việt Nam là thành viên.

Tiêu biểu như Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 17/11/2020, đã sửa đổi, bổ sung nội dung về Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (Điều 91), quy định trách nhiệm cụ thể đối với các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và các đối tượng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào chiến lược, quy hoạch (Điều 93). Nội dung lồng ghép cụ thể bao gồm: Kịch bản BĐKH và tác động của BĐKH được sử dụng trong việc xác định mục tiêu dài hạn của chiến lược, quy hoạch; Các giải pháp ứng phó với BĐKH được lồng ghép vào nội dung của chiến lược, quy hoạch; Kết quả phân tích, đánh giá giải pháp ứng phó với BĐKH được sử dụng trong việc xác định chỉ tiêu kinh tế - xã hội của chiến lược, quy hoạch. Luật hóa việc thực hiện cam kết quốc tế về BĐKH và bảo vệ tầng ô-dôn (Điều 94), quy định rõ trách nhiệm tổ chức xây dựng, cập nhật, triển khai thực hiện NDC, báo cáo minh bạch 02 năm một lần; quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về BĐKH; bổ sung quy định về BVMT di sản thiên nhiên có tầm quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, bảo vệ nguồn nước, giữ cân bằng sinh thái (Mục 4, Chương II).

Hay Luật Khí tượng thủy văn số 90/2015/QH13 được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 23/11/2015 có một chương quy định giám sát BĐKH (Chương V). Ngoài ra còn có các Luật Lâm nghiệp năm 2017, Luật Thủy sản năm 2017, Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010,…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh khẳng định hệ thống pháp luật Việt Nam đã được xây dựng phù hợp với mục tiêu về phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ hậu quả thiên tai; hạn chế nạn phá rừng; xây dựng hệ thống phòng chống, cảnh báo và cơ sở hạ tầng và nông nghiệp có khả năng chống chịu với BĐKH; hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong ngành năng lượng, khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh tại Hội nghi trực tuyến “Vai trò của Quốc hội đối với các mục tiêu phát triển bền vững” do Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tổ chức

Cùng với đó, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự hỗ trợ của các nước phát triển và các các tổ chức tài chính quốc tế đối với Việt Nam để thực hiện các cam kết của mình, Quốc hội Việt Nam đã ban hành các Luật: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Điều ước quốc tế, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Thỏa thuận quốc tế… Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội tiến hành nghiên cứu để xây dựng hành lang pháp lý cho cơ chế thử nghiệm (Regulatory Sandbox) trong một số ngành, lĩnh vực mới, có hàm lượng công nghệ cao, trong đó có ngành công nghiệp sản xuất ô tô điện.

Bảo đảm hiệu quả thực thi chính sách pháp luật thông qua giám sát

Trong hoạt động giám sát, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành nhiều đợt giám sát chuyên đề và giám sát thường xuyên liên quan đến BĐKH như: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống BĐKH ở đồng bằng sông Cửu Long (2014); Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống thiên tai (2019); Giám sát về tình hình thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với BĐKH mà Việt Nam là thành viên (2019); Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống thiên tai; giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 theo cơ chế chương trình mục tiêu quốc gia (2020). Hằng năm, xem xét, thẩm tra các báo cáo của Chính phủ liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ và ngân sách cho BĐKH.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh cho biết, trong năm 2022, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đang triển khai giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH, trong đó có nội dung thực hiện cam kết quốc tế về BĐKH tại COP 26.

Quốc hội đóng vai trò quyết định trong bảo đảm nguồn lực thực hiện các mục tiêu SDGs

Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã luôn quan tâm, chú trọng việc lồng ghép mục tiêu SDGs số 13 về BĐKH trong quá trình xem xét, ban hành các Nghị quyết về dự toán ngân sách hằng năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và giai đoạn 05 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn...

Trong Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, luôn xác định rõ ràng nhiệm vụ, giải pháp về chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, thích ứng với BĐKH. Chú trọng các giải pháp ứng phó hiệu quả với BĐKH gắn với thực hiện các cam kết quốc tế.

Trong đó có các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công trung hạn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cũng đã xác định những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể về tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo vệ, phát triển rừng, phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh khẳng định, với vai trò và chức năng của mình, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội luôn đồng hành, sát cánh cùng Chính phủ để triển khai thực hiện ngày càng hiệu quả hơn nữa những chủ trương đường lối của Đảng về phát triển bền vững với mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững đi đối với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với BĐKH; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=64252