Vai trò quan trọng của công tác chỉ đạo trong Chiến dịch Tây Nguyên 1975

Thực hiện quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đầu năm 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên, mà hướng chiến lược chủ yếu là nam Tây Nguyên, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, tạo bước ngoặt quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ huy cuộc tiến công chiến lược Xuân 1975, đặc biệt là bảo đảm cho Chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định cử các đồng chí: Văn Tiến Dũng, Đinh Đức Thiện, Lê Ngọc Hiền và một số cán bộ của Bộ Tổng Tham mưu vào chiến trường, hình thành bộ phận đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh ở chiến trường miền Nam (mang mật danh Đoàn A75). Trước ngày đoàn lên đường, các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái đã có cuộc họp bàn về cách đánh trong Chiến dịch Tây Nguyên và đi đến thống nhất: “Đòn tiến công chiến lược đầu tiên phải tranh thủ bất ngờ, tập trung cao độ giải quyết Buôn Ma Thuột, bảo đảm chắc thắng trận đầu; tiếp đó nhanh chóng phát huy thắng lợi, tiến công liên tục tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, giải phóng và giữ cho được những địa bàn chiến lược quan trọng ở Tây Nguyên”.

 Sở chỉ huy Mặt trận Giải phóng Tây Nguyên bàn phương án tác chiến.

Sở chỉ huy Mặt trận Giải phóng Tây Nguyên bàn phương án tác chiến.

Ngay khi vào đến Sở chỉ huy của bộ ở phía tây nam thị xã Buôn Ma Thuột, đồng chí Văn Tiến Dũng thay mặt Quân ủy Trung ương công bố quyết định thành lập và giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh (BTL) chiến dịch. Để chuẩn bị cho chiến dịch, BTL khẩn trương tổ chức cuộc họp mở rộng để bàn về phương án tác chiến. Trên cơ sở kế hoạch tác chiến do BTL Mặt trận B3 xây dựng từ cuối năm 1974 và từ thực tiễn tình hình, BTL chiến dịch quyết định thực hiện kế hoạch đánh nghi binh, tạo thế giam giữ phần lớn chủ lực địch tại bắc Tây Nguyên bằng cách tiến công nghi binh Pleiku và Kon Tum, cắt Đường số 14, chia cắt nam Tây Nguyên với bắc Tây Nguyên, tạo điều kiện cho chủ lực ta tập trung lực lượng giáng đòn quyết định tiêu diệt địch, giải phóng Buôn Ma Thuột và sẵn sàng đánh bại cuộc phản kích. BTL chiến dịch chỉ đạo các lực lượng phải kiên trì, khôn khéo giữ bí mật ý định chiến dịch và lực lượng ta ở hướng tác chiến chủ yếu. Tích cực hoạt động trên hướng nghi binh Kon Tum, Pleiku để thu hút Trung đoàn 45 của địch về lại hướng Pleiku, kiềm giữ Trung đoàn 44 và các lực lượng khác ở lại bắc Tây Nguyên. Đồng thời, lệnh cho Sư đoàn 320 tránh đụng độ với sư đoàn 45 của địch và tạm lùi đội hình về hướng Tây, Sư đoàn 968 tích cực đánh nghi binh, phối hợp với lực lượng địa phương ở Pleiku và Kon Tum, huy động dân công làm đường và phao tin ta sẽ đánh lớn ở bắc Tây Nguyên; sử dụng mạng thông tin vô tuyến điện phát các tin tức nghi binh trên làn sóng điện để đánh lừa địch rằng Sư đoàn 10 vẫn còn ở bắc Kon Tum và Sư đoàn 320 vẫn còn ở tây Pleiku. Khi địch điều Trung đoàn 45 xuống Ea Hơ Leo, ta đã cho phát một bức điện nghi binh trên làn sóng gửi cho các đơn vị với nội dung: “Địch đã bị mắc lừa, cho rằng ta sẽ đánh Buôn Ma Thuột nên đã điều quân xuống phía nam”.

Cuộc đọ sức âm thầm giữa ta và địch kéo dài suốt trong tiến trình ta chuẩn bị chiến dịch. Đến cuối tháng 2-1975, địch vẫn chưa phát hiện được rõ rệt ý định chiến dịch của ta. Trong khi phần lớn quân chủ lực của địch vẫn chiếm giữ ở bắc Tây Nguyên thì các đơn vị của ta đã di chuyển và tập kết về hướng nam Tây Nguyên. Để tránh bị phát hiện, đối với lực lượng hành quân xuống phía nam, BTL quy định toàn bộ cuộc hành quân không được báo cáo bằng máy thông tin, đặc biệt là mạng thông tin vô tuyến, chỉ được dùng đường dây thông tin mặt đất; quá trình hành quân phải bảo đảm ngụy trang kỹ lưỡng, đi đến đâu xóa dấu vết đến đó.

Tiếp đó, ngày 1-3-1975, Sư đoàn 968 đã sử dụng pháo binh bắn vào thị xã Pleicu, dùng lực lượng bộ binh tiến đánh các vị trí Chốt Mỹ, Đồn Tầm của địch trên Đường số 19, đánh chiếm dãy Chư Ka Ra, Chư Gôi… uy hiếp quận lỵ Thanh Bình, Thanh An. Ở hướng Kon Tum, ta tiến hành các trận đánh nhỏ; làm đường, làm trận địa pháo, huy động dân công rầm rộ, đồng thời sử dụng một lực lượng khác đánh địch trên Đường số 14 (đoạn giữa Kon Tum và Pleicu). Những hoạt động trên nhằm đánh lừa quân địch, gây cho chúng tin rằng ta đã mở chiến dịch trên hướng Pleicu, buộc địch phải tung liên đoàn biệt động quân số 23 ra để đối phó, đồng thời cử trung đoàn 53 lùng sục phía bắc Buôn Ma Thuột, trung đoàn 14 lùng sục ở tây Đường số 14 nhưng vẫn không phát hiện được Sư đoàn 320 của ta.

Phát hiện địch đã hoàn toàn bị đánh lạc hướng, ngày 4-3-1975, ta nổ súng mở màn chiến dịch. Từ ngày 4 đến 9-3, quân ta đã tạo thế chiến dịch rất thành công, nổi bật là đã đánh chiếm các đường giao thông chia cắt Tây Nguyên với đồng bằng, chia cắt phía nam với phía bắc Tây Nguyên, bí mật bao vây, cô lập hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột và nghi binh lừa địch tạo thế đánh Pleicu. Khi ta tiêu diệt quận lỵ Đức Lập, địch vẫn đinh ninh ta đánh để mở thông Đường số 14 vào Nam Bộ và chúng vẫn tập trung đối phó với hướng nghi binh của ta ở Pleicu.

2 giờ sáng ngày 10-3, ta mở màn trận đột phá chiến lược tiến công Buôn Ma Thuột trong sự ngỡ ngàng của quân địch khiến chúng không kịp trở tay. Trận tiến công nhanh chóng giành thắng lợi chỉ sau 32 giờ chiến đấu. Tiếp đó ta liên tiếp đánh bại các đợt phản kích của quân địch và đặc biệt giành thắng lợi trong đợt truy kích cuộc rút chạy của chúng trên Đường số 7 (24-3), kết thúc thắng lợi hoàn toàn của Chiến dịch Tây Nguyên.

Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên một lần nữa khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật chiến dịch và chiến lược, trong đó có bài học về nghệ thuật nghi binh, đòi hỏi cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng một cách sáng tạo trong bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

ThS LÊ MẠNH TIẾN (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/vai-tro-quan-trong-cua-cong-tac-chi-dao-trong-chien-dich-tay-nguyen-1975-611743